Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2009

EM VỀ VÁ LẠI MẢNH TÌNH CHUNG















EM VỀ VÁ LẠI MẢNH TÌNH CHUNG

Cũng bởi bài thơ đăng trên báo mạng
Điều bất ngờ anh đọc được tên em
Tên người em gái nhỏ ngày xưa ấy
Đã bốn mươi năm thao thức nỗi niềm...

Bốn mươi năm ngẩn ngơ cơn sóng dữ
Tình như quên trong giấc ngủ miên trường
Vượt thời gian chìm sâu qua ký ức
Của những ngày tình cảm đậm đà hương

Em đã đến như mưa tuôn sa mạc
Những vần thơ vực dậy khối tình say
Thời gian trôi không bào mòn số phận
Lương duyên mình lại khởi sắc từ đây

Những ngày vắng em đời anh trống vắng
Khoác chiến y, nợ nước gánh hành trang
Những vui buồn nỗi trôi màu áo trận
Lòng khôn nguôi người yêu nhỏ vô vàn !

Em một thời trong đơn phương gối chiếc
Dệt vần thơ trãi rộng khắp phương trời
Đêm nguyện lòng tái hợp cầu Ô Thước
Cho má hồng tình ôm ấp bờ môi !

Ta một thời đời chia xa lưu lạc
Ngỡ đã mất nhau giữa chốn lưu đày
Hạnh phúc nào cho duyên lành đưa đến
Mãi mãi bên nhau, trăng nước sum vầy !

Hãy hát vang bài tình ca nóng bỏng
Sóng nhạc giao thoa êm ái lạ lùng
Anh về trói hồn em vào gối mộng
Em trở về vá lại mảnh tình chung !

TỪ ĐÓ...NIỀM RIÊNG !

Gió bấc tràn về. lạnh tái tê
Mưa bay ngơ ngác tỉ tê về
Nghe trong buốt giá hồn vương vấn
Thấm đậm buồng tim, nhức nhối ghê !

Giữa cô đơn lá rụng ven thềm
Xào xạc cành khô trải bóng đêm
Cứ ngỡ tâm tình đang dạo khúc
Nghê thường anh say đắm bên em !

Nào những đêm về lệ ướt mi
Tim lòng đau đáu khối tình si !
Lưng chừng giọt lệ vương trong mắt
Ngày tháng đong đầy nỗi cách ly…

Giấc ngủ hững hờ loáng thoáng mơ !
Nghe mưa rơi tí tách ơ hờ…
Hồn thơ miên viễn qua trang giấy
Nét bút đi hoang giữa đèn mờ.

Uể oải tình riêng bao nỗi niềm
Buông xuôi vận số nửa chừng đêm
Chờ trong thương nhớ... bình minh đến
Từ đó…niềm riêng – anh của em !

bão loạn vào tim

Em như cô bé tuổi mười ba
Ngốc ngếch yêu đương tuổi ngọc ngà
Say đắm tình anh, yêu nghiệt ngã
Yêu trong tiềm thức nghìn năm xa...

Thuở ấy em như con bướm trắng
Thơ ngây trang sách vở học trò
Lòng như vương vấn tình chăn gối
"Chuyện ấy" khiến em chút thẹn thò !
*
Những năm chăn gối bên chồng cũ
Ân ái chẳng làm em thiết tha
Chẳng biết khát khao hương vị ngọt
Chỉ là bổn phận chuổi ngày qua..!
*
Đời trôi con nước trường giang phẳng
Êm ả đong đầy mái tóc em...
Những tưởng lương duyên say giấc điệp
Nào ngờ tan tác cánh hoa tim !
*
Cô đơn gối chiếc từng đêm vắng
Dáng sắc ngọc ngà đã ráng phai
Cứ ngỡ dòng đời êm ả mãi
Cuối đời an phận một loài hoa.
*
Mầu nhiệm cơ trời duyên tác hợp
Đã trao người ấy giữa vòng tay
Cô bé mười ba giờ đang biết...
Biết nhớ, tương tư giọt lệ đầy !
*
Yêu anh, "chuyện ấy" mình cho hết...
Mình sẽ dìu lên đỉnh tuyệt vời !
Ai bảo anh nghìn trùng cách biệt
Em thèm ! khao khát...lắm ! anh ơi !!
*
Nơi này em dõi chờ anh đó,
Một sớm cùng em vượt núi đồi...
Để bé mười ba say mộng ước...
Thiên thai chấp cánh lững lơ trôi ..!

NGÀY ẤY NAY CÒN ĐÂU.. !

Biết anh trở lại chốn xưa
Lòng em xao xuyến như chưa hẹn hò
Thương làm sao tuổi học trò
Bây giờ nhìn lại nào ngờ đổi thay.
Phi trường ngơ ngác ai đây
Bụi đường trần thế nhạt phai tuổi hồng !
Trong tay ôm bó hoa hồng
Ngẩn ngơ hình bóng mà lòng ước mơ..!
Anh không đợi ! – Em không chờ..!
Gặp nhau như thể tình cờ phút giây
Ngoài trời nào có bụi bay
Mà trong khóe mắt đong đầy giọt sương
Lòng không nhớ - Dạ không thương !
Mà sao gặp lại tơ vương chút tình…
Nghe em kể chuyện riêng mình
Anh thương phận bạc lênh đênh kiếp người..!
Anh đem chuyện kể cuộc đời
Xót xa tiềm thức chào mời tình mong…
Ngày xưa tình thắm duyên nồng
Đột nhiên anh gởi thiệp hồng tình yêu
Vắng anh từ độ hẩm hiu
Hoàng hôn phũ kín những chiều biệt ly
Ngày nao tiển bước anh đi
Ngoài trời mưa đổ, còn gì trong em ?!

Anh về tìm lại ấm êm
Riêng em luyến tiếc để em mong chờ
Em không là kẻ hững hờ
Nhưng nên quên hết mộng mơ ngày nào.
Ví bằng qua giấc chiêm bao
Vương theo nỗi nhớ lao xao tấc lòng..!

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2009

NHƯ BONG BÓNG NƯỚC




Tình cờ tôi gặp lại Khiêm trong cuộc biểu tình của cộng đồng người Việt tị nạn phản kháng đoànvăn công Việt cộng trong nước ra trình diễn tại thành phố này. Tôi cũng như mọi người cầm hai lá cờ Việt - Mỹ đưa lên cao phất qua phất lại, miệng cùng hô to những khẩu hiệu phản đối. Đám đông người cuồn cuộn khí thế dâng cao :"Đả đảo bọn văn công phản động Việt cộng". Đả đảo ! " Đả đảo kế sách giao lưu văn hóa của Cộng sản Việt Nam". Đả đảo ! "Đả đảo nghị quyết 36 bịp bợm trơ tráo của tập đoàn Bắc bộ phủ Hà Nội". Đả đảo ! Cương quyết tiêu diệt âm mưu đánh phá Cộng Đồng người Việt tị nạn tại hải ngoại của ác quyền Cộng sản". Cương quyết ! và...đả đảo...đả đảo...! Từng lớp người tràn lên bao vây chung quanh hội trường trình diễn. Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, cờ Hoa Kỳ, biểu ngữ rợp trời tạo khí thế sôi động cho cuộc biểu tình đang chống đối rầm rộ.
Trời đang về chiều. Xe cộ trên các con đường gần hội trường dày đặc, chậm lại. Người trên xe rảo mắt quan sát, tò mò nhìn đoàn biểu tình đang hăng say tẩy chay cái nghị quyết 36 đàn áp, lăm le nhuộm đỏ cộng đồng người Việt tị nạn hải ngoại của bè lũ cộng Việt.
Kể từ lúc tôi vừa thoáng thấy Khiêm lẩn khuất trong đám đông, nét mặt Khiêm đang có vẻ cau có, bực bội điều gì đó. Lòng tôi ngỡ ngàng kỳ lạ, khí thế đãu tranh trong tôi chùng hẳn xuống. Tôi cảm thấy hụt hẫng mất tự nhiên. Tôi lẩm bẩm một mình. Thế nghĩa là gì, có nên gặp mặt Khiêm hay không ? Tại sao Khiêm lại ở đây? Nếu anh ta ở thành phố này thì tôi cũng có thể gặp rồi. Hay là...
Ý nghĩ thoáng qua bị cắt đứt khi Khiêm đột ngột đứng trước mặt tôi :
- Bất ngờ anh thấy em ! Thục Nhi ! Thục Nhi ! Em đang ở thành phố này sao ?
Tôi nhìn Khiêm trân trối vừa xúc động, lại không biết mình đang vui hay buồn trong bối cảnh ngỡ ngàng này. Tôi giữ lòng bình thản, không lộ cảm xúc hiện ra nét mặt.
Khiêm lại vồn vã :
- Anh không ngờ và rất mừng được gặp em ở đây. Em tham dự biểu tình hả ?
Nghe câu hỏi, tôi như đang bừng tỉnh, vặn lại :
- Còn anh ? Anh đang làm gì đây ? Sao anh lại hỏi ? Anh không biểu tình hay sao ? Anh đang ở đâu và làm gì ?
Khiêm cười, nét mặt kênh kiệu :
- Anh đãy à !? Chuyện của anh thì khác. Gặp em như anh mong đợi từ lâu, anh nhớ hai đứa con. Hơn ba mươi năm rồi còn gì, Thục Nhi ?
Tôi bĩu môi, gằn từng tiếng :
- Lạ lùng thật ! Anh còn nhớ đến con nữa sao ? Anh bỏ rơi chúng nó bao nhiêu năm trời ! Anh đâu còn trách nhiệm làm cha chúng nó, anh Khiêm ? Em nói thật, tự anh đánh mất thiên chức cao quí ấy. Đừng nghĩ đến chuyện con cái, em nghĩ anh chẳng còn xứng đáng.
Nói xong, tôi cảm thấy lòng nhẹ hẳn như đã giải tỏa được niềm uẩn ức trong lòng ấp ủ bao nhiêu năm. Nét mặt Khiêm mờ nhạt, biến sắc :
- Anh xin lỗi em. Anh xin lỗi. Dù sao chăng nữa, anh muốn nhìn thấy mặt con để biết chúng nó ra sao. Anh là cha của các con, em đành lòng không cho anh gặp ?
- Em đã nói, anh cần gì phải nghĩ đến con.
Giọng Khiêm đầy van lơn :
- Em trách cứ anh là quyền của em. Chuyện ngày xưa là do lỗi hai người. Em vui lòng cho anh gặp con. Anh hứa chỉ một lần thôi, không phiền em nữa.
Tôi thấy Khiêm cũng đáng tội nghiệp, nên dịu giọng nói với anh :
- Được rồi. Em dành cho anh một lần thăm con. Đây là địa chỉ nhà em, nếu rảnh anh đến. Anh phải cho em biết hiện nay anh ở đâu, đang làm gì, và đến Mỹ lúc nào ?
Khiêm cười thật tươi, chộp lấy địa chỉ vừa lúc có hai người đàn ông Việt Nam chạy ào tới nắm tay Khiêm kéo đi hối hả :
- Nhanh chân lên Khiêm. Không khéo chết cả lũ bây giờ. Lẹ lên !
Cả ba lẩn nhanh vào đám đông mất dạng. Đoàn biểu tình càng lúc càng sôi động. Tôi đứng tần ngần trong tâm trạng sững sờ mờ mịt....Lòng cứ ngẩn ngơ hối tiếc trong giây phút mủi lòng, chưa rõ ngọn ngành, đột nhiên lại đem trao địa chỉ cho Khiêm.


Tôi lấy chồng năm 22 tuổi khi tôi đang học năm cuối đại học Văn khoa Saigon. Ra trường tôi xin được một việc làm tại Bộ Ngoại Giao. Tôi thông thạo hai ngoại ngữ Anh, Pháp. Cũng đã hai lần tôi được đi tu nghiệp chuyên môn ở ngoại quốc. Ngay thời trung học, lên đại học và sau khi có chồng, đi làm việc, mọi người đều khen tặng tôi là hoa khôi. Thật tình mà nói ai cũng khen tôi rất chuẩn mực về công dung ngôn hạnh, và tôi hãnh diện điều đó. Nhờ trời, cha mẹ đã tạo cho tôi một khuôn mặt khả ái, đằm thắm, sóng mủi dọc dừa, đôi mắt đen long lanh "có khói", đôi môi mọng đỏ quyến rũ "có hồn", phong cách ăn nói hồn nhiên, duyên dáng, giọng nói nhỏ nhẹ êm ái ngọt ngào dễ dàng thuyết phục người đối diện. Với cơ thể có làn da trắng mịn màng rộ nét những đường cong "trời phú" đã khiến bao kẻ si tình ngẩn ngơ. Tôi biết sử dụng thành thạo đàn piano, biết kéo violon. Tôi có giọng hát ngọt ngào cao vút đã làm cho những trái tim rung động, hâm mộ và đắm say.
Khiêm, chồng tôi là một người đàn ông đẹp trai, hào hoa, phong độ, trí thức khoa bảng. Anh là một viên chức cao cấp ở một Bộ khác, lương bổng cao nuôi sống dư dả trong gia đình. Chúng tôi có hai con, một trai, một gái, rất ngoan ngoản dễ thương, thông minh và học hành chăm chỉ. Chúng tôi có xe hơi riêng, có nhà lầu, tiền bạc nhiều được gởi trong ngân hàng, cuộc sống đầy đủ, điều mà mọi người hằng mơ ước.
Đứng bên ngoài nhìn vào với một nhản quan chuẩn mực, ai cũng đánh giá gia đình tôi trí thức, cuộc sống phong lưu hạnh phúc. Người ta chỉ biết được cái bề ngoài cuộc sống phong lưu ấy, nhưng bên trong là một ngôi nhà mồ hoang lạnh đã chôn vùi nguồn hạnh phúc ước mơ thời con gái và tuổi trẻ của tôi sau khi lấy chồng qua nhiều năm tháng buồn nhiều hơn vui.
Khiêm chỉ muốn tôi là "con búp bê đẹp đặt trong lồng kính" không hơn không kém. Anh chỉ muốn tôi ở nhà, không muốn tôi đi làm, không muốn tôi giao du với thế giới bên ngoài, không muốn tôi phát triển khả năng và bản tính học hỏi cầu tiến của tôi, không muốn ai đó nhìn thấy tôi, để ý đến tôi, nói chuyện thân tình với tôi. Tôi không phải nhu nhược, là một phụ nữ Việt Nam đoan trang tiết hạnh sống trong một gia đình lễ giáo nghiêm khắc đã ràng buộc tôi không nên làm một điều gì gây tổn hại đến thân danh mình, đến gia đình, đến cha mẹ anh chị em, đến thân bằng quyến thuộc, nhất là phương hại đến uy tín của chồng.
Cam tâm, nhẫn nhục, và an phận tôi phải trả một giá quá đắt trước thói ghen tuông, lòng ích kỷ, sự độc đoán vô lý của Khiêm, cho dù tôi có giải thích, phân trần đúng sai, cho sự tự do có giới hạn của một người đàn bà có chồng. Điều ấy hiển nhiên Khiêm không bao giờ tin ở tôi, không bao giờ chấp nhận những suy nghĩ, những phân trần chính đáng của tôi, không bao giờ chấp nhận sự tự do có mức độ của tôi đang sống trong gia đình và ngoài xã hội. Đã vậy, chồng tôi luôn luôn chụp mũ tôi đủ mọi cách và còn áp đặt, thêm bớt mọi điều mà anh ấy muốn. Là viên chức Bộ Ngoại Giao, vì ngoại hình khả ái, hấp dẫn "có lửa" của tôi, vì khả năng ăn nói thành thạo ngoại ngữ và lời nói, giọng nói nhẹ nhàng êm ái, khoan thai, tôi thường được dự những buổi tiếp tân các chính khách ngoại quốc công du đến Việt Nam. Tôi được bắt tay, choàng vai họ theo phép lịch sự tây phương. Đôi khi tôi phải khiêu vũ vì những lời mời mọc lịch sự của vài chính khách trong dạ tiệc. Hoặc có ai đó nhìn tôi, khen tôi đẹp, tươi cười niềm nở rằng tôi là giai nhân tuyệt sắc, là sắc nước hương trời, giá mà yêu được là một diễm phúc đâu dễ nào tìm được, để mà có thể đổi cả cơ ngôi sự nghiệp mà không hối tiếc. Chỉ có bao nhiêu đó thôi, có thể là Khiêm thấy, hoặc anh nghe kể lại, thế là tôi lảnh đủ. Nào là những nhiếc mắng đàn bà lang chạ, lăng loàn không biết nhục đi kèm những trận đòn "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" đau đớn ê chề. Trong thâm tâm tôi hiểu rằng những thể hiện qua hành động và lời nói của anh đối với tôi như vậy, có nghĩa là tôi đang bị áp đặt, chụp mũ là một người đàn bà có chồng sinh thói lẳng lơ lang chạ phải được xứng đáng nhận lảnh sự nguyền rũa và đấm đá của chồng. Tôi đã đau xót vì những suy nghĩ chụp mũ mà chồng đã tặng cho tôi thật hết sức điếm nhục khi mà mình không phải như vậy.
Từ khi lấy anh cho đến ngày chấm dứt tôi chỉ biết cố gắng chịu đựng cũng vì nhân cách và danh dự của mình, của chồng, cũng vì gia đình, thân nhân, dòng họ, và cũng vì chưa muốn phá vỡ cơ ngơi hạnh phúc gia đình tôi đã tạo nên, trong đó có hai đứa con của tôi. Sự chịu đựng từ khi chúng tôi sống chung với nhau, cứ tưởng là Khiêm yêu tôi tha thiết ngay từ ban đầu. Đó là suy nghĩ sai lầm vì chính Khiêm có bao giờ yêu tôi đâu qua nhiều năm chung sống. Ở anh chỉ có ích kỷ, độc đoán và ghen tuông. Anh ghen một cách quá đáng ngay cả trong quá khứ trước khi tôi đến với anh. Anh ghen khi có ai đó nhìn tôi tươi cười niềm nỡ và ai đó cũng có thể bị anh ta hạch hỏi, còn có thể gây sự. Thật tôi không hiểu được anh. Tôi không hiểu tại sao tôi phải đau khổ cho duyên phận của tôi. Hoặc đó chính là món nợ tiền kiếp tôi phải trả. Nếu như thế, thì Trời hãy để cho tôi được sinh ra là một cô bé quê nghèo khổ, thất học, đần độn ở một hang cùng xó xỉn nào đó, cho cuộc sống của tôi được tự do thanh thản bên ruộng lúa, nương khoai sớm nắng chiều mưa. Giá trị làm người của cô bé quê đó còn cao hơn, vinh dự hơn thân phận của tôi hiện tại. Đã nhiều lần tôi có suy nghĩ chuyển đổi cuộc sống, phá bỏ duyên phận làm lại từ đầu, nhưng lòng chưa dứt khoát cũng vì đời con gái lớn lên chỉ một lần xuất giá, cũng vì hai đứa con để được có cha nên phải cắn răng chịu đựng bản tính độc đoán, ích kỷ, ghen tuông của chồng. Cũng có thể mang tiếng chồng bỏ chồng chê hay bỏ chồng theo trai thật là điếm nhục. Bạn bè dèm pha dị nghị nghĩ xấu về mình. Búa rìu dư luận độc ác sẽ quật ngã tôi từng chặng đường nguy ngập. Cha mẹ, anh chị em, người thân sẽ phải buồn phiền cho tôi mang nỗi bất hạnh, cho mình cam tâm gánh chịu không dám thố lộ cho bất cứ một ai để nhận sự an ủi, chia xẻ kể cả người thân trong gia đình.
Đến công việc xảy ra vào một buổi chiều tan sở khi chiếc xe hơi của tôi ngoài bãi đậu bị xẹp bánh. Tôi loay hoay không biết tính sao vì phải nôn nóng về nhà sớm lo cơm nước còn phải đi dạy Anh văn lớp đêm tại Trung tâm Sinh Ngữ thì gặp ông Bob một Tùy Viên Tòa Đại Sứ Mỹ tại Saigon thường đến liên lạc công việc tại Bộ Ngoại Giao mà tôi đã quen. Trước tình huống ấy, ông Bob đề nghị để ông ta đưa tôi về nhà bằng xe của ông. Tôi chấp thuận không do dự vì nghĩ rằng chẳng có gì phiền phức.
Khi xe về đến nhà, tôi thấy Khiêm đang đứng trước thềm nhà như có ý chờ tôi. Ông Bob ngừng xe và lịch sự xuống mở cửa xe cho tôi. Tôi giới thiệu Khiêm với ông Bob, nhưng Khiêm vẻ mặt lầm lì, không chào hỏi, bỏ quay vào garage lấy xe đi, khiến tôi vừa uất nghẹn, vừa xấu hổ với người bạn ngoại quốc.
Đến chín giờ tối Khiêm mới về, nặc nồng mùi rượu, mặt đỏ lừ lừ. Từ trước đến giờ anh chưa bao giờ uống rượu nhiều như thế. Khi vừa thấy tôi, Khiêm xà tới nắm tay tôi giật mạnh, tay kia tát vào hai bên má của tôi túi bụi nổi đom đóm khiến tôi không còn thấy gì nữa. Rồi anh đá, anh đạp vào người tôi, anh xô mạnh tôi té chúi nhủi vào tủ kính vỡ tung ra, miệng Khiêm gầm từng tiếng :"Em là con đĩ...Em có phải là con đĩ không ? Anh không cho tôi hỏi han, không cho tôi lời giải thích, phân trần điều gì. Thật tệ hết sức. Tôi mê man bất tĩnh sau trận đòn thừa chết thiếu sống thật dã man ngay tối hôm đó do từ ghen tuông, ích kỷ của anh. Tôi đi bác sĩ mình mẩy tay chân bị tím bầm, tổn thương cả thân xác và tinh thần thật khủng khiếp.
Kể từ đêm hãi hùng rùng rợn có một không hai trong đời tôi, tôi quyết định chia tay và dẫn hai đứa con dại về nhà cha mẹ ở Cần Thơ, bỏ lại tất cả cơ ngơi mà tôi đã ra sức tạo nên kể từ khi tôi sống với Khiêm. Cha mẹ, anh chị em tôi đều nói đã gặp chồng vũ phu thì bỏ càng sớm càng tốt, sao tôi không quyết định ngay, để đến giờ này bị đánh đá tàn nhẫn mới chịu buông ra. Cũng vì tôi lo ngại điều bất hạnh của tôi là nỗi ám ảnh đau đớn dằn vặt trong lòng người thân, còn làm vẩn đục gia phong nề nếp.
Từ thuở nhỏ sống trong gia đình cha mẹ, đến khi lấy chồng tạo dựng sự nghiệp, nhà cửa, vật chất đều được chồng lo toan mọi bề, đầy đủ, sung túc chưa bao giờ tôi cảm thấy thiếu thốn hoặc phải lo nghĩ gì cả. Giờ ra khỏi nhà mới nhận biết rằng đã mất tất cả, bao nhiêu khó khăn vất vã sẽ đến với tôi trong cuộc sống mà tôi đang đối mặt. Nhưng không sao, chỉ là chao đảo lúc đầu. Một người đàn bà có nghị lực, có bản lĩnh, đức tính tự lập, một công việc làm ổn định, bên cạnh người thân, bạn bè tiếp tay, tôi dần hồi phục, và ổn định. Tôi đã tự biết và xác định cho mình một vị thế trong xã hội.Tôi phải sống vì bản thân tôi, vì con tôi, vì người thân yêu, không tội tình gì để phải thành vật hy sinh cho một người đàn ông vũ phu hành hạ, làm thân phận tôi đòi, biến nhan sắc, cơ thể mình để họ hưởng thụ và dày xéo. Tôi phải sống theo cuộc sống tự chọn, để mình không còn bị áp đặt chỉ là "con búp bê đẹp trong lồng kính". Hạnh phúc chính trong đôi tay mình để bước tới ngày một vững vàng, xóa tan búa rìu dư luận người đời dèm pha tôi như thế này thế nọ hết sức độc ác.
Sau gần một năm "ra riêng" nhờ trời tôi không bị ngã qụy giữa dòng. Bản lĩnh đã giúp cho tôi hiểu biết, giúp cho tôi sức mạnh vững vàng, tạo cho tôi cuộc sống đầy đủ nghị lực hơn, yêu đời hơn và nhân ái hơn.
Cơn bão táp trong gia đình vừa lắng xuống thì biến cố 30.4.1975 bũa chụp xuống miền Nam, chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, Việt cộng cưỡng chiếm phần đất tự do áp đặt chế độ cai trị độc tài bằng sắt và máu xuống người dân miền Nam Việt Nam.
Tôi mang hai đứa con di tản trên những chiếc trực thăng đậu tại Tòa Đại Sứ Mỹ chuyển ra Hạm đội ngoài biển khơi trước mấy ngày Việt cộng tràn vào Saigon. Không còn gì nữa, hạnh phúc gia đình tan vỡ, Đất Nước điêu đứng trong cơn dầu sôi lửa bỏng thay người đổi chủ.
Vừa đặt chân lên vùng đất tạm dung tôi dễ dàng hội nhập vào cuộc sống mới trên đất nước người. Được người bạn Mỹ ở Tòa Đại sứ Saigon giới thiệu tôi vào làm cho một công ty xe hơi lớn, phụ trách một số phần hành về hành chánh và nhân viên dưới sự điều hành của một Trưởng Phòng người Mỹ. Công việc chẳng có gi là khó khăn, làm những gì cấp trên giao, vừa làm, vừa học việc. Hai đứa con được đi học. Mua nhà, tậu xe, cuộc sống ngày thêm ổn định.
Những năm sau đó, ngoài giờ lo chén cơm manh áo, tôi tình nguyện giúp thêm việc cho cơ quan thiện nguyện, góp tay giúp đở đồng bàoViệt Nam tỵ nạn đến Hoa kỳ từ các đảo, hoặc các chương trình ra đi có trật tự. Lo công ăn việc làm, chỗ ở, học hành, các loại giấy tờ và thông dịch để mọi người cũng như mình dễ dàng thích nghi cuộc sống mới. Tôi không ngừng ở đó, khi Cộng Đồng và các Hội Đoàn thành lập, tôi dấn thân nhiệt tình với tập thể trong công cuộc đãu tranh giải thể chế độ Cộng sản tại quê nhà. Nơi nào có sinh hoạt đãu tranh tôi luôn có mặt để góp sức mình vào sức mạnh tập thể. Tôi lấy công việc làm niềm vui, nuôi nấng dạy dỗ hai đứa con thân yêu làm nguồn hạnh phúc, chăm sóc bản thân, trau dồi kiến thức, tiếp xúc đàm đạo với bạn bè, đọc sách, xem phim, nghe nhạc, khiêu vũ...làm nguồn vui riêng tư cho chính mình. Tôi cảm nhận đời sống vẫn còn đáng yêu vô cùng mà trước đây bên Khiêm tôi hoàn toàn như không có.Tôi giữ tình cảm mình thăng bằng, có chừng mực khi phải tiếp xúc đối diện với phái nam, những người thường bám sát vòi vĩnh tình yêu. Nhưng thật sự họ đã thất vọng vì tôi. Như con chim bị đạn thấy cây cong là sợ. Sợ sẽ phải bị dập vùi theo vết xe cũ. Những ai đó hãy hiểu cho tôi, xin đừng phiền trách tôi. Ngày hai đứa con tôi đổ đạt thành danh, đứa bác sĩ y khoa, đứa kỷ sư cơ khí là nguồn vui vô tận trong thiên chức làm mẹ không gì so sánh nổi. Tôi đã hướng dẫn, giải thích, giúp đở con tôi hiểu thế nào là lòng hiếu thảo, sự biết ơn công cha nghĩa mẹ, thế nào là tinh thần dân tộc, tình yêu quê hương, nguyên nhân và kết quả cuộc chiến tương tàn Quốc Cộng, và mong chúng xứng đáng là những hậu duệ tiếp nối công cuộc đãu tranh cho Việt Nam tự do của thế hệ đi trước.
Đời sống tỵ nạn của tôi trên xứ người hơn 30 năm có vui, có buồn và rất say mê công việc mình làm.Tôi đã dần dần như quên hẳn hình bóng của Khiêm thuở nào. Hình bóng đó đầy ắp độc đoán, ích kỷ, và thói ghen tuông phi lý của người đàn ông chỉ nghĩ rằng " đàn bà con gái đẹp là những con búp bê đặt trong lồng kính không hơn không kém, chỉ biết để nhìn ngắm, chỉ biết để hưởng thụ khi thèm khát". Thiếu tự tin, có máu ghen tuông, nặng lòng ích kỷ xin chớ bao giờ lấy vợ đẹp. Người đàn ông bản lĩnh nếu có vợ đẹp, nên hiểu rằng nếu vợ mình được nhiều người nhìn ngắm, tỏ lời khen tặng hãy xem đó là niềm hãnh diện cho chính bản thân mình. Người đàn bà đẹp là đẹp cho cuộc đời, với mọi người, đâu phải chỉ đẹp cho riêng chồng thôi đâu. Người đàn ông có vợ đẹp phải tự tin vào vợ mình, và chính mình phải tự tin lấy mình thì niềm tin mới trọn vẹn, không nẩy sinh tính ích kỷ, độc đoán và lòng ghen tuông vô lý, cuộc sống sẽ hạnh phúc màu hồng. Càng nghĩ về Khiêm tôi càng buồn cười và không ngờ được. Vậy mà bây giờ Khiêm lại xuất hiện trước mặt tôi...không biết phải tính sao đây..!

Hôm nay chúa nhật không đi làm, tôi ngủ dậy trễ. Đã hơn 9 giờ. Tôi tắm rửa, ăn sáng và ngồi tại phòng khách đọc báo buổi sáng. Bên ngoài một chiếc taxi vừa đổ trước cửa nhà. Nhìn ra, tôi thấy Khiêm xuống xe, trả tiền. Chiếc taxi chạy vút đi, Khiêm vẫn còn đứng lớ ngớ nhìn bảng số nhà như để xác nhận, hai tay sửa lại quần áo. Khiêm ăn mặc tươm tất, veston, cà vạt, giày bóng, nét mặt tươi vui đạo mạo. Hơn ba mươi năm Khiêm trông già giặn, chững chạc, dáng đi vẫn còn phong độ như ngày xưa. Nét tuấn tú, thông minh vẫn đậm nét qua khuôn mặt chữ điền của anh. Con người đó tôi đã một thời yêu, đã trao trọn đời con gái trinh nguyên và đã nhận bao nhiêu sỉ nhục đau đớn. Cho đến bây giờ hơn một phần tư thế kỷ tôi đã không còn giận hờn oán trách Khiêm, vì số phận đã an bài, vì bản tính của một người đàn ông ghen tuông, ích kỷ. Tôi nghĩ giờ có gặp nhau, hãy đối xử như hai người bạn đã vắng nhau lâu ngày gặp lại, cũng để Khiêm thăm hai đứa con. Ý nghĩ đó thúc giục tôi mở cửa, khi Khiêm đã hai lần bấm chuông.
- Anh Khiêm. Em mời anh vào. Tôi đứng nép qua một bên, tươi cười hồn nhiên nhìn anh bước qua cửa.
Khiêm vồn vã :
- Thục Nhi, em khoẻ không ? Chớ giận hờn anh nữa. Những gì ngày xưa hãy xem như một bóng mờ đã đi qua. Quên đi em, Thục Nhi ạ.
Khiêm vừa nói, vừa nhìn tôi từ đầu đến chân. Tôi phân trần :
- Em cảm thấy chẳng còn gì để giận hờn trách móc. Nếu nói là chuyện không nên làm, em nghĩ rằng do từ anh tất cả. Giờ có nói gì đi nữa, chuyện đã rồi. Đồng ý, chúng ta hãy quên chuyện ngày xưa đi anh Khiêm.
Khiêm cười như mếu dường như xúc động sau lời nói của tôi :
- Anh cám ơn em. Em nói đúng. Tất cả lỗi do anh. Lần cuối cùng, anh xin lỗi em. Sau ngày đó, anh vô cùng hối hận, bỏ công đi tìm em và con khắp nơi, em cố lánh mặt không cho anh gặp. Tại sao thế ?
- Em vẫn tha thứ cho anh đãy chứ, em mới nói được như vậy. Ngày đó, em buồn và giận anh vô cùng. Bây giờ thì hết buồn hết giận rồi, em mới tiếp anh và cũng mừng khi anh đã bỏ thì giờ đến thăm mẹ con em. Dứt lời, tôi cười dòn dã. Ấy chết, sau bao nhiêu năm gặp lại nhau cứ đem chuyện cũ ra kể lể, thôi nhé ! xin gác qua một bên. Anh ngồi nghỉ, em đi pha cà phê nóng cho anh, mình còn nhiều chuyện nói với nhau.
Khi tôi mang cà phê, trà nóng ra, Khiêm hỏi nhanh :
- Anh không thấy Thục Nhan, Miên Huy, có lẽ chúng nó ở riêng hả em ?
- Không anh ạ ! Các con vẫn ở với em. Hôm nay chúng nó và bạn bè rũ nhau đi tàu du ngoạn trên biển, ngày mai mới về. Anh Khiêm, nhờ Trời các con đã đổ đạt thành danh, công ăn việc làm ổn định. Chúng cũng lớn tuổi vậy mà chưa chịu lập gia đình cũng chỉ vì sợ mẹ sống một mình cô đơn tội cho mẹ. Anh Khiêm thấy không ? Em nhắc lại, anh có quyền đến thăm các con mặc dù anh chưa tròn trách nhiệm làm cha. Em thiết nghĩ rằng các con có lẽ sẽ không vui khi có sự hiện diện của anh vì chúng nghĩ về anh với những suy nghĩ không mấy tốt.
Khiêm sa sầm nét mặt có vẻ bối rối :
- Vậy thì anh phải như thế nào bây giờ, Thục Nhi, em không thể có ý kiến gì giúp anh được sao ? Em và con cái cứ mãi xa rời anh. Từ bao lâu rồi, anh luôn mong ước có lại gia đình hạnh phúc của chúng mình như ngày xưa, có em, có con. Em có biết không ?
- Chuyện đó em không thể đơn phương giải quyết. Con cái đã khôn lớn, chúng ta hãy tôn trọng những suy nghĩ của các con. Anh hiểu chứ ? Tuy nhiên nếu thấy cần, em cũng có thể quyết định phần nào. Điều em muốn biết là anh đã qua Mỹ hồi nào, bây giờ anh đang làm gì và ở đâu ?
Khiêm hớp một ngụm cà phê, đôi mắt mơ màng trong vài giây có vẻ đăm chiêu suy nghĩ. Khiêm chậm rãi nói :
- Anh đã đi tìm em khắp nơi Thục Nhi ạ ! Anh hết sức đau khổ sau khi hạnh phúc gia đình chúng mình tan vỡ. Từ đó anh sống như người vô cảm. Cũng vì thế cuộc đời của anh không có em cứ xuôi theo những biến chuyển của thời cuộc như em đã biết, để rồi anh chẳng còn biết phải làm sao hơn. Những điều anh nói ra, em có thể sẽ không bằng lòng. Nhưng với em, anh phải nói, vì anh đã tìm được em hôm nay là một sự may mắn mà ông Trời đã ban ơn cho anh. Em cũng đã biết, anh là một viên chức cao cấp của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nhưng chỉ bị tù cải tạo có ba tháng, vì ông chú của anh là một tướng lãnh Việt cộng bảo lãnh anh ra khỏi nhà tù và giới thiệu anh giữ chức phó giám đốc Nhà xuất bản Sao Vàng. Hơn năm năm sau, ông chú anh giới thiệu anh gia nhập đảng Cộng sản và cất nhắc ưu tiên cho anh làm Tổng giám đốc Trung Tâm phát hành sách báo phía Nam từ đó đến nay. Vấn đề là như thế em ạ, cũng chỉ vì sự an nguy cho cuộc sống bản thân, nên anh đành phải dấn thân chấp nhận. Thục Nhi à, em có nên vui mừng cho anh không ?
Tôi mĩm cười nhìn Khiêm như một anh hề đang thú tội :
- Anh bảo em mừng cho anh phải không anh Khiêm ? Em buồn thật tình đó, làm sao em vui mừng được trong lúc anh làm thân trâu ngựa cho bọn ngưu đầu Bắc bộ Phủ. Em nghĩ rằng anh đã hèn kém không đủ bản lĩnh và nghị lực để phấn đấu vượt cơn sóng gió vây hảm đời anh. Không bao giờ em mừng cho anh. Em xin lỗi anh vì đã sử dụng những từ không vừa ý. Bây giờ em mới hiểu sự có mặt của anh trong đoàn biểu tình của người Việt tỵ nạn vừa rồi ! Là như thế ! Anh là đảng viên Cộng sản đang được Việt cộng giao phó công tác trong cương vị của anh vừa nói. Nhìn qua hành động, và lời nói của anh, em xác định rằng anh đang thực thi cái gọi là nghị quyết 36 của cộng sảnViệt Nam tại hải ngoại ?
Nghe tôi hỏi, Khiêm ngẩn ngơ, nhìn tôi không chớp mắt :
- Vậy là em cũng biết nghị quyết 36 của nhà nước Việt Nam. Em cũng đã hiểu và xác định vai trò của anh có mặt trên đất Mỹ. Chỉ là thế chẳng đặng đừng em ạ. Anh xin em đừng nặng lời với anh như thế. Vì hoàn cảnh anh bắt buộc phải sống và làm việc trong gọng kiềm của chế độ. Làm việc cho chúng trên công tác này, nhưng lòng anh chỉ ước mong làm sao có cơ hội được xuất ngoại một lần với ý định duy nhất là đi tìm được mẹ con em.
Nghe Khiêm nói, tôi cười dòn :
- Anh vẫn còn nghĩ đến mẹ con em ? Cám ơn anh. Thời gian qua anh đã làm được gì cho chúng tại hải ngoại ? Nói em nghe.
Khiêm thở dài, kể lể :
- Đoàn công tác gồm khoảng 20 người đã đến Hoa Kỳ hơn ba tháng và đã đi qua một số tiểu bang. Mỗi người một trách nhiệm như chúng đã qui định trong nghị quyết 36. Riêng vai trò của anh là phát triễn giao lưu văn hóa cùng khắp. Anh có trách nhiệm điều nghiên, tìm hiểu, đúc kết để lập đề án xuất cảng ào ạt văn hóa phẩm, tài liệu cho đồng bào hải ngoại học tập, nghiên cứu, trau dồi kiến thức, cổ động mọi người đem tài năng, tiền bạc về xây dựng đất nước. Nhưng ba tháng qua, công tác không đạt được kết quả tối thiểu nào. Do đó, ai ai cũng buồn và chán nản gần như muốn bỏ cuộc, riêng anh lại càng buồn chán hơn nữa, vì đã đi qua một số tiểu bang hỏi han tìm kiếm tin tức mẹ con em, nhưng chẳng được gì. Chỉ như thế em ạ.
Ngẫm nghĩ những lời Khiêm vừa nói trong thái độ thành thật, tôi có ý cũng không đến nổi chê trách anh. Nhưng nhân cơ hội này tôi cũng muốn giải bày cho anh hiểu thêm hầu tạo cho anh một cái nhìn thông thoáng mà chế độ Hà Nội đã tuyên truyền nhồi nhét để dễ bề cai trị. Tôi nói :
- Anh Khiêm à, trước hết em xin lỗi anh, vì em phải nói, và em nói thì anh phải nghe nhé ! Đừng giận em. Anh đừng bao giờ ngủ quên trên sự tuyên truyền bịp bợm của Việt cộng. Giọng điệu phách lối và sự lượng định sai lệch về Cộng đồng người Việt tỵ nạn ở hải ngoại này của tập đoàn Hà Nội chỉ là một ảo tưởng mơ hồ hết sức buồn cười trơ trẽn. Để rồi họ biến cái nghị quyết 36 đang trở nên có hiện tượng dị ứng khơi động mạnh mẽ thêm tinh thần chống Cộng hăng say của Cộng đồng người Việt tị nạn anh Khiêm à ! Anh đừng ngây thơ nhúng tay vào lửa, vào máu. Em nói cho anh Khiêm hiểu lập trường chống Cộng và sức mạnh đoàn kết của người Việt hải ngoại vững như bàn thạch. Những ai manh tâm phát triễn và xây dựng để áp đặt cái nghị quyết 36 lỗi thời lên đồng bào tị nạn hải ngoại do "bọn đỉnh cao trí tuệ" Hà Nội chủ xướng đều bị diệt ngay từ trong trứng nước. Anh cũng đã nhìn thấy sức mạnh và sự đoàn kết của Cộng đồng người Việt trong cuộc biểu tình chống bọn văn nô của các anh vừa rồi đó sao ? Anh hãy tin và hiểu rằng cái nghị quyết 36, kể cả cái Pháp lệnh Tôn giáo Tín ngưỡng không hơn gì cái bong bóng nước, chỉ nổi lên chao qua chao lại rồi vỡ tan ngay, không tồn tại, không nhầm nhò gì. Em nói cho anh biết rằng Cộng đồng người Việt hải ngoại được xem như là một nước Việt Nam tự do, mà biểu tượng là lá cờ vàng ba sọc đỏ, đang hiện diện khắp nơi và đang hổ trợ mạnh mẽ đồng bào quốc nội vùng lên. Anh phải hiểu và nhớ rằng cái đảng Cộng sản của các anh đã và đang rệu rạo sắp vỡ tan như bong bóng nước vì tham nhũng, vì độc tài chuyên chế, vì sự ngu dốt lạc hậu, bất tài. Em khẳng định với anh rằng chế độ Nhà Nước Việt cộng của anh sắp bị bứng gốc tan vỡ trong ngày gần đây. Anh Khiêm, dù sao anh cũng là chồng của em cho dù đã không còn sống với nhau, nhưng em vẫn mến và kính trọng anh. Trong bối cảnh chẳng đặng đừng, anh đã phải bắt buộc nhúng tay góp thêm tội ác cho chế độ Việt cộng. Em hy vọng anh đã có được những suy nghĩ đứng đắn, và từ bỏ xa lánh chúng. Anh Khiêm, anh nên nghe theo em, đó là sự thật mà em nghĩ rằng anh cũng đã hiểu. Em tin chắc rằng anh làm được.
Tôi ngừng nói, để những gì tôi nói được thấm vào người chồng cũ của mình đang là một nạn nhân của thời cuộc. Khiêm ngồi đăm chiêu, thở dài, hồi lâu anh mới nói :
- Anh không buồn trách em. Anh hiểu và còn hiểu biết nhiều hơn nữa những gì em vừa nói. Hơn ba tháng ở trên đất nước này anh đã nghe, đã thấy, đã đọc, đã xem và đã so sánh giữa hai thái cực những thực hư, đúng sai để tìm hiểu. Thật ra anh đâu có muốn đánh bóng chế độ Việt cộng. Anh làm việc cho họ cũng chỉ vì sự an nguy tính mạng, và chờ đợi cơ hội thoát thân. Làm việc cho chúng, nhưng thâm tâm anh luôn kết tội chúng là chế độ phi nhân, tàn bạo nhất thế kỷ. Và đúng như em nói, người Việt hải ngoại đoàn kết vững chắc khó lòng lay chuyển lôi kéo được họ. Anh đã chứng kiến những sự phản đối tẩy chay, những biểu tình rầm rộ, không khoan nhượng của các cộng đồng người Việt mà anh đã đi qua, mặc dù có sự hướng dẫn của các cơ sở cán bộ nằm vùng, anh cũng như các anh em đều trơ trẻn, lố bịch khi phải đối diện với nhiều tầng lớp đồng bào tỵ nạn, lắm lúc còn nếm mùi trứng thúi, cà chua, không còn làm ăn gì được cả. Anh cảm thấy công việc họ giao để thực thi các điều khoản của nghị quyết 36 luôn nhận những thất bại chua chát.và đúng như em nói chẳng khác nào như cái bong bóng nước lăn tăn giữa dòng nước trong cơn mưa.
Dứt lời, Khiêm tỏ ra mệt mỏi, rồi thở dài im lặng. Tôi mĩm cười :
- Anh nói thực lòng đãy chứ anh Khiêm ?
- Em vẫn chưa tin anh sao ? Thục Nhi ạ, dù sao chúng mình đã một thời sống bên nhau, đầu ắp tay gối, vui buồn bên nhau, em hiểu anh nhiều chứ ! Với anh, trải dài những năm tháng bắt buộc làm việc cho chúng cũng chỉ vì mục đích tạo cơ hội để đi tìm cho được em và con. Nếu chưa tìm được em và con, anh nuôi ý định cứ vẫn tìm kiếm và sẽ ở lỳ mãi trên xứ này cho đến khi tìm được mẹ con em. Bây giờ tìm được em, anh đang có lại tất cả Thục Nhi ạ. Anh dứt khoát xa lánh chúng và không bao giờ trở lại Việt Nam trừ khi không còn bóng dáng cộng sản trên quê hương. Em hãy tin anh. ? Em chấp nhận sự có mặt của anh bên em và con chúng ta không ?
Lòng tôi cảm thấy vui khi nghe trọn tâm sự của người chồng cũ. Tôi có thể tin anh. Tôi thương cho anh đã hơn ba mươi năm không chung sống bên nhau. Tôi phải làm một điều gì để giúp Khiêm. Tôi an ủi :
- Em không trách cứ anh. Em thông cảm và hiểu những khó khăn giữa một xã hội nhiễu nhương đen tối. Anh an tâm. Nghe em hỏi, cuộc sống của anh như thế nào trong thời gian không có em ?
- Buồn nhiều hơn vui. Có gì mà vui khi em và con không còn ở bên anh. Anh thật vô duyên và hết sức hối hận vì bản tính ghen tuông ích kỷ một cách cuồng dại của mình.
- Em thông cảm và không còn gì thắc mắc giận hờn anh.
Nghe tôi nói, Khiêm tỏ lộ nét vui mừng, ánh mắt âu yếm cố hửu quen thuộc của anh mà tôi đã nhìn thấy và có được ngày nào, đang nhìn tôi đắm đuối. Giây phút trôi qua, anh nói :
- Niềm mong ước của anh bao nhiêu năm qua, ngày hôm nay anh được toại nguyện trước tấm lòng bao dung, tha thứ của em. Anh cám ơn em Thục Nhi ạ
Tôi nói thêm như nhắc nhở anh :
- Người đàn ông bản lĩnh khi có vợ đẹp nên hãnh diện vợ mình được người khác khen tặng. Nếu ích kỷ, ghen tuông, độc đoán thì đừng bao giờ lấy vợ đẹp. Anh biết không, em đã đau khổ triền miên bên anh vì bản tính ích kỷ hẹp hòi đó.
- Anh hiểu.
- Ngày tháng miệt mài lo toan cuộc sống, em già rồi, đâu còn gì để anh phải ghen tuông, ích kỷ nữa anh Khiêm ?
- Nhìn em, anh thấy em chẳng có gì thay đổi. Anh hứa rằng, kể từ hôm nay cuộc đời anh sẽ thay đổi toàn diện để không phụ lòng tin và sự qúy mến của em.
Tôi nở nụ cười mãn nguyện :
- Em sẽ giúp anh. Em sẽ thuyết phục Thục Nhan và Miên Huy chấp nhận anh. Em nghĩ các con cũng vui vẻ vì chúng cũng ước muốn có một người cha để khỏi phải tủi thân.
Những ngày sau đó, tôi chấp nhận Khiêm khởi sự về sống bên tôi và hai con và tạo cho anh một cơ hội làm lại những gì đã mất mát và sai lầm. Anh đã thuyết phục đồng thời giúp sức một số người trong nhóm bỏ Đảng, bỏ công việc để ở lại Hoa Kỳ xin tỵ nạn chính trị và tạo dựng cuộc sống mới. Từng ngày tháng Khiêm đã giúp cho Cộng Đồng người Việt hiểu thêm được những âm mưu đánh phá của địch qua cái nghị quyết 36 và điểm mặt những phần tử địch ngấm ngầm hoạt động đang ẩn núp mai phục trong những nơi có người Việt tỵ nạn cư ngụ.
Đối với Thục Nhan, Miên Huy, tôi cứ ngỡ chúng nó mặc cảm xa lánh Khiêm, trái lại, hai con tôi rất thân thiện và luôn quấn quit bên cha không rời một bước. Hạnh phúc gia đình tôi được vun vén bồi đắp lại . Con tôi có đủ cha mẹ để không phải tủi thân. Chúng nó rồi sẽ lập gia đình riêng không còn sợ để mẹ sống cô đơn như trước đây. Tôi không còn miệt mài lo toan đời sống trong cô đơn trên xứ người. Tất cả đều đã có chồng tôi đảm đang. Bên cạnh ấy, tôi và Khiêm vẫn tiếp tục dấn thân làm những việc lợi ích cho Cộng Đồng và cho quê hương Việt Nam thân yêu trong niềm mong ước và hy vọng chung của Dân Tộc.-
Tháng 7-2003

TÌNH CHINH NHÂN

























(Bài thơ tình được ghép bởi những tựa bài bản nhạc VN)


Quê em BIỂN MẶN dừa xanh
Sóng tình HOA BIỂN dỗ dành người thương
KIẾP NGHÈO một nắng hai sương
LỐI VỀ XÓM NHỎ cuối đường cầu tre
Đượm nồng TÌNH THẮM DUYÊN QUÊ
Rung rinh GÁNH LÚA hẹn thề đêm trăng
NƯƠNG CHIỀU khói toả lều tranh
Vài con BƯỚM TRẮNG lượn quanh liếp cà
Hương thầm còn mãi TÌNH XA
Bướm HOA THẠCH THẢO còn ra nổi này
CON THUYỀN KHÔNG BẾN có hay
THU SẦU cô quạnh tháng ngày đơn côi
SUỐI MƠ chất chứa ngàn đời
Sao MÙA THU CHẾT còn rơi rớt nhiều
ĐÈN KHUYA một bóng cô liêu
ĐÊM ĐÔNG buốt giá tình yêu ngỡ ngàng
ĐÒ CHIỀU chưa tiễn đưa sang
NỔI LÒNG sao biết thiên đàng ái ân
TRÚC ĐÀO rụng khắp đầy sân
DUYÊN QUÊ mong gặp một lần cho vơi
NỔI BUỒN HOA PHƯỢNG trong đời
DẤU CHÂN KỶ NIỆM một thời học sinh
Và TRANG NHẬT KÝ riêng mình
Làm sao có được chuyện TÌNH THIÊN THU
Lặng nhìn từng GIỌT MƯA THU
Nghe như TUYẾT LẠNH uẩn u sao đành
Lật từng LƯU BÚT NGÀY XANH
Thấy như LỆ ĐÁ vây quanh nổi niềm
THU SẦU chẳng phải của riêng
Mà sao mãi thấy PHỐ ĐÊM hững hờ
ĐÒ CHIỀU chở mấy vần thơ
Chở nàng thi sỉ TÌNH BƠ VƠ sầu
Ôi NHỮNG ĐỐM MẮT HỎA CHÂU
NỦA ĐÊM NGOÀI PHỐ nhuốm màu thê lương
MONG NGƯỜI CHIẾN SĨ sa trường
Vào trong CÁT BỤI gíó sương không sờn
Để ai GIẤC NGỦ CÔ ĐƠN
Để cho CÔ BÉ DỖI HỜN phòng the
Từng đêm TRĂNG SÁNG VƯỜN CHÈ
TRĂNG MỜ BÊN SUỐI nghe se sắt lòng
Quạnh hiu gối chiếc phòng KHÔNG
NGHÌN TRÙNG XA CÁCH nhớ mong ngập trời
NẮNG CHIỀU giăng sợi đơn côi
GIỌT MƯA TRÊN LÁ khóc đời hợp tan
Bao giờ em bước SANG NGANG
Để thôi GIỌT LỆ ĐÀI TRANG không còn
GA CHIỀU ngóng đợi héo hon
TẦU ĐÊM NĂM CŨ vẫn còn đâu đâu
Từng đêm TRĂNG RỤNG XUỐNG CẦU
Cho em biết SẮC HOA MÀU NHỚ thương
Cho em ĐÔI BÓNG bên đường
Chung HAI LỐI MỘNG một phương trời hồng
Sá gì giá lạnh ĐÊM ĐÔNG
NỔI BUỒN GÁC TRỌ chờ mong ngày về
Nghìn trùng MẤY DẬM SƠN KHÊ
ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ trăng thề còn đây
Tình yêu NHƯ CÁNH VẠT BAY
LÂU ĐÀI TÌNH ÁI không xây một mình
Từ ngày XẾP ÁO THƯ SINH
ANH ĐI CHIẾN DỊCH đăng trình nặng vai
NGẬM NGÙI cửa đóng then gài
NGƯỜI YÊU CỦA LÍNH không phai má đào
Lỡ khi BIẾT TRẢ LỜI SAO
TÌNH CHÀNG Ý THIẾP ai sầu hơn ai
Đượm nồng TIẾNG SÁO THIÊN THAI
Cho dù NGĂN CÁCH nếu hai mái đầu
Một lòng ĐỪNG NÓI XA NHAU
NGƯỜI YÊU LÝ TƯỞNG trọn câu vẹn thề
Rồi MỘT MAI QUA CƠN MÊ
HAI VÌ SAO LẠC đi về BẾN MƠ
VẮNG XA vẫn mãi đợi chờ
Để em viết tiếp BÀI THƠ CUỐI CÙNG
Có ai THƯONG VỀ MIỀN TRUNG
QUÊ NGHÈO sỏi đá khốn cùng điêu linh
Lòng như KHÚC HÁT ÂN TÌNH
Trãi dài QUÊ MẸ nắng bình minh vui
MƯA TRÊN PHỐ HUẾ sụt sùi
CHO NGƯỜI TÌNH LỠ bùi ngùi vấn vương
VỀ ĐÂU MÁI TÓC NGƯỜI THƯƠNG
NƯẢ ĐÊM THỨC GIẤC lòng tương tư sầu
Dẫu rằng HAI ĐỨA GIẬN NHAU
Vẫn không như thể QUA CẦU GIÓ BAY
Một lần TỪ GIÃ THƠ NGÂY
Là em THEO LÁ VÀNG BAY mất rồi
Dẫu cho CAY ĐẮNG TÌNH ĐỜI
NGƯỜI EM SẦU MỘNG tuyệt vời yêu anh
Ân tình GẠO TRẮNG TRĂNG THANH
Làm sao NƯỚC MẮT LONG LANH cạn dòng
Bây giờ TRÊN ĐỈNH MÙA ĐÔNG
NGƯỜI EM XÓM ĐẠO chỉ mong một điều
Thương em HÃYNHỚ NHAU NHIỀU
Hãy xin LÝ LUẬN TÌNH YÊU thế nào
Cũng xin đừng VẪY TAY CHÀO
TÌNH YÊU TRẢ LẠI TRĂNG SAO thật buồn
MỘT LẦN DANG DỞ đau thương
THA LA XÓM ĐẠO thánh đường bơ vơ
Hằng đêm QUÁN NHỎ ĐỢI CHỜ
Ôm sầu LẺ BÓNG vần thơ bẽ bàng
Còn đâu HOA SỨ NHÀ NÀNG
Gặp em trở lại CÔ HÀNG XÓM xưa
Còn đâu HUYỀN THOẠI CHIỀU MƯA
NHỮNG NGÀY THƠ MỘNG đón đưa hẹn thề
Em SAO KHÔNG THẤY ANH VỀ
MIỀN TRUNG THƯƠNG NHỚ tái tê lạnh nhiều
ĐÊM TÀN BẾN NGỰ cô liêu
AI RA XỨ HUẾ hắt hiu tháng ngày
Ôi chaoTHÀNH PHỐ MƯA BAY
KHÓC NGƯỜI TRINH NỮ đắng cay tình đời
TÌNH YÊU CÁCH BIỆT đôi nơi
NGẬM NGÙI cắn chặt bờ môi nhạt màu
BAO GIỜ TA GẶP LẠI NHAU
NỔI BUỒN HOA PHƯỢNG giọt sầu ly tan
Anh XIN TRẢ LẠI THỜI GIAN
ĐƯA EM VÀO HẠ thênh thang vùng trời
Thật tình ANH BIẾT EM ƠI
DƯ ÂM ngày mộng ngàn đời khó quên
CĂN NHÀ MÀU TÍM êm đềm
MỘT TRỜI THƯƠNG NHỚ làm nên chuyện tình
NÉT BUỒN THỜI CHIẾN điêu linh
Ráng đi em CHUYỆN CHÚNG MÌNH tính sau
TÌNH ANH LÍNH CHIẾN địa đầu
Trao em ÁO ĐẸP NÀNG DÂU mai này
CHIỀU MƯA BIÊN GIỚI có hay
ĐÊM BUỒN TỈNH LẺ tháng ngày héo hon
TÌNH YÊU CÁCH BIỆT mỏi mòn
SAO ANH LỖI HẸN em còn đơn côi
Ngày MAI ANH ĐI XA RỒI
ĐÒ TÌNH LỠ CHUYẾN bờ môi nhạt nhoà
TÀU ĐÊM NĂM CŨ mấy toa
BIỆT LY em tiễn cành hoa hồng vàng
NỔI LÒNG mang tận quan san
Là như vai nặng HÀNH TRANG GIÃ TỪ
Phương này VẦNG TRÁN SUY TƯ
Xem như GIÂY PHÚT TẠ TỪ trong đêm
Mà SAO EM NỠ ĐÀNH QUÊN
RỪNG CHƯA THAY LÁ gọi tên bốn mùa
Tiền đồn THÁNG SÁU TRỜI MƯA
Trọn tình thương nhớ CHO VỪA LÒNG EM
Trở về MỘT CHUYẾN BAY ĐÊM
VÙNG TRỜI NGÀY ĐÓ càng thêm mặn nồng
Trữ tình TRĂNG SÁNG ĐỒI THÔNG
CƠN MÊ TÌNH ÁI phiêu bồng lãng du
Ngõ hồn lạc lối VƯỜN THU
MỘT ĐÊM KHÔNG NGỦ ngục tù con tim
Ngày mai anh BIẾT ĐÂU TÌM
LINH HỒN TƯỢNG ĐÁ im lìm bơ vơ
Đắm chìm THU VỚI NÀNG THƠ
CHUYỆN NGƯỜI ĐAN ÁO đợi chờ đêm đông
Xin em ĐỪNG TRÁCH DIÊU BÔNG
BUỒN VƯƠNG MÀU ÁO má hồng chưa phai
Sao em NHƯ TIẾNG THỞ DÀI
NGHẸN NGÀO lệ đắng giọt đài trang tuôn
Để cho TỪ ĐÓ EM BUỒN
NẾU MAI ANH CHẾT chim muôn gọi đàn
TÌNH YÊU VỖ CÁNH băng ngang
GA CHIỀU PHỐ NHỎ đèn vàng xót xa
Phận nghèo mang KIẾP CẦM CA
ĐIẸU RU NƯỚC MẮT phòng trà từng đêm
THỀM TRĂNG còn đọng môi mềm
GIỌNG CA DĨ VÃNG buồn thêm nản lòng
Cho em BẢY NGÀY ĐỢI MONG
SAO ANH KHÔNG ĐẾN phòng không cuối tuần
Anh còn VỌNG GÁC ĐÊM SƯƠNG
CHIỀU MƯA BIÊN GIỚI còn vương giặc thù
BỐN VÙNG CHIẾN THUẬT mật khu
Bên RỪNG LÁ THẤP sương mù giăng giăng
Trên đồi HOA TÍM BẰNG LĂNG
NHỚ MẦU HOA TÍM đêm trăng thuở nào
Chuyện tình HÒ HẸN trăng sao
PHÚT ĐẰU TIÊN ấy nghe xao xuyến lòng
LẶNG THẦM hoa tím bên sông
Ngập ngừng GÕ CỬA hằng mong trao nàng
KỂ TỪ ĐÊM ĐÓ thênh thang
ĐƯỜNG LÊN SƠN CƯỚC vai mang chữ tình
Đếm từng sợi NẮNG THỦY TINH
Để riêng em mãi NHỚ MÌNH ANH THÔI
Đường tình NHẬT KÝ ĐỜI TÔI
CÁNH BUỒM CHUYỂN BẾN nhẹ trôi im lìm
CHIỀU VỀ trên những đồi sim
TÌNH THƯ CỦA LÍNH gởi niềm riêng em
Có loài HOA NỞ VỀ ĐÊM
Một loài HOA TRẮNG mang tên là quỳnh
Gót chân NGƯỜI LÍNH CHUNG TÌNH
BẠC MÀU ÁO TRẬN vẫn tình không phai
Lối về hẹn một ngày mai
ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ sánh vai tình hồng
Bây giờ em THẤY GÌ KHÔNG
Làm sao em biết NỔI LÒNG NGƯỜI ĐI
Bây chừ ĐÔI NGÃ CHIA LY
Cho NGƯỜI Ở LẠI CHARLIE nghìn trùng
Đường chiều phủ kín MƯA RỪNG
NGƯỜI GIÀU CŨNG KHÓC trời rưng rưng sầu
Cạn nguồn GIÒNG LỆ THƯƠNG ĐAU
Thương HÀN MẠC TỬ sớm mau lìa trần
PHÙ DU kiếp sống chinh nhân
ĐOÀN NGƯỜI LỮ THỨ bước chân âm thầm
Và SAO CHƯA THẤY HỒI ÂM
Của người TÌNH LỠ TRĂM NĂM đợi chờ
Dẫu rằng TÌNH LÀ SỢI TƠ
Dẫu rằng em vẫn BƠ VƠ cuối tuần
Phương này PHIÊN GÁC ĐÊM XUÂN
BUỒN VUI ĐỜI LÍNH trầm luân tháng ngày
Chiều nào TỪ GIÃ THƠ NGÂY
Người đi chinh chiến vui vầy nước non
Bao giờ sông núi vẫn còn
TÌNH ANH LÍNH CHIẾN chưa sờn chí trai
TÌNH ANH BIỂN RỘNG sông dài
Trời vào xứ mộng THƯƠNG HOÀI NGÀN NĂM
Gió sương DẤN BƯỚC THĂNG TRẦM
BÂY GIỜ THÁNG MẤY lạnh căm ngoài trời
Lỡ như PHỐ VẮNG EM RỒI
Tình mình ĐOẠN TUYỆT lệ rơì rớt sầu
MAI LỠ HAI MÌNH XA NHAU
Cầm bằng nước chảy QUA CẦU GIÓ BAY
HẬN NGƯỜI sao dể đổi thay
Và anh BIẾT NÓI GÌ ĐÂY một lời
Em QUỲ LẠY CHÚA TRÊN TRỜI
Sao cho em lấy được người em yêu
Bây giờ em ĐỔI THAY chiều
NGƯỜI THƯƠNG không lấy chọn nhiều lợi danh
Thà yêu NGƯỜI ĐẸP TRONG TRANH
Còn hơn TÌNH PHỤ nỡ đành đắng cay
Thôi rồi THUNG LŨNG CHIM BAY...

XÂY MỘNG























Suốt buổi sáng chúa nhật hắn cứ lè nhè bên vợ hắn. Nét mặt hắn buồn hiu thảm bại. Hắn cảm thấy chán nản, bất lực. Chưa bao giờ hắn bực bội trước nét mặt lạnh lùng của vợ mỗi lần hắn nói. Người chi mà khó ưa quá. Bằng lòng, không bằng lòng, cứ nói, sao lại lặng thinh như thế. Hắn không chùng bước. Hắn luôn nhẫn nại và nhẫn nại. Hắn kiên trì thỏ thẻ bên tai vợ hắn đang ngồi chăm chú đọc sách trên sofa :
Em bằng lòng cho anh mua computer nhen em ?
Hắn thỏ thẻ lập đi lập lại đôi ba lần câu nói mà hắn đã phát âm từ mấy ngày nay với vợ. Vợ hắn bĩu môi, im ỉm, giả tảng như không nghe, không biết, không hiểu. Hắn lập lại câu nói một lần nữa. Đột nhiên, vợ hắn vứt quyển sách xuống bàn cau có :
- Mấy hôm nay anh cứ lãi nhãi với em chuyện gì không đâu. Bực mình ghê đi. Anh có để cho em yên không ?
Nghe vợ nói, hắn mừng rỡ, cười ruồi :
- Anh xin lỗi. Anh chẳng làm phiền em điều gì. Anh chỉ xin em bằng lòng cho anh mua cái computer thôi mà.
- Để làm gì ? Vợ hắn gay gắt.
- Anh muốn có một computer để đọc và viết.
Vợ hắn bĩu môi :
- Đọc và viết ! Hừ !! Nhà sách báo tràn lan ra đó. Tuần nào anh cũng ra phố ôm về cả chồng báo chợ. Sách thì cứ mua hết quyển này đến quyển khác. Mua về để đầy trên ngăn sách nhưng em đâu hề thấy anh đọc, lâu ngày bụi bám đầy, sinh sản từng ổ gián, đẻ trứng như vãi cát, trông ghê ơi là ghê ! Còn viết...
Vợ hắn cười hì hì chọc quê :
- Viết ! Viết ! lúc nào em cũng nghe anh nói anh viết... viết và viết, mà chẳng thấy gì. Anh viết một bức thư gởi người thân cũng chẳng ra hồn. Thảo lá đơn xin việc làm lúc còn ở quê nhà cũng trật lên trật xuống, sửa tới sửa lui câu cú không chỉnh. Vậy mà cứ đòi viết...viết cái gì hả..? thật là khổ cho ông chồng của em ghê đi !
Hắn không nản, cố gắng bào chữa :
- Em biết không ? Hồi trước khác, giờ khác đấy mà. Viết thư, làm đơn gì đó là chuyện nhỏ, ai lại chẳng làm được. Tại anh chẳng dốc lòng làm. Còn viết ! hà hà ! Em biết anh viết gì không ? Viết văn, làm thơ đấy, em ơi ! Anh đang khởi sự làm chuyện lớn. Em nào đâu biết viết văn, làm thơ là gì ? Viết cho người ta đọc đâu phải là chuyện dễ mà cũng chẳng phải là chuyện đùa. Người đọc sẽ tiếp nhận những tư tưởng lớn, những kiến thức uyên bác của mình để họ học hỏi, mở rộng tầm hiểu biết của họ mà em.
- Ghê gớm thế à ? Anh chỉ thích nói dóc thì có. Bấy lâu nay em thấy anh vẫn viết và viết...rồi chẳng thấy gì cả.
Hắn tìm cách chống chế :
- Tại anh chưa đủ phưong tiện thích nghi công việc... em biết chứ ?
Vợ hắn cười mủi :
- Viết mà cũng cần đủ phưong tiện thích nghi. Phương tiện thích nghi là gì thế ? Vĩ đại như thế ư ? Em nghe nói mấy ông nhà văn, nhà thơ đa số ông nào cũng nghèo tả tơi, họ sống rất đơn sơ bình dị, vậy mà họ vẫn thành danh. Họ đâu có gì gọi là phương tiện thích nghi như anh mơ ước. Họ chỉ cần cây viết và tập giấy thôi đấy mà.
Đúng ! Vợ hắn nói đúng. Ngày trước hắn cũng nghĩ thế. Chã có gì là khó khăn, rườm rà. Hắn nghĩ viết văn, làm thơ dễ ợt, chẳng cần gì thêm ngoài cây viết và tập giấy. Chẳng chần chờ, hắn khởi sự đi vào sự nghiệp lớn. Rồi khoảng hai năm đằng đẳng sau đó hắn đã cất công rị mọ, dùi mài, ngày rồi đêm, tháng này tháng khác liên lũy để cho ra đời những bài văn ngắn ngủn, những bài thơ con cóc thật đắc ý...đưọc chép tay rất ư là cẩn thận để gởi đi các tòa báo lớn trong nước, kể cả các nước khác trên trái đất này. Mỗi bài như thế, hắn gởi nhiều tờ báo cùng khắp. Khoản chi cước phí thư bảo đảm cũng không nhỏ. Hắn phải cần kiệm bớt nhưng chi tiêu vặt để bù vào mục này. Gởi đi...và hằng ngày hắn ngồi chờ tin vui. Chờ và chờ đến năm bảy tháng sau cũng chẳng thấy tăm hơi gì. Sao lạ lùng thế ! Hắn tức tối làm sao ! Nhưng hắn không nản. Hắn tiếp tục gởi lại lần hai... lần ba...và có bài hắn gởi đến lần thứ tư không biết chán. Hắn luôn xin ơn trên phù hộ cho bài của hắn được lên mặt báo là hắn nghiễm nhiên trở thành nhà văn lớn, nhà thơ lớn của thời đại. Sự chờ đợi của hắn cứ thế dài ra không một phép lạ nào hãm lại được. Đến lúc bực mình chịu hết nỗi, hắn chửi thề lung tung rằng người đời sao quá ư hẹp hòi, ích kỷ không nhận thức được văn tài của mình.
Một hôm, may thay hắn đọc được trả lời của một tờ báo lớn trong Hộp Thư Bạn Đọc - bảo rằng ‘’Thơ và Văn của ông chưa đạt tiêu chuẩn, chưa đạt chất lượng và cũng không thích hợp lập trường, quan điểm của tờ báo. Đồng thời đề nghị bài viết của ông phải đánh máy gởi qua email hoặc diskette. Tòa soạn không nhận bản thảo viết tay.
Hắn nhủ thầm, mấy ông làm báo này đã coi thường văn, thơ của mình. Lấy cớ này cớ nọ rắc rối, làm khó dễ, hoạnh họe không tưởng. Viết được một tác phẩm tốn bao nhiêu là ngày và đêm, công sức đổ ra, tiêu đi bao nhiêu là cà phê, khói thuốc lá mù mịt căn phòng, quên ăn, mất ngủ, thức trắng đêm, mệt phờ người mới có được, chứ đâu phải chuyện đùa, mấy ông có biết không ? Có sẳn bài để đăng báo hốt bạc, khỏe re như bò kéo xe, mà không thông cảm cho tác giả.
Mặc dầu thỉnh thoảng hắn bị loạn tinh thần như thế, hắn vẫn không nản chí. Hắn tiếp tục gởi bài. Hắn tiếp tục nhẫn nại chờ. Giờ hắn quay sang gởi bài cho các báo chợ. Tại địa phương cũng đang có những tờ báo chợ chuyên đăng quảng cáo thương mại in ấn trang nhả, đẹp mắt và những bài viết ‘’nguội’’góp nhặt từ nơi này nơi khác nhét cho đầy tờ báo. Có bao nhiêu bài là hắn gởi hết cho các báo chợ tại địa phương. Gởi rồi chờ đợi. Đã gọi là báo chợ, báo lá cải, lá sung, lá mít, lá vông...cũng là báo, nhất định là họ không kén chọn đâu. Có phải là lá cải, lá vông...cũng chẳng sao. Miễn sao bài được đăng lên mặt báo, giấy trắng mực đen, được nhiều người khắp bốn phương trời đọc, thưởng ngoạn tài năng văn học của mình là khoái rồi. Tư tưởng uyên bác cao siêu của mình được tung ra khắp nơi, đang được mọi người đọc, tiếp nhận một cách chân tình và trang trọng. Báo chợ thì dễ thôi, nhất định họ nhận được bài là họ đăng ngay. Đọc những bài thơ, bài văn trong báo chợ, hắn nhận thấy chẳng xứng đáng để đăng. Thua, thua xa văn thơ của mình lắm lắm mà. Nhận xét của hắn không thiên lệch cao ngạo theo kiểu văn mình vợ người. Hắn nghĩ thế để tô dày niềm hy vọng, tạo nghị lực phấn đấu chờ đợi. Sự chờ đợi bấy lâu như được tôi luyện thành một bản năng sinh tồn cho sự nghiệp viết lách của hắn. Mãi rồi thành thói quen không còn cảm giác khó chịu và mệt mỏi nữa.
Tròm trèm gần hai năm lăn lóc dấn thân mệt mỏi trên trường văn trận bút, để có được một ngày đẹp trời may mắn lần đầu tiên trong sự nghiệp hắn nhìn thấy được một bài thơ của hắn đã được trang trọng chào đời trên một tờ báo chợ. Bài thơ tình lăng nhăng ướt át mười hai câu nằm khiêm nhường ở một góc của một trang báo quảng cáo. Hắn vui mừng hớn hở nhìn đứa con tinh thần đang hiện diện trước mặt. Hắn lẩm bẩm trong niềm vui đầy phấn khích và hãnh diện. Chính nó đấy... ! nó là tim óc, máu thịt, là đứa con tinh thần của ta đã lọt lòng sau những năm trời thai nghén. Hắn chậm rãi đọc từng chữ, từng câu để biết rằng đây là sự thật. Sự thật trăm phần trăm. Sự thật của một sự nghiệp lớn đang thành hình. Hắn đọc chậm chậm suốt bài thơ để thưởng thức trọn vẹn văn tài của mình. Lòng hắn rộ lên bao niềm vui, niềm tự hào khả năng thành đạt của hắn đã dấn thân trong thời gian qua. Cuối bài thơ là bút danh ‘’ Tú Lang Thang’’ của hắn được in đậm nét nhìn rất ư là ngạo nghễ. Tú Lang Thang từ nay nghiễm nhiên ngự trị trên văn thi đàn thời đại. Bút danh Tú Lang Thang hắn đã phải mất gần hai tháng trời suy nghĩ, tìm tòi, chọn lựa mới có được. Nhất định không được trùng với bút danh kẻ khác. Không được đồng âm dị nghĩa. Phải cẩn thận, không khéo sẽ bị kẻ khác cưỡng chiếm hoặc hiểu nhầm. Bút danh phải có cái gì đó đặc biệt, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người và khi nghĩ đến là thiên hạ sẽ hình dung ra một thiên tài văn học.
Mừng quá, hắn hốt hết hai chồng báo chợ free có bài thơ đã đăng mang nhanh ra xe, vội về nhà ngay khoe với vợ.
- Em ơi ! Em đâu rồi. Em ! Ra đây coi nè. Tin vui em ơi. Mau lên em.
Vợ hắn đang làm thức ăn trong bếp hỏi vọng ra :
- Gì mà ồn ào vui thế ?
Hắn líu lo :
- Này bà xã của anh ơi ! Anh long trọng tuyên bố cho em biết rằng, kể từ hôm nay anh đã trở thành Nhà Văn Nhà Thơ lớn có tác phẩm đăng báo rồi đấy. Nhà Văn, Nhà Thơ là phải có tác phẩm đăng báo, phải in sách... em biết chứ ? Không còn ai khinh thường anh, kể cả em. Em đừng có ỡm ờ với anh nữa, nghe chưa. Thơ văn của anh đã đạt trình độ cao nên mới được người ta đặc biệt đăng tải. Phục tài anh chưa ?
Vợ hắn xì một tiếng, giọng càu nhàu :
- Tưởng gì ! Thơ với văn...của anh...ấy à ! sao em ngửi không ra mùi. Cũng vì nó anh mê say nó. Anh lạnh nhạt bỏ bê em bấy lâu nay, đâu còn ngó ngàng đến em.
- Em nói chi mất tình mất nghĩa hết sức. Vợ chồng mà, sao em không tiếp sức hà hơi, nâng anh lên, khen ngợi anh. Anh đang lo sự nghiệp. Em biết không ? Bài được đăng lên báo là họ phải trả tiền nhuận bút. Rồi đây anh sẽ có nhiều tiền. Anh đã gởi bài đến hằng mấy chục tờ báo từ bấy lâu nay, em biết chứ ? Nhất định họ sẽ lần lượt đăng tải hết không thể bỏ sót.
Vợ hắn cười khẩy, nói giọng móc họng :
- Em biết. Chỉ duy nhất có anh, Chồng em tài giỏi lắm mà. Hừ !! Chứ những người khác không phải vậy. Anh có thể xin nghỉ việc, viết văn, làm thơ mà sống khỏe re đó anh.
Điều ấy, hắn đã nghĩ đến từ lâu rồi, bây giờ đang trở thành sự thật. Trở thành nhà văn, nhà thơ vừa nổi danh vừa có tiền. Sướng thế còn đòi gì nữa ! Hắn đang bước đi một bước khá dài trong sự nghiệp văn chương. Hắn bắt đầu chờ đợi tờ báo chợ gởi trả tiền nhuận bút bài thơ của hắn vừa được đăng. Trong đầu hắn đang phát sinh thêm những suy nghĩ mới cho sự nghiệp. Khi đã trở thành nhà văn, nhà thơ nổi danh được nhiều người ái mộ là hắn sẽ đứng ra thành lập các thi văn đoàn, các cơ sở văn học nghệ thuật thuần túy để phát huy,và bảo tồn trường phái riêng của hắn lưu danh đời đời. Hắn sẽ gia nhập các tổ chức văn bút, hội thơ, các diễn đàn văn chương, văn học....để tìm chỗ đứng trên văn thi đàn, làm mưa làm gió, tạo áp lực phe phái khuynh loát những gì hắn thích. Hắn sẽ tìm mọi cách này cách khác nhảy vào ứng cử, tranh cử hoặc độc diễn cho bằng được chức chủ tịch, hội trưởng...hoặc cùng lắm là phải nằm trong ban chấp hành, trong ban cố vấn. Hắn sẽ in sách cho phát hành hằng loạt. Hắn sẽ có những buổi ra mắt sách đình đám xôm tụ, và sẽ bán được nhiều sách để thu tiền vào vừa gở vốn, vừa kiếm lời bỏ túi. Gì chứ nói về tài năn nỉ, mời mọc, chiêu dụ người này người khác tham dự những đêm hội hè, ra mắt sách của hắn thuộc loại siêu, ít ai bì nổi.. Không hiểu hắn thỏ thẻ như thế nào đến người khó tính nhất cũng phải siêu lòng. Vẫn chưa hết, hắn nuôi mộng sẽ ra báo. Hắn sẽ làm chủ nhiệm, chủ bút, làm tổng biên tập...chỉ đạo chỉ đường mà ban phát ân huệ chẳng thua gì ai. Hắn phải nổi danh là một nhà thơ lớn chỉ cần bước đi bảy bước là ứng khẩu được ngay một bài thơ tuyệt cú mèo để đời ngâm nga, Ai muốn đem thơ của hắn phổ nhạc, hơặc những kiệt tác văn chương của hắn dựng thành kịch bản, phim ảnh, hoặc dịch ra các ngôn ngữ khác phải xin phép bằng giấy trắng mực đen, có hợp đồng thù lao hẳn hoi. Hắn cũng sẽ là một văn hào có những tác phẩm văn học lớn bề thế được dịch ra nhiều thứ tiếng phổ biến rộng rãi cho mọi dân tộc. Hắn sẽ là một nhà phê bình văn học nghệ thuật để hướng dẫn, sửa sai và chỉ dạy con người viết văn. Ôi..!! bao nhiêu là mộng lớn, mộng con, mộng bé...cứ thế trào ra... trào ra như mạch nước ngầm bao quanh đầy ắp trong tầm mơ ước suy nghĩ của hắn.
Hắn ráo riết viết bài, làm thơ ngày đêm không biết mệt. Càng viết văn, càng sáng tác thơ hắn càng hăng đôi lúc quên ăn, quên ngủ và quên cả mọi sự diễn ra chung quanh. Từng đêm và từng đêm hắn phải cần đến ba bốn ly cà phê đen nóng đậm đặc, đôi ba gói thuốc lá để đánh thức giác quan, trí óc tươi tỉnh tạo nguồn hứng giao duyên nàng Thơ, nàng Văn lúc nào cũng rập rờn, âu yếm, vuốt ve hắn. Vợ hắn chẳng bao giờ dám bước chân vào căn phòng ngột ngạt mịt mù khói thuốc. Nếu muốn gì là vợ hắn cứ đứng ngoài nói vọng vào. Thì giờ là vàng ngọc. Đâu thể chần chờ để rồi không hoàn thành kịp cho sự nghiệp lớn. Viết xong là hắn còn phải tốn công sức bỏ ra bao nhiêu là thời gian rị mọ nắn nót chép tay ra giấy hằng chục bản mang ra bưu điện gởi bảo đảm đi cho nhiều tờ báo. Ngoài giờ đi làm về, thì giờ còn lại là đọc và viết. Bây giờ hắn đi đâu là trên tay kè kè tờ báo chợ có đăng bài thơ, mấy trang bản thảo đang viết dỡ dang chi chít chữ nguệch ngoặc, gạch gạch bỏ bỏ, xóa tới xóa lui tèm hem, kèm đôi quyển sách kẹp chặt giữ bên nách. Tuy không phải là dân cận thị, nhưng khuôn mặt gầy nhom của hắn lúc nào cũng chễm chệ đôi kính trắng, gọng mạ vàng trông rất ư là trí thức. Nói năng phải chững chạc, văn vẻ, lý luận đâu ra đó, câu cú đầy đủ chủ từ, động từ, túc từ. Quần áo phải sạch, ủi là thẳng nếp đàng hoàng. Nhà văn, nhà thơ là phải như thế. Đâu như mấy ông nhà văn, nhà thơ nào đó lúc nào áo quần cũng lê thê lếch thếch, tóc tai bù xù, nghèo rách mồng tơi như vợ hắn nói. Nhà văn, nhà thơ là phải dính liền với sách vở, với báo chí, với văn chương chữ nghĩa, với cây bút, tập bản thảo... mới đáng được gọi là giới trí thức. Đối với hắn, giới trí thức là thành phần cốt cán của đất nước, dân tộc, là kẻ sĩ, là sĩ phu, là kẻ ăn trên ngồi trước, là người hướng dẫn tư tưởng, dư luận, quan điểm quần chúng...to tát và ghê gớm như thế đấy. Đâu phải là kẻ tầm thường. Vậy mà vợ hắn cứ luôn chọc quê, chế giễu phũ nhận tài năng siêu việt của hắn. Gặp ai là hắn thích trao đổi danh thiếp cá nhân ghi rõ ràng bút danh Tú Lang Thang - Nhà Văn - Nhà Thơ - địa chỉ - số điện thoại. Giờ hắn đang thích người khác mỗi khi gặp hắn nên gọi hắn là Nhà Văn, Nhà Thơ Tú Lang Thang hơn là gọi bằng cái tên cúng cơm, tên trong giấy khai sanh vô danh tiểu tốt mà cha mẹ hắn đã đặt cho hắn lúc vừa lọt lòng.
Thường thì cứ mỗi sáng chúa nhật hắn thích có mặt tại các quán cà phê quen thuộc trong thành phố. Hắn cũng có lắm bạn cà phê tán dóc trong những giờ phút thư giản ấy. Hắn luôn khoe đứa con tinh thần đang chễm chệ có mặt trong tờ báo chợ. Hắn thích tặng báo có đăng bài thơ cho những ai ngưỡng mộ tài năng đang lên của hắn. Được dịp là hắn ngâm nga bài thơ đã đăng báo nhừ nhuyễn đến tả tơi, rồi bô bô thuyết giảng mộng lớn, mộng con đang ôm ấp không biết mệt, không bao giờ chán. Bạn bè cười cợt tâng bốc lấy lòng để có được những chầu cà phê miễn phí. Mặc dầu tiền bạc có khan hiếm thật đó, nhưng hắn không nề hà chi trả những ly cà phê, gói thuốc lá đầy tình nghĩa biết người biết ta của đám bạn chầu rìa. Hắn cảm thấy khoái, khoái lắm, vui và yêu đời một cách chi lạ.
Một hôm hắn được qưới nhân phù trợ. Một người bạn cũ đã xa nhau lâu lắm rồi, đột nhiên anh ta xuất hiện tại quán cà phê trong buổi sáng chúa nhật. Lâu ngày gặp nhau tay bắt mặt mừng rôm rả. Cơ hội đến là hắn tuôn ra hết thân thế, sự nghiệp, mộng lớn, mộng con ấp ủ từ lâu cho người bạn chí thân nghe cốt để bạn có thể bị ớn lạnh tài năng siêu việt đang lên của hắn. Say sưa kể lể ngọn nguồn bất tận trong chiều thích thú, cuối cùng hắn than thở nghe cũng mủi lòng, như có ý trách móc thân phận :
- Nói mà nghe hơn hai năm nay tớ viết lách bao nhiêu là thơ, là văn, gởi đi không biết bao nhiêu là tờ báo và cũng không biết bao nhiêu lần như thế... rồi cứ chờ dài cổ ra. Thế mà không hiểu sao họ chẳng chịu đăng bài của tớ. Ức thiệt. Mấy ông làm báo bây giờ chảnh lắm, khinh người lên mặt đếch chịu được. Tớ mà làm chủ nhiệm, chủ bút hả, là tớ cho bài vở đi láng hết.
Nghe thật não lòng, người bạn thắc mắc hỏi hắn :
- Vậy chứ anh gởi bài bằng cách nào ?
- Bài viết xong, tớ chép tay lại sạch sẽ đem gởi bảo đảm qua bưu điện cho họ, chứ không lẽ mang đến giao tận tay. Phải tốn bao nhiêu là cước phí bưu điện.
Người bạn gật gù mỉm cười :
- Chẳng được gì cả cũng phải. Anh phải sử dụng computer gởi bài qua email, bằng CD, diskette, USB... thì may ra. Tôi nói ‘’ may ra’’ mà thôi đấy nhé. Anh phải biết rằng không ai có thì giờ ngồi đánh máy bài của anh đâu, cho dù bài có đặc sắc tuyệt cú mèo và cần thiết đến mấy đi nữa, họ cũng vứt ngay vào sọt rác cho đở nhọc công. Họ cũng chả thèm đọc bài viết tay của anh đâu, anh đừng có mơ...
- Hả ? Anh nói sao ? Vậy là bao nhiêu tác phẩm giá trị của tớ từ trước đến nay đều nằm phơi mình trong giỏ rác ấy à ? Đâu tệ đến nỗi như anh nói.
- Chứ gì nữa. Thời đại vi tính phải ứng dụng kịp thời. Lẹt đẹt như anh chỉ là dã tràng xe cát. Hơn nữa, anh phải nghĩ đến việc phải dành ưu tiên cho bè phái, phe đảng, thân thiết của họ chứ, hoặc có thể mình còn phải trả bằng tiền để cậy đăng, hoặc ủng hộ, hoặc mua báo dài hạn...chứ khơi khơi xuất hiện đột ngột kiểu như anh, đến tết công-gô cũng hoài công thôi ông bạn của mình ơi ! Còn gì để mà than với thở.
Nghe những lời chân tình của người bạn, hắn mới hiểu ra cái yếu kém của mình từ hai năm qua. Thôi thì muốn thành danh, muốn làm nên sự nghiệp lớn phải có computer và học cách sử dụng. Hắn chép miệng thở dài ngao ngán. Sao rắc rối thế nhỉ ! Ngày xưa, mấy ông Nguyễn Du, Khái Hưng, Nhất Linh... đâu cần gì vi tính. Thôi thì ăn theo thuở, ở theo thì vậy. Phải tốn thêm những số tiền lớn. Bấy lâu nay đã phải tốn biết bao nhiêu là tiền cho sự nghiệp rồi ? Còn phải bỏ ra một thời gian dài học cách sử dụng vi tính. Cũng đến mệt mỏi và phải kiên nhẫn ghê gớm lắm đây. Tiền bạc thì chẳng mấy khấm khá trong đời sống vợ chồng của hắn. Cưới nhau ba bốn năm gì rồi mà hai vợ chồng vẫn chưa có mụn con nào. Từ lúc đam mê xây mộng lớn, mộng con thời gian sống cho vợ gần như thưa dần đến như vắng bóng. Hằng đêm hắn bận miệt mài với cây viết, tập bản thảo, cuốn sách, tờ báo...hắn chỉ vào giường ngã lưng được vài tiếng là thức dậy đi làm ngay. Suốt ngày cứ ngáp ngắn, ngáp dài. Cơ thể luôn uể oải. Đầu óc chẳng có giây phút thoải mái, vì cứ luôn suy nghĩ đến những gì để viết, tìm cảm hứng để nắm bắt những câu thơ đắc ý. Vợ hắn thường xuyên càu nhàu, cằn nhằn, cẳn nhẳn, thỉnh thoảng đôi co lớn tiếng với hắn, còn có ý muốn chia tay hắn, cũng vì hắn quên vợ mình đang ở bên cạnh. Thu nhâp hai vợ chồng hằng tháng để có chi tiêu chẳng mấy dư ra. Vợ hắn thường so bì những gia đình khác, chồng làm hai ba công việc có thêm tiền chi phí cho đời sống gia đình. Thường vợ hắn khuyến khích hắn tìm việc làm thêm, nhưng hắn cứ ì èo than mệt, Làm nhiều, lao động quá mức là tiêu tùng sớm. Có nhiêu ăn nhiều, có ít ăn ít là lý tưởng nhất. Được cái là vợ hắn biết cần kiệm tối đa, đôi lúc có dư ra chút it gởi ngân hàng tích cốc phòng cơ, nhưng chẳng được là bao. Vợ hắn đòi đi làm thêm job phụ trong giờ ban đêm nhưng hắn cản, vì không ai lo cơm nước, công việc nhà. Hắn cũng chẳng thích vợ đi đêm đi ngày, lỡ ra vấp phải chuyện gì đó, có ai quyến rũ nào ai biết trước là không thể được.
Tiền bạc trong gia đình do vợ hắn nắm chặt hầu bao, kể cả trương mục ngân hàng. Chi tiêu gì ngoài chi phí thường xuyên gia đình phải có sự đồng ý của nội tướng. Thời gian gần đây hắn phải tìm cách lươn lẹo, bịa ra bao nhiêu là lý do chính, lý do phụ để có được khoản tiền riêng đáp ứng nhu cầu đam mê. Hắn mong đợi ngày nào đó, bài vở được đăng báo là hắn sẽ có tiền, khi ấy cũng chả cần gì đến đồng lương.
Trọn tháng nay hắn nài nỉ vợ chi tiền mua computer để có phương tiện thực hiện giấc mộng lớn. Phải biết kiên nhẫn, biết nịnh đầm, biết dựng chuyện, có lý, vợ hắn mới chấp nhận chi tiền cho mà mua. Khổ sở đến như thế. Hắn biết, nhưng phải tự chế cũng vì sự nghiệp đang theo đuổi của hắn.
Một buổi sáng đẹp trời, hắn lái xe đến cửa hàng chọn mua máy. Gần nửa ngày trời hì hục, đi tới đi lui, rờ mó, ngắm nghía, hỏi han mà hắn chưa chọn được chiếc máy nào vừa ý. Mọi sự đều mới lạ với hắn. Đến khi mang được computer về nhà trời đã tối. Từ đêm đó trở đi hắn mệt mỏi, khốn đốn điên cả cái đầu trước ‘’khối sắt có linh hồn’’ này. Cứ tưởng là dễ ăn lắm sao ! Dù sao hắn vẫn tự nhủ thầm, người ta làm được, mình ắt phải làm được. Bỏ tiền ra thuê người hướng dẫn là chuyện hắn không dám nghĩ đến cũng vì đồng tiền rất hạn chế trong tay đối với cô vợ quá khắt khe của hắn.
Gần trọn năm trời hắn mới biết cách sử dụng một số căn bản trên chiếc máy computer cũng là vừa lúc hắn ngã bệnh nặng. Hắn bị kiệt sức trầm trọng, người cứ rạc đi gầy nhom. Khuôn mặt hốc hác như người vừa ốm dậy vì luôn thức trắng đêm, vì uống nhiều cà phê đen đậm và từng điếu thuốc lá hít khói liên tục. Thức để mãi mê gỏ bàn phiếm cho bài mới. Lúc này hắn viết bài liên tục. Thức để đánh máy và nhuận sắc lại các bài đã có từ trước save vào máy, gởi bài cho các báo qua email. Không những thế, hắn đang khởi sự viết truyện dài, viết hồi ký. Thức để say sưa tìm tòi, học hỏi thêm cách sử dụng máy. Thức để đọc biết bao nhiêu là bài vở trên net. Ôi thôi ! cả một khối lượng khổng lồ chữ nghĩa, hình ảnh, không thiếu một thứ gì trên màn ảnh ảo. Hắn thích thú đọc và ngắm say sưa, đọc đến phờ người ra mà chẳng bao giờ hết. Hắn cứ nghĩ như thế này thì cũng chả cần gì phải mua sách, mua báo tốn tiền. Thì giờ không bao giờ đủ cho hắn mỗi ngày. Bao đam mê cứ bủa vây dồn dập, hối thúc hắn. Mỗi ngày hắn mỗi truy cập, phát hiện ra vô số điều mới lạ trên màn ảnh ảo thật kỳ diệu, thú vị và hấp dẫn vô cùng. Có những cái từ lâu hắn ao ước thèm muốn ghê gớm nhưng chẳng bao giờ có được. Bây giờ trên màn ảnh ảo kia có đủ cả, chỉ sợ không đủ thì giờ, không đủ công sức để hưởng thụ mà thôi. Hắn trở nên ghiền và ham thích internet một cách kỳ lạ. Thế là hắn càng yêu say đắm nàng PC của hắn để rồi hắn như quên hẳn cô vợ vừa trẻ vừa đẹp nõn nà mơn mỡn bằng xương bằng thịt đã cưới nhau mấy năm nay, đêm đêm lạnh lùng chiếc bóng trên chiếc giường cô đơn luôn ước có được một mụn con để ẳm bồng. Cứ thế hắn lao mình phóng tới trong nổi đam mê như người đang trong cơn ghiền ma túy.
Cứ thế, sức khỏe hắn ngày mỗi kiệt. Đi khám, bác sĩ bảo hắn bị nám hai lá phổi trầm trọng. Nếu không chữa trị ngay, có thể trở thành lao chỉ còn chờ ngày chết. Bác sĩ khuyên hắn ăn uống nghỉ ngơi điều độ, không thức đêm, bớt cà phê thuốc lá, không suy nghĩ vẩn vơ. Vợ hắn luôn tỏ dấu bất bình về nếp sinh hoạt hằng ngày của hắn từ khi hắn khởi sự xây mộng. Bây giờ có thêm cái PC bên cạnh, vợ hắn càng lồng lộn ghen tức. Chồng gì coi computer còn hơn vợ. Lúc nào cũng ôm cái máy không rời một phút. Việc nhà, vợ con...tất cả chẳng hề để mắt đến, cứ phớt lờ tỉnh bơ. Nào ai mà chịu nổi. Cứ mãi mê không nghe, vợ hắn sẽ giao nhà mà ở một mình thì đừng có trách. Lúc sau này trong gia đình thường có sự bất hòa giữa hai người. Từng đêm vợ hắn nhắc chừng hắn phải uống thuốc, đi ngủ sớm giữ sức khỏe. Chuyện văn chương chữ nghĩa thơ phú, mộng lớn, mộng con tào lao thiên địa gì đó hãy dẹp nó qua một bên cho yên chuyện. Lúc nào vợ hắn cũng dọa nếu hắn không nghe, không còn yêu thương nhau thì đường ai nấy đi, chứ sống như thế này vợ chồng không hợp ý, không chăm sóc, không vun vén tình cảm cho nhau thì đâu còn gì là hạnh phúc.
Những ngày đầu hắn vâng lời bác sĩ, vâng lời vợ răm rắp. Hắn cũng biết sợ lắm. Sợ bị lao phổi là đời sẽ tàn, chết non. Sợ vợ hắn chán bỏ đi lấy chồng khác, đời hắn lại càng khổ hơn. Vợ hắn cũng đâu đến nổi xấu gái. Nàng một cô gái có học, có sắc, duyên dáng, nết na đâu thua gì ai. Sợ, nên hắn quyết định đi ngủ sớm, giảm cà phê, thuốc lá, không suy nghĩ vẩn vơ, uống thuốc đúng giờ giấc, cố quên bớt đi những đam mê, siêng năng tập thể dục để phục hồi sức khỏe. Lòng thì có hạ quyết tâm theo lời dặn bác sĩ, và chiều theo ý vợ, nhưng từng đêm qua từng đêm nằm trên giường, bên cạnh cô vợ trẻ nõn nà, mà nào hắn có ngủ được. Khó ngủ vô cùng. Hình như giấc ngủ đối với hắn là một cực hình. Bao lâu rồi, dường như đã quen rồi, đêm cũng như ngày, giấc ngủ đến với hắn thật hiếm hoi. Nằm trên giường mà đôi mắt hắn cứ mở thao láo nhìn bâng quơ, mà tâm hồn, trí óc luôn cuồn cuộn xoay tròn trong sự nghiệp lớn đang dở dang. Đôi lúc hắn nhìn sang vợ nằm bên cạnh trong lớp quần áo mỏng khêu gợi phơi bày cơ thể no tròn chin mùi, đầy những đường nét qưyến rũ mời mọc, khiêu khích nhưng nào hắn chẳng hề có cảm giác thèm khát mà lại càng thấy ghét cay ghét đắng vợ hắn. Tâm tư hắn giờ cứ đang quay cuồng trong thao thức, trong trằn trọc với bao nổi thèm khát mọi công việc cho sự nghiệp thơ văn đang tiến hành đến độ dại người ra. Bao nhiêu những việc đã làm, phải thực hiện trong thời gian qua đang còn dở dang cứ ùn ùn hiện ra trong đầu óc thôi thúc hắn đến điên người. Thời gian sau này, thơ văn của hắn đang lai rai có mặt trên một số báo trên trời, báo dưới đất. Sự nghiệp văn thơ của hắn đang nở rộ đầy màu sắc lung linh hấp dẫn. Chân trời phía trước chan hòa ánh sáng long lanh và con đường đi tới đầy hoa thơm cỏ lạ, bừng nở giấc mơ vẩy tay chào mời hắn trở lại thật nồng nhiệt.
Cố gắng nhẫn nại trong cuộc sống chừng mực để dưỡng sức khỏe và làm vừa lòng cô vợ trẻ đâu được hơn tuần lễ hắn đã không còn chịu đựng nổi. Hắn liền phân giải và năn nỉ vợ :
- Em à ! Mỗi đêm sau khi cơm tối xong, em hãy để cho anh tự do công việc của anh đến 10 giờ là anh đi ngủ, sáng 6 giờ thức dậy đi làm, 4 giờ chiều về nhà. Như thế, mỗi ngày anh ngủ được 8 giờ là tốt ghê gớm cho sức khỏe rồi đấy, chứ không dám thức suốt trắng đêm như lúc trước. Em đồng ý với anh được chưa ?
Nghe hắn giải bày, vợ hắn càng thêm ghét :
- Em chỉ yêu cầu anh giữ gìn sức khỏe. Anh không qúi sức khỏe, chết ráng chịu. Có sức khỏe anh mới làm được chuyện khác. Đang bị bệnh phổi như thế mà cứ ham. Dưỡng sức, nghỉ ngơi một thời gian đi có được không ? Nếu anh không nghe, em không nhắc nhở nữa, anh thích thì anh cứ làm.
Hắn cười, khoe với vợ :
- Gần tuần nay anh cảm thấy khỏe trong người em ơi. Sức khỏe anh vẫn tốt, em chớ quá bi quan.
- Bệnh phổi là như thế. Khỏe đó nhưng chết bất ngờ lúc nào chẳng hay. Vi trùng phá nát hai lá phổi của anh chỉ một thời gian ngắn thôi. Không chừng anh lại lây nhiễm sang em.
Nghe vợ nói, hắn vội đề nghị :
- Hay là vợ chồng ngủ riêng một thời gian đi em, anh sợ lây em. Chừng nào hết bệnh thì hãy chung giuờng. Được chứ em ?
- Cũng được thôi. Anh phải lo thân anh. Nói mãi anh không nghe, em đưa anh đi bệnh viện và cách ly anh trong khu vực những người bệnh lao chịu hôn ?
Giọng hắn nghe thật thiểu não :
- Đừng ! đừng em ơi ! vào đó là anh chết sớm. Tội nghiệp anh.
Nói là nói, hắn cũng cố gắng giữ được đâu vài tháng đầu. Nhân cơ hội vợ một phòng, chồng một phòng, thưa dần sự để ý giờ giấc của vợ, nổi đam mê của hắn lại bắt đầu kéo rê thì giờ ngồi trước computer đến hai ba giờ sáng mới vào giường, có hôm hứng thú hắn thức đến sáng. Thỉnh thoảng vợ hắn bắt gặp lại cằn nhằn la lối, nói nặng nói nhẹ.... hết hồi rồi đâu cũng vào đó. Vợ hắn mệt mỏi bất lực chẳng biết nói sao, đành phó mặc.
Những tháng sau đó, bệnh của hắn chẳng khá hơn. Đôi lúc hắn mệt ngất với cơn ho thốc, ho tháo và khạc ra cục máu đen ngòm. Hắn cảm thấy trong người đổi khác hơn trước. Mệt mỏi, bần thần, giảm dần sinh lực, chẳng còn thiết gì đến công việc. Hắn lén vợ đi bác sĩ khám, chụp hình phổi lần nữa. Kết quả bác sĩ bảo hắn bị lao. Giờ thì hắn mới thức tỉnh cho nổi đam mê phí sức của mình. Sự nghiệp văn chương, văn học, mộng lớn, mộng bé đang còn ngoài tầm tay vói, để chỉ đánh đổi được hai lá phổi có vi trùng lao. Tuôn đổ công sức, tiền bạc, cuối cùng chẳng thu được một hào. Văn, thơ đăng báo, ngồi ngóng chờ, cứ tưởng là được nhận tiền nhuận bút, chỉ là chuyện hư ảo, đừng bao giờ mơ đến. Hắn vỡ mộng.
Một buổi chiều đi làm về, hắn thấy nhà vắng tanh. Mở cửa trước cửa sau, vào các phòng chẳng thấy bóng dáng vợ. Hắn hoảng hồn gọi tên vợ ầm nhà, chẳng có tiếng đáp trả. Quần áo, vật dụng riêng tư của vợ đã không còn nữa. Cuối cùng hắn đọc mảnh giấy nhỏ của vợ ghi mấy hàng để lại :’’ Anh ! - Chúng ta sống đã không có hạnh phúc, nên chia tay là hơn. Cưới nhau hơn bốn năm anh chẳng bao giờ ngó ngàng gì đến em. Cho đến giờ này em ước mong có một đứa con, nhưng vẫn chưa đạt ước muốn. Sức khỏe của anh hiện thời đáng quan ngại. Em đã hết lời khuyên lơn, anh chẳng nghe, em đành bất lực. Thôi thì tùy anh, và em để anh được tự do cho sự nghiệp của anh đang ôm ấp. Em ra khỏi nhà vẫn chưa biết đi đâu, nhưng có thể cũng trở về Việt Nam với gia đình ba má. Anh đừng bao giờ hoài công tìm kiếm em. Em không để anh gặp mặt em đâu. Lời cuối cùng em khuyên : Anh hãy giữ gìn sức khỏe. Em nói, anh phải nghe em. - Em.’’-
Đọc xong những hàng chữ vợ viết để lại, hắn ngẩn ngơ như kẻ mất hồn. Hắn ngồi phịch xuống ghế ôm đầu rên rĩ thảm hại. Tất cả đều do mình gây nên. Những gì bất cập thái quá thường gây tác hại khó lường được. Hắn đã vấp ngã để đánh mất những cái quí giá nhất trong tầm tay. Hắn nhận ra rằng bấy lâu nay hắn chưa làm chủ được bản thân để phải vụng về sử dụng thời gian không hợp lý. Vợ hắn bỏ hắn ra đi là dấu hiệu cảnh báo hắn thức tỉnh. Bao nhiêu lần hắn hạ quyết tâm sửa đổi, và bây giờ hắn đoan quyết một lần cuối để bảo vệ, gìn giữ hạnh phúc gia đình. Có sức khỏa mới thành công trong sự nghiệp.
Điều ưu tiên là chữa dứt bệnh, bồi dưỡng sức khỏe. Cấp thời đi tìm vợ năn nỉ, xin lỗi để vợ chồng sum họp, cùng chăm sóc hạnh phúc cho nhau. Văn thơ sự nghiệp gác qua một bên đến một thời điểm khác nếu có thể được trong mức độ vừa phải.
Hắn nhìn những chồng sách báo cao nghệu chung quanh hắn, các bài viết, những trang giấy, những cây viết...nằm la liệt trên bàn, trên kệ...chiếc computer đang trước mặt như thách thức hắn. Tất cả hắn cảm thấy không còn sức hấp dẫn. Chuyện hắn phải làm ngay là tìm giấy viết đơn xin phép công ty nghỉ một tuần lễ về Việt Nam tìm và đưa vợ về lại gia đình.
Hắn mỉm cười bằng lòng theo dự tính hợp lý của hắn.-

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2009

LÀM ĐẸP VỚI CÀ PHÊ ĐEN


Cà phê là thức uống khoái khẩu và quen thuộc của một số người, nhưng ít ai ngờ có thể dùng cà phê như một nguyên liệu chính để "chế" mỹ phẩm làm đẹp.

Bí mật của mái tóc dài và đen bóng

Cách làm thật đơn giản, chỉ cần pha cà phê với nước nóng, để nguội đến độ vừa ấm, không nên để nguội quá, sau đó làm ướt tóc bằng cà phê, ủ tóc 20 phút rồi gội sạch. Chẳng lâu sau mái tóc của bạn sẽ có thể đen bóng như ý muốn.

Trị mắt thâm quầng và sưng phồng

Làm việc lâu bên máy tính, thức khuya chính là nguyên nhân khiến mắt xuất hiện những quầng thâm đen hay sưng mọng. Với đôi mắt như vậy chắc hẳn sẽ khiến bạn mất tự tin khi xuất hiện trước đám đông, hoặc cản trở bạn trong quá trình trang điểm. Muốn tìm lại vẻ đẹp cho “cửa sổ tâm hồn" hãy dùng bông gòn thấm nước cà phê đen lên mắt, nằm thư giãn khoảng 10 phút. Lưu ý không rắc bột cà phê lên mắt vì điều này sẽ rất nguy hiểm.

Tẩy da chết

Tẩy da chết là cách đơn giản và hữu hiệu nhất giúp mang đi tế bào da chết và tái tạo tế bào da mới, giúp làn da trở nên tươi sáng và mịn màng. Bạn chỉ cần dùng bã cà phê thoa lên da, sau đó để khô khoảng 30 phút, tắm sạch lại bạn sẽ cảm nhận được độ mịn màng của làn da. Bên cạnh đó, bạn có thể thêm một vài giọt dầu oliu vào bã cà phê trước khi đắp lên da để có thêm tác dụng làm sạch lỗ chân lông bị bít do bụi bẩn gây nên. Đối với làn da dầu thì bạn đừng quên trộn 1/4 cốc bột cà phê với sữa chua trước đi đắp lên da. Cảm giác da nhờn bóng do nhiều dầu sẽ không còn làm phiền bạn nữa.

Khử mùi cơ thể

Xin bật mí với bạn một bí kíp trị mùi cơ thể cực kỳ đơn giản là hãy dùng bột cà phê trộn với một chút nước rồi đắp lên nách, cà phê sẽ thấm hút mồ hôi hiệu quả và khử sạch mùi hôi. Không những thế còn có tác dụng làm trắng vùng da nách, giúp bạn tự tin khi diện những chiếc áo sát nách.
Ngoài ra, bã cà phê có thể loại trừ mùi hành, tỏi hoặc mùi tanh của cá bám trên tay trong quá trình nấu nướng. Chỉ cần xát nhẹ bã cà phê lên đôi tay trong ít phút và rửa sạch với nước ấm, bạn sẽ cảm giác tay mình không còn mùi khó chịu.

Uống cà phê để ngừa lão hóa

Những nếp nhăn hay nốt đồi mồi là minh chứng rõ ràng “tố cáo” tuổi tác của bạn. Có nhiều kế sách để bạn gìn giữ tuổi thanh xuân và uống cà phê đều đặn là một trong những kế sách đó. Lý giải điều này là bởi trong cà phê có chứa những chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa và làm chậm quá trình lão hóa của da. Vậy là không nhất thiết phải xài đến những loại mỹ phẩm đắt tiền, mà thay vào đó hãy duy trì thói quen uống cà phê mỗi ngày một cách điều độ và có chừng mực để giúp làn da bạn luôn tươi trẻ. -




TÌNH...TỰ THÁN !




Nếu biết ngày nay em bỏ chồng !
Anh về mang lễ vật cầu hôn.
Trăm con dê béo, trăm thùng rượu
Trăm triệu đồng đô ! Lễ tơ hồng ..!

Nếu biết được em đã thôi chồng !
Anh về lặn xuống tận biển Đông
Bắt con cá mú lên kho tộ
Nấu cháo, dâng em để lấy lòng.

Nếu biết rằng em đã từ chồng !
Anh xây biệt thự giữa dòng sông
Xây lầu vọng nguyệt cho em ngắm...
Góp gió, gom trăng dựng tổ hồng !

Nếu biết em nay đã ế chồng !
Còn chờ chi nữa để hoài công !
Đây trai chưa vợ, anh xin mách
Giỏi giắn, siêng năng, hiến trọn lòng

Nếu biết được em đã mất chồng
Mất chồng đành phải sống long bong
Thôi thì tu quách cho xong chuyện
Chớ vấn vương gì, có sướng không ?

Khi biết em đã lẻ loi chồng !
Lẻ chồng ! Em có thiếu thốn không ?
Cùng anh, nối nhịp cầu Ô-Thước,
Mặc sức lấp đầy lỗ trống không..!

Nếu biết được em ly dị chồng !
Anh xin tình nguyện ở không công.
Đem thân khuyễn mã ra gìn giữ
Một chút hương thừa em thích không ?

Nếu biết em đã chấm dứt chồng !
Tha hồ em quậy phá đàn ông.
Quậy cho bỏ ghét, còn hơn nỗi
Chồng vắng đêm nằm vẫn trống không..!

Nếu biết em vừa thay đổi chồng !
Thay chồng, thèm của lạ phải không ?
Tây, Tàu. Marốc... tha hồ chọn
Sanh đủ màu da, sức ẳm bồng !

Em bảo rằng em chán lấy chồng !
Mày râu chiếc bóng, cảnh phòng không !
Mai đây âm phủ Diêm Vương hỏi
Em nhớ trả lời cái tội Ngông.

Em bảo em vừa mới chết chồng !
Chết chồng, dương thế lắm đàn ông...
Năm đô, một tá, tha hồ chọn
Chẳng phải lo gì ế của không !

Được biết em dại dột đuổi chồng !
Sao em mau đổi dạ thay lòng ?
Em say ân hận tình thua lỗ
Hoặc giã làm nư những bất đồng ?

Nếu biết em đoạn tuyệt với chồng !
Đừng làm đau khổ lũ đàn ông.
Đêm Đông rét buốt, rong rêu phũ
Nắng Hạ xói mòn đất trống không..!

Biết được em là gái kén chồng !
Vua, quan, sĩ, thứ cũng bằng không.
Chỉ sao ướm được người trong mộng
Mộng vỡ tan rồi, ngơ ngẩn trông..!!


Nếu biết rằng em đã có chồng,
Trời ơi ! người ấy có buồn không ?
Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ
Tựa trái tim côi rám máu hồng !
(Thơ T.T.KH.)







Nếu biết rằng em đã có chồng,
Anh về nhảy đại xuống giòng sông.
Mò tôm, xúc tép đem lên nhậu..
Nhậu quất cần câu, đở tủi lòng !


Nếu biết rằng em đã lấy chồng,
Uống liều thuốc chuột thế là xong.
Không thương, không nhớ, không in mộng !
Uổng phí đời trai, uổng tuổi hồng..!

Nếu biết rằng em đã theo chồng,
Cuộc đời tận thế, thế là xong !
Than thân trách phận mà chi nhỉ !?
Trai ế xưa nay chẳng bỏ không !

Nếu biết được em ở với chồng,
Đời còn chi nữa để mà mong !
Có chăng, cũng chỉ là mộng ảo...
Mộng vỡ tan rồi, ai biết không ?

Nếu biết em nay về với chồng,
Đâu còn chi nữa để mà mong !
Em đi bỏ lại trời nhung nhớ...!
Chua chát tim côi, chết cõi lòng..!!

Nếu biết rằng anh đã lọt tròng,
Em đừng thương nhớ đợi chờ trông.
Mơ chi một khối tình tuyệt vọng..!
Gói trọn, vo tròn vứt xuống sông...

Nếu biết anh đau đớn cõi lòng,
Đời anh là chiếc lá sầu đông.
Tim côi rạn vỡ ''Tương Tư Khúc''
Hẹn kiếp lai sinh thắm chỉ hồng