Thứ Hai, 21 tháng 12, 2009

MERRY CHRISTMAS and HAPPY NEW YEAR 2010
















Trong tâm tình mừng Chúa Giáng Sinh
và năm mới 2010,
Trang Nhà NGUYỄN THẾ HOÀNG
Hân hoan kính chúc :
- Quý Văn Nhân Thi Sĩ, Nghệ Sĩ,
- Quý Thân Hửu, Bạn Bè khắp nơi
- Qúy Độc Giả gần xa
Vui hưởng một mùa Giáng Sinh An Bình, Hạnh Phúc
và mộộ năm mới An Lành, Thịnh Vượng.
NGUYỄN THẾ HOÀNG

FOR BEST WISHES A MERRY CHRISTMAS & A PROSPEROUS NEW YEAR 2010

Thứ Hai, 14 tháng 12, 2009

HÃY BUÔNG RA !...TRẢ LẠI CHO ĐỜI






















Tận cuối hội trường, có một ông già, đứng dậy chắp tay cung kinh xin hỏi :
- Kính bạch thầy. Con hiện đang bị bệnh. Hết đau đầu đến đau khớp, đau thận, tiểu đường, cao huyết áp. Bây giờ lại bị bại một chân nữa ạ! Suốt đêm qua con trằn trọc mãi không sao ngủ được do bệnh nó hành hạ xác thân… Cúi xin thầy thương xót chỉ bảo cho con làm sao cho hết đau bệnh? Xin thầy cầu nguyện Đức Phật gia hộ cho con được hết bệnh, khỏe mạnh như xưa…
Thầy lên tiếng nhỏ nhẹ, thong thả nói :
- Thưa bác, thưa đạo hữu. Đức Phật đã dạy: Cõi thế gian tràn đầy đau khổ! Trong đó có định luật: SINH, LÃO, BỆNH, TỬ thì đau khổ vô cùng mà bác thì đang đi vào giai đoạn “Bệnh tật”, tức giai đoạn “Hư hoại”. Vạn vật là thế; tất cả đều bị luật “Vô Thường” chi phối. Chẳng hạn như cái áo bác đang mặc, khi mới mua về, vẻ đẹp đẽ, mềm mại, óng mướt, tươi thắm… Nhưng nay bác mặc đã lâu rồi; màu đã bạc, gấu đã sờn, vai đã rách và vải đã mục. Nó đang ở tiến trình hư hoại! Không có gì có thể còn mãi được, vì bản chất tự nhiên là như vậy, mà thân xác bác cũng đang như vậy. Ngay khi bác mới sinh ra thì bác xinh đẹp, rồi bác lớn lên khỏe mạnh. Giờ đây bác đang già yếu và đang ở thời kỳ bệnh hoạn (Sanh, Trụ, Hoại, Diệt). Vậy bác phải chấp nhận điều đó, bác hãy thấu hiểu bản chất của nó, để bác phải chấp nhận nó mà sống an lạc với nó, dù nó ở bất cứ giai đoạn nào. Bây giờ thân thể của bác đang bắt đầu suy yếu, hư hoại theo tuổi đời chồng chất. Thì bác đừng cưỡng lại điều đó, vì đó là qui luật tự nhiên của thân xác. Chân lý không bao giờ thay đổi đó là: Sinh ra > Già cỗi > Bệnh hoạn > Rồi chết đi! Không cách chi làm khác đi được. Thời gian vận hành của định luật đã chín mùi rồi đấy bác ạ !
- Ông già đó nói tiếp :
- Bẩm thầy, nhưng con chưa muốn chết vội, vì con và cháu của con chưa khôn lớn. Nhất là còn nhiều công việc con đang làm dở dang chưa hoàn tất, con cần giải quyết cho xong đã.
- Ồ! Tất cả chỉ là vậy, bác chẳng làm gì khác hơn khiến bác phải lo lắng. Công việc của thề gian, bác hãy để mặc thế gian cho họ tự giải quyết lấy. Bác nên hiểu rằng: Giầu hay nghèo, già hay trẻ, đẹp hay xấu, người hay vật. Bất cứ ai, bất cứ vật gi, bất cứ ở đâu cũng không thể giữ mãi tình trạng nguyên thủy như lúc ban đầu được. Mọi người, mọi vật đều phải thay đổi khác đi theo một định luật: Sinh, Trụ, Hoại. Diệt mà không cách chi sửa đổi được. Điều mà bác có thể làm được là bác tự quán chiếu, soi rọi về thân xác và tâm thức của bác, để bác thấy tính: “Vô ngã” của vạn vật. Để không thấy có cái gì là “Tôi hoặc là của tôi”, mà chỉ là giả có, tạm có mà thôi (Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. = Cái gì có hình có tướng, đều là giả có, chứ không thật có). Ngay như nhà cửa, sự nghiệp, danh vọng, vợ, chồng, con cái của bác cũng chỉ là: “Của bác trên danh nghĩa, chúng không thực sự thuộc về bác. Chúng thuộc về tự nhiên!!! Như lời bác vừa cầu mong, chẳng những không đạt được. Thân bác vẫn đau đớn như thường và cách suy nghĩ sai lầm của bác còn đau khổ hơn nhiều nữa. Vì cầu mong mà không được là khổ (Cầu bật đắc khổ). Bởi vậy, bác phải nhìn mọi thứ đúng theo bản chất của nó và đừng níu kéo nó, đừng tiếc thương nó : HÃY BUÔNG NÓ RA - HÃY TRẢ LẠI CHO ĐỜI ! Bác hãy rũ sạch mọi thứ bên ngoài. Bác hãy “Buông ra!”. Bác đừng bám víu vợ, chồng, con cái, quyến thuộc, tài sản, công danh… Vì nhưng thứ đó bác không thể mang theo được, hoặc bác không “buông”, thì nó cũng phải “buông” bác mà thôi. Cho nên bác “Hãy Buông Ra!”, bởi mọi thứ đều Vô Ngã: “Không tôi và Không của tôi”. Tất cả rồi sẽ biến mất; chẳng còn gì. Bác phải nhận biết cho bằng được điều này, và sau khi biết rồi thì bác hãy ‘buông’ tầt cả. Đừng bận tâm về con cái, bây giớ chúng còn trẻ. Rồi mai này chúng cũng sẽ già cả y như bác ngày hôm nay. Không ai trên thế gian này có thể trốn thoát được định luật: sinh tru hoại diệt... Nếu bác “Buông ra” được mọi thứ thì bác mới thấy được chân lý. Vậy bác đừng lo lắng và đừng ôm giữ bất cứ điều gì thì bác sẽ thanh thản trong mọi tình huống bác ạ !
Ông già hỏi nữa :
- Bẩm bạch thầy, nghe thầy dạy dễ quá, nhưng làm sao con ‘buông ra’ cho được ?
- Nếu bác ‘buông ra’ không được thì bác sẽ vô cùng đau khổ. Vì không ‘buông ra’ cũng chẳng được. Bởi mọi thứ nó không thuộc về của bác, kể cả chính xác thân bác nữa. Lúc này bác hãy tập trung tâm tưởng, để cho nó được an nhiên tự tại, còn mọi việc đã có người khác lo. Bác hãy tự nhủ lòng rằng: “Chung sự” (Tôi hết việc rồi )- Tư tưởng ham sống lâu sẽ làm bác đau khổ. Cho dù bác mong muốn thiết tha tới đâu cũng chẳng được. Muôn sự đều vô thường và luôn luôn không cố định… “Sau khi sinh ra > Nó biến hoại > Sau khi sinh ra > Nó diệt đi ! Đức Phật cũng thế, bác và cả bàn dân thiên hạ cũng đều như thế. Vậy mà bác muốn xác thân bác còn mãi sao được? Bác hãy nhìn vào hơi thở thì biết. Nó đi vô rồi lại đi ra, bản chất của nó là vậy. Bác chẳng thể ngăn cản sự đi ra và đi vô của nó được. Bác thử nghĩ coi: “Có thể nào bác thở ra mà không thở vào được chăng?”. Tức là hơi thở nó đi vào, rồi nó lại đi ra. Khi nó ra rồi thì nó lại phải đi vào. Tự nhiên là như vậy, không cách chi làm khác được. Y chang sự quá trình bác sinh ra > rồi già nua > rồi bệnh tật > rồi chết đi ! Đó là điều hoàn toàn tự nhiên và bình thường… Nếu bác không sinh ra, thì lấy gì bây giờ bác bị đau bệnh! Và lấy gì để mai mốt bác chết! Bác có hiểu điều đó không ???
- Kính bạch thày, con ngộ được những gì thầy vừa dạy, nhưng con vẫn lo sợ quá chừng!
Thầy cầm ly nước uống nhấp giọng, đoạn thầy nói thêm :
- Bác nên hiểu rằng: Vạn sự ở đời là như vậy, khi bác nhận thức được đúng đắn thì bác đừng do dự: “Hãy buông ra tất cả, hãy dẹp bỏ tất cả”. Dù bác không buông nó ra thì mọi thứ nó cũng bắt đầu buông bác ra đó. Này nhé! Như những bộ phận trong cơ thể của bác nó cũng đang muốn rời xa bác đấy. Vì những bộ phận ấy nó đã sống đủ thời hạn với bác rồi, nên nó sắp ra đi đó. Bản chất của nó là: “Đã đến, thì phải ra đi”. Bởi thế gian là không có sự bình thường hay mãi mãi, dù bất cứ ở đâu, bất cứ thời nào, bất cứ thành phần giai cấp nào; người giầu có, kẻ nghèo khó, người lớn cũng như trẻ nhỏ, người có học cũng như người thất học…v.v. Cũng không thể có sự bình thường được. Ai ai cũng phải xoay vần theo luật “Vô Thường” chi phối. Quán triệt được điều đó, bác sẽ chả còn quyến luyến bất cứ sự gì. Bác hãy ‘Buông ra” chứ không còn nắm giữ được nữa, ví có giữ cũng chẳng đặng. Bác buông ra, thì tâm bác sẽ thảnh thơi; không buồn mà cũng chẳng vui, không khiếp sợ và cũng chẳng liều lĩnh. Lúc bấy giờ lòng bác sẽ an ổn với trí tuệ hiểu biết: “Vạn vật không bao giờ có thể thường còn mãi mãi được”. “ĐẶC TÍNH PHẢI ĐỔI THAY CỦA VẠN VẬT, KHÔNG BAO GIỜ THAY ĐỔI”. Nếu bác có nhiều thứ, bác sẽ phải bỏ lại nhiều thứ. Nếu bác có ít thứ, bác sẽ bỏ lại ít thứ; giầu có là giầu có, nổi danh là nổi danh, sống lâu là sồng lâu… chẳng có gì khác biệt, mọi sự cũng thế thôi ! Vậy bác hãy buông nó ra, buông cho đến khi nào tâm trí bác an lạc! Mọi sự bác không còn cảm thấy khổ đau hay sung sướng. Mọi thứ bác không còn thấy là của bác nữa; Sung sướng và khổ đau cũng đểu Hoại, Diệt và Mất tiêu như nhau… Duy chỉ có một thứ là còn và còn vĩnh viễn là của bác. Đó là “Phật tánh” là vĩnh cửu của bác mà thôi.
- Kính bạch thầy, con đã ngộ !!!
- Vậy sao! Bác giải thích xem nào ?
- Thưa thầy, chỉ có định luật: Vô Thường” là bất biến, là vĩnh cửu, là thường còn. Ngoài ra, tất cả các Pháp; muôn vàn vạn sự ở đời này đều luôn luôn biến đổi không bao giờ ngừng. Chẳng hạn như: *THÂN VÔ THƯỜNG: Nay khỏe mạnh, mai ốm đau. Nay đang sống, mai đã chết… *TÂM VÔ THƯỜNG: Nay đang mến thương nhau, mai chuyển sang hận thù ân oán nhau… *TÀI SẢN VÔ THƯỜNG: Của cải nay còn, mai hết. Tức là tiện nghi vật chất không thể tồn tại mãi được… Vật thể này biến đổi chất liệu thành ra vật thể khác. Sự vật không bao giờ cố định cả.
Thầy cười hoan hỷ, đoạn thầy hỏi:
- Đúng, bác hiểu khá đấy, như vậy bác sẽ làm gì khi bác hiểu như vậy?
- Kính bạch thầy, con sẽ buông ra tất cả mà không bám víu vào bất cứ điềi gì trên thế gian này. Để mọi sự chảy xuôi như dòng nước. Tính của nước luôn chảy xuống chỗ chũng (thủy lưu tại hạ), dù chỗ đó là đất hay cát, hoặc ruộng vườn. Bản chất của nước là như vậy, con cũng phải giữ tâm như vậy. Tại sao? Bẩm thưa thầy, bởi nước luôn chảy một cách tự nhiên xuống chỗ thấp mà không có cách nào cho nó chảy một cách tự nhiên lên trên cao được. Đó là định luật của càn khôn vũ trụ mà thầy vừa chỉ dậy cho con.
Ông già ngạc nhiên thưa :
- Kính thưa thầy, con ngỡ là thành Phật khó lắm chứ! Đâu đơn giản như thầy vừa nói ?
- Phật đã có sẵn ngay trong bác rồi. Nguời đời thường mang ông Phật thật, đi tìm kiếm ông Phật ở ngoài, ở chốn xa xôi không sao thấy được, để cầu xin van vái… Trong lúc ông Phật ở ngay trong mình thí lại bỏ quên.
- Bạch thầy, con vốn ngu tối xin thầy khai thị cho con được rõ ràng hơn, chứ thầy nói như thế làm sao con hiểu được.
- Có khó gì đâu: “Phật Tức Tâm”. Mọi người trong chúng ta đã có sẵn một ông Phật ở trong ta rồi. Nhưng vì u mê tăm tối, nên tham lam: Sắc, Tài, Danh một cách vô độ mà không hiểu rằng những thứ đó do nhân duyên giả hợp tạm có. Hợp rồi tan, sinh rồi diệt! ngay như xác thân bác cũng tạm có đó. Rồi trở thành không đó có bao lâu ! Tựa hồ như bóng phù du, như ảo ảnh, như khói sương… Nhưng vì si mê chạy theo níu kéo nó. Nên thành chúng sinh mà thôi. Bây giờ bác đã giác ngộ và bác buông ra những thứ mà trước đây bác bám víu vì ngỡ là thật… Vậy là bác đã thành Phật rồi. Bởi Phật và Chúng sinh chỉ khác nhau có một bước : MÊ LÀ CHÚNG SINH, GIÁC NGỘ LÀ PHẬT. Phật và chúng sinh, chỉ khác nhau có vậy. Ví dụ: Ông bà thân sinh ra bác, cho bác ăn học tới nơi tới chốn; là con người trí thức đàng hoàng... Nhưng vì u mê! Bác ham chơi, đàn đúm với chúng bạn, sa đà say sưa trác táng, hưởng thụ thú vui vật chất, dẫn đến sa đọa hư hỏng. Khi ấy, bác là kẻ tồi tệ xấu xa… Nay gặp duyên may bác giác ngộ. Thấy được lẽ thật. Bác bỏ con đường hư thân mất nết, trở lại con người thật của mình… Với bằng cấp và kiến thức có sẵn của mình. Bác tận tụy làm ăn, liêm chính, giữ uy tín đạo đức… Là bác trở thành người cao sang, quí phái… Như vậy, một con người của bác có hai giai đọan : a) Giai đoạn 1: Bác là kẻ xấu xa, cho dù bác có bằng cấp là người học thức. b) Giai đoạn 2: Bác là người cao quí. Do bác giác ngộ được chân lý đạo Pháp… Tức là trước thì bác là kẻ xấu xa do u mê ! Sau bác thành người cao quí do bác giác ngộ. Nghĩa là xấu xa hay cao quí chỉ khác nhau có u mê hay giác ngộ mà thôi. Và Phật hay chúng sanh cũng chỉ khác nhau có thế… Đoạn thầy đọc bài kệ :
Chiều nay lộng gió thu về
Lá vàng tơi tả tràn trề khắp nơi.
Đời người như hạt sương rơi .
Lung linh một thoáng mặt trời chiếu tan .
Thân em như đóa hoa lan
Ngườì đời yêu thích muôn vàn đắm say
Nhưng rồi chẳng được bao ngày
Cánh hoa tàn úa đổi thay hoàn toàn.-








Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2009

VẦNG TRĂNG 16


VẦNG TRĂNG 16














Vầng trăng mười sáu pha màu úa
Hay bởi hồn trăng cũng héo phai
Dạ nguyệt long lanh hương sắc ngọc
Cũng mờ bóng nguyệt bởi làn mây

Đêm nay khép nép bên khung cửa
Ngắm ánh trăng thề để tủi thôi
Trăng hởi ! cùng tôi bầu bạn nhé !
Bởi trăng sầu héo khác gì tôi...


Trăng đêm nay sao trăng buồn thế
Đóa hoa lòng khép nép cùng ai ?
Hoa không tên, cánh hoa phong nhụy
E ấp ven rừng đợi nắng mai

Hoa không tên, cánh hoa màu nhớ
Gói nỗi ân tình nửa trái tim
Nửa vầng trăng sầu vương mái tóc
Thương đau rồi cũng chỉ lặng im !

Nửa trái tim yêu không đủ ấm
Sưởi lòng góa phụ dõi bến mơ
Thôi nhé ! người ơi thôi mộng tưởng
Tình yêu không ngõ ngách mong chờ.

Dẫu rằng bến ấy xa xôi quá
Mà cõi lòng như đã khép rồi
Như cánh hoa trôi trong biển sóng
Như vầng trăng khuất nẽo mây trời..!

TRÁCH HỜN !

Trong tâm thức tâm hồn em ngự trị
Linh hồn em nở rộ giữa ngàn hoa
Em ngoảnh đầu quay lại những ngày qua
Tìm hình bóng luân lưu trong ký ức...

Bao nuối tiếc là bao nhiêu đẩm lệ
Bao trang thư đau đớn xé hồn em
Em biết anh đâu còn nghĩ đến em
Để còn được đậm đà hương ân ái !


Tình mơ mộng có là tình diễm tuyệt
Tim đọa đày có là trái tim yêu
Chân ngập ngừng giữa phố vắng đìu hiu
Nhớ về anh mưa cuối tuần tuôn đổ

Người đã cho em thật nhiều ân ái
Người đã xa em để nhung nhớ lên cao
Tình cô đơn đêm thao thức nghẹn ngào
Nếu biết thế đừng bao giờ gặp gỡ !

Người yêu ơi ! có thấu chăng người hởi ?
Khối tình si đang nghiền nát tim ai
Hương ái ân từ lâu đã nhạt phai
Có quay lại để không còn hờn trách.. !?

NIỀM RIÊNG



Tuổi xế chiều sao còn lắm mộng
Những vui buồn khép kín trong tim
Cõi riêng tư gói trọn nỗi niềm
Để nắng mưa không còn trở ngại

Hằng đêm ngắm sao trời vô định
Thân phận loài hoa dại bùn ao
Còn có gì vui thú tự hào
Xin chúc lành ai kia lỗi hẹn..!












Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2009

NGHỀ XUẤT NGOẠI











Tôi đi Tây về !

Câu đơn giản thế nhưng lanh lảnh như tiếng chuông mới đúc. Chữ “Tây” không chính xác về địa lý nhưng chuẩn xác về sự phân chia cấp bậc cũng như cái nhìn trong xã hội. Có điều tôi chỉ đi “Tây” Nga về chứ không “Tây” Mỹ, “Tây” Úc hay “Tây” Đức, Pháp… Cái “thiệt thòi” hôm nay là “ưu đãi” trước kia của Bộ đại học dành cho tôi. Chả gì nước Nga cũng “ông anh cả” của Việt nam – “nước cộng hòa thứ 16 của Liên xô”.Tôi là kỹ sư kinh tế ở Nga về. Nghe không vang như câu trên. Phải thôi. Kinh tế Nga chục năm nay lu mu, chả ra “kế hoạch quốc gia”, chả ra “kinh tế thị trường”. Sách vở là phương tiện cãi nhau của các nhà “đổi mới”. Năm năm đèn sách nhét thứ đó vào đầu không ngớ ngẩn là may.

Tôi mang chiếc bằng đi xin việc. Đầu tiên tôi mua báo, nghiên cứu “tuyển người”, đánh dấu xanh đỏ những chỗ “khả thi” và bắt đầu gọi điện. Nhà có điện thoại lợi đủ đường. Tuy nhiên, mỗi lần “bắt” được giọng đầu dây kia, hiện tượng này chiếm 30% số lần gọi, mẹ và bà chị dâu đều “ý tứ” xem đồng hồ.

Nào tôi có ham “nấu cháo điện thoại” mà tại phí điện thoại “cấu” vào đồng lương gớm quá. Tôi đi Tây, tưởng “kinh tế” cho gia đình mấy năm sinh viên. Nào đâu đúng thời kỳ khó khăn. Việt nam qua thời “tem phiếu” từ lâu mà nước Nga bắt đầu “talon”*. Tháng 2 kg đường, 7 lạng thịt, 2 chai vôtka là tiêu chuẩn sinh viên! “Talon” đường, rượu tạm đủ còn thịt thiếu nặng. Ra chợ, có đấy, nhưng học bổng eo hẹp. Chẳng nhẽ để con gái chết đói ở đất nước Xã hội chủ nghĩa, mẹ tôi đành tiếp viện. Năm năm “hạch toán” ra chắc cũng lõm của mẹ tôi ối.

Biết thân, biết phận, về nước tôi không dám làm mình, làm mẩy “quen ở Tây” thế nọ, thế kia. Chỉ duy nhất cái “màn tra tấn” 6 giờ sáng bị khua bằng đủ âm thanh “nội” “ngoại” là tôi “choáng” hẳn. “Nội” là tiếng mẹ tôi mở cửa sắt đi tập thể dục, chị dâu tranh thủ sáng có nước bơm giặt giũ. Xô chậu “duyệt binh” xủng xoảng ra trữ nước dùng trong ngày. “Ngoại” là tiếng rao bán. Từ “mỳ nóng”, “bánh cuốn”, “xôi” các loại đến gạo tẻ, gạo nếp “tên tuổi” nghe như tiếng Thổ, hoặc mắm muối kèm mùi khó tả… Điên nhất là ông mãnh “mỳ nóng” sáng nào cũng như “đồng hồ Tây”. Nó đứng dưới cửa sổ tôi gào “mì nóng” lanh lỏi, kết thúc bằng chữ “ròn”. Chao ôi, khâm phục độ nẩy của lưỡi nó. Đồ rằng, cả miền Bắc có mình nó biết phát âm chữ R! Không trốn được những âm thanh đó, tôi chúi đầu vào đống chăn chịu đựng qua “cơn bĩ cực”.

Nhưng giờ “thái lai” đến là lúc mẹ tôi đi tập thể dục về. Nhìn con gái còn “giương đò”, bà lại ca “dậy sớm có lợi cho sức khỏe” là lá la… Thôi thà dậy béng cho xong.Chuyện xin việc không thể gọi điện thoại. Tôi đã qua bài học thứ nhất khi tổng kết thông tin qua điện thoại là con số 0 tròn trĩnh. Mấy người trực điện thoại hoặc nhấm nhẳng hoặc chẳng trả lời câu nào cho ra hồn.

Tôi mò tới “Trung tâm giới thiệu việc làm” và thấy ngay mình là con ngớ ngẩn. Vừa lộ “tốt nghiệp ở Nga về”, họ hỏi ngay:

- Sao không ở lại, về làm gì?

- Làm việc..

- Việc gì mà làm?

Tôi trố mắt nhìn họ, thầm điểm lại xem mình có vào nhầm chỗ.

- Ở đây không giới thiệu việc à? Sao ngoài kia cả chục người làm hồ sơ ?

- Họ làm hồ sơ xin đi ra nước ngoài lao động, làm ăn. Đi Hàn quốc, Libi, Iran… có cả đi Nga đấy. Cô có muốn…

Tôi xua tay cám ơn rồi chuồn thẳng ra cổng.Bài học thứ hai. Tránh lai vãng ở “Trung tâm giới thiệu mờ ám”. Không khéo bị lẫn vào hàng ngũ các cô gái “sính” chồng Đài Loan.

Sau hai bài học, 50% nhiệt tình “phục vụ đất nước” đã đi tong. Tôi chuyển sang “xu hướng” nghe ngóng chứ không đâm đầu làm theo báo nữa. Người thân mong ngóng tôi về sau những năm xa cách, qua 5 tháng, tình cảm cũng vơi đi. Đến mẹ tôi còn sốt ruột khi thấy con gái thất nghiệp nằm chỏng gọng ở nhà. Bà rỉ rả “nhàn cư vi rồi đấy con ạ”.

Đúng quá, nhàn đến “rách việc” đây. Sáng chiều cơm nước. Từ ngày tôi về, tự dưng “Osin” về quê. Chả hiểu bà chị dâu tốt nghiệp khoa kinh tế ở đâu mà giỏi tính thế. Tôi hậm hực cũng chịu, nhăn nhó mẹ tôi chả “hát” nửa tiếng đến ong thủ mất.

Bạn bè, đứa có việc đi cả ngày, đứa chưa có việc lại có người yêu, chồng con. Tôi trơ thổ địa, chẳng nhẽ trách ông Trời. May còn dăm ba đứa “lơ lửng giữa trời”. Tối tối tôi xách xe chạy qua nhà chúng tán gẫu, chia xẻ “mánh khóe sống đời”.

Tôi hiểu giờ người ta xin việc là xin vào chỗ có “mầu”. “Mầu” là bổng lộc. Khoản này không thể có ngay khi mới làm mà phải nhích lên “lão làng”. Không phải ai cũng nhấp nhổm lên được. Chỉ những “tinh hoa” thôi. “Mầu” nữa là “mầu đi Tây” theo suất “nâng cao”. Tụi bạn tôi may mắn có việc thấy chí tiến thủ của chúng nhuộm sắc “hướng ngoại”. Chúng cong mông theo các lớp tiếng Anh, tiếng Pháp như lũ “sống gấp”, xem ngoại ngữ là cái “cánh” mang chúng ra bầu trời tự do.

Sau mấy tháng “thất nghiệp” từ một con “Nga ngố” tôi kết hợp tính nói thẳng, nói thật của Tây với ngoa ngoắt của mấy bà hàng rau, hàng thịt mà mỗi ngày hai lần tôi nhẵn mặt thành một dạng “củ chuối” mà mẹ tôi không chấp nhận được. Bạn bè bầu tôi là “huấn luyện viên phụ huynh” tầm cỡ. Từ chỗ mẹ tôi muốn lấy lại hình ảnh đứa con gái út thùy mị của trước ngày đi Tây, chuyển sang tôi “biến” bà phải chấp nhận triết lý “cái gì cũng có thể với con gái mình”, thậm chí là cướp biển! Một kết quả đôi bên cùng có lợi. Tôi được tự do, mẹ tôi khỏi thấp thỏm khi khuya khoắt. Nhưng một cái lợi nữa mà tôi chưa lường được. Tình trạng “bụi đời” của tôi khủng bố tinh thần cả nhà nên họ huy động toàn bộ các mối quen biết họ hàng từ “bắn đại bác” đến “phi dao” để tìm việc cho tôi.

Vào một bữa cơm chiều, ông anh trai yêu quý thông báo một tin quan trọng rằng ông giám đốc, bạn cũ hồi phổ thông, dù mới tìm lại nhưng có nhiều duyên nợ, nhận tôi vào công ty ông ta. Mà đó là công ty nhà nước trăm phần trăm, thuộc Bộ khoa học và Công nghệ môi trường cơ mà. Cả nhà xôn xao, khởi sắc. Tôi cũng hí hửng như sắp thành “ông nọ, bà kia”. Thêm bài học thứ ba. Muốn xin được việc phải quen biết. Tổng quát, muốn được bất kỳ việc gì đều phải có “quan hệ”. Cứ kiểm chứng bằng những buổi tôi “đánh quả” nhà bạn bè là biết. Chị dâu hay mẹ tôi đi chợ, y rằng bọn bán hàng nó giúi cho rau già, bí xơ, thịt dai nhoách. Không có “quan hệ khách hàng thường xuyên” tôi xây dựng mấy tháng nay làm sao có đồ ăn ngon. Tôi giờ ra chợ mua cả tuần không trả tiền là cứ vô tư. Quen thế, không chừng khi nào cưới, tôi phát đại cho chúng thiếp mời cũng chẳng có gì muối mặt hết!

Ông anh giục tôi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo xin giấy chứng nhận tốt nghiệp làm hồ sơ. Tôi ngoạc mồm cãi “bằng sờ sờ ra còn chứng nhận, chứng nhiếc gì” liền bị cả nhà xúm vào sỉ vả ác liệt. Mỗi người một giọng lên lớp hòng dẹp cái thói “ngông nghênh” của tôi.

Mười giờ sáng tôi có mặt ở cổng Bộ Giáo dục và Đào tạo. “Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người” có khác, nhà cửa của Bộ đàng hoàng, khang trang. Khu vườn thênh thang giữa thủ đô tấc đất, tấc vàng nhìn sướng mắt. Tôi tiến đến khu nhà 5 tầng, bắt đầu một chuỗi những “xin lỗi chú”, “xin lỗi cô” và cuộc “việt dã” theo cầu thang. Giờ tôi mới biết người Việt nam nào có tính “nhúng mũi” vào chuyện người khác.

Tất cả các câu hỏi của tôi đều được trả lời u ơ “không rõ”, “hình như”. Tôi khùng người vì leo thang nhưng ngộ ra vì sao mẹ tôi về hưu rồi còn tập chạy(!). Cuối cùng tôi cũng mò ra phòng phụ trách lưu học sinh tốt nghiệp. Tôi gõ cửa dõng dạc, bước vào sau tiếng hừm.

Tôi chào lịch sự dù chỉ nhận lại chiếc gật hay lay động cơ cổ.

- Cô cần gì? Một trong hai người đàn ông đang đọc báo hất hàm hỏi.

- Thưa, cháu xin chứng nhận tốt nghiệp để làm hồ sơ xin việc.

- Về bao giờ ?

- Dạ, gần một năm.

- Sao giờ mới lên đây ?

- Dạ… chẳng ai bảo cháu phải lên ngay cả.

- Cô này vô tổ chức, nguyên tắc về nước phải báo cáo ngay, còn chờ ai bảo.

Bị mắng “ngứa tai” lắm nhưng bài học cả nhà dạy hôm qua còn nguyên nên tôi im như hến. Tôi rút bằng, sổ điểm cùng giấy sứ quán cấp trình ông ta.Ông ta cầm tấm bằng, không đọc mà lật qua, lật lại. Lật chán ông quay nhìn tôi. Nhìn như đánh giá mặt hàng, không khác gì tôi chọn cá. Thậm chí còn bĩu môi. Tôi nghĩ, ông này mua cá mà “thể hiện” thế, bọn hàng cá chửi cho tanh người.

Nghĩ gì thì nghĩ tôi vẫn làm mặt khép nép. Chợt ông ta ném bẹt cả bằng lẫn giấy tờ của tôi xuống bàn, hỏi gọn lỏn :

- Học gì ? Ở đâu ?

- Dạ kinh tế, trường Plekhanov ở Matxcơva.

- Học từ năm nào ? Tốt nghiệp năm nào ?

- Dạ… những điều đó có cả trong bằng rồi, sao chú còn hỏi.

- Tôi hỏi là việc của tôi. Cô không trả lời được phải không ?

Ông ta ngẩng nhìn tôi mãn nguyện. Chả hiểu ông ta phát minh được cái quái gì từ mấy câu hỏi trẻ con đó mà mắt ông chợt ánh lên ranh mãnh :

- Cô học hành cái gì. Sang chỉ lo đi buôn, bằng thì mua.

Tôi há hốc mồm còn chưa tin ông ta đang “vu cáo” mình. Ông ta dồn tiếp :

- Cô nói tôi nghe, bằng này cô mua bao nhiêu ?

Đến nước này tôi chịu hết nổi. Bao kinh nghiệm cãi nhau với mấy bà ngoài chợ chợt loang loáng trở về. Tôi vênh mặt không kém ông ta, mắt cũng “đèn pha ôtô” xoáy áp đảo :

- Chú nói bằng này giả? Chú nói bằng này mua? Nghĩa là bảng điểm cũng giả, giấy chứng nhận của chú trưởng phòng Lưu học sinh Matxcơva cũng mua nốt. Vậy chú làm ơn ghi cho cháu mấy chữ vào đây. Tiện ký và đóng dấu luôn cho cháu. “Nói có sách, mách có chứng”, mai kia có người sang Matxcơva, cháu kiểm chứng lời chú.

Vừa nói tôi vừa rút xoạch tờ giấy và cây bút đặt trước mặt ông ta. Ông ta đứng bật dậy, há hốc mồm chẳng khác gì tôi lúc trước, lắp bắp :

- Cô… cô ăn nói với tôi thế hả. Giọng lưỡi con buôn…

- Chú nhìn người như thần. Cháu học kinh tế chú nói đi buôn. Bằng chú lật qua mà biết giả, thật kém gì người buôn “xanh”…

Ông ta đập bàn đánh rầm :

- Cô tưởng đây là chợ, cô phát biểu vô tổ chức… biết đây là đâu không ?

Tôi suýt nữa cũng học bà bán thịt bò kèm 70% thịt trâu ngoài chợ chống tay vô hông, “quạc” lại : - Cháu biết… thì chỉ có chợ mới nói “giả, thật, giá bao nhiêu” chứ.

Mặt ông ta đỏ rần như người có triệu chứng huyết áp “quá tải”. Tôi trót “cưỡi lưng hổ”, tự biết không đường lui. Cuộc đấu khẩu sẽ đến đâu nếu không có tiếng cười của người đàn ông thứ hai trong phòng. Cả hai “đối thủ” cùng dồn mắt sang ông ta. Người đàn ông chậm rãi tới bên tôi. Nét mặt hòa nhã nhưng mắt giấu vẻ khoái chí sau cặp kính :

- Cháu nói với chú Đạo thế là không được. Chú Đạo người lớn chẳng chấp cháu “trẻ người, non dạ” làm gì. Đứa nào mới đi Tây về chẳng thế. Đưa bộ copy đây chú vào sổ. Chiều mai lên lấy giấy ở phòng 32. Thôi, chưa xin lỗi chú Đạo còn chờ gì ?

Nghe vậy là tôi đủ “thông minh” hiểu ý. Một trọng tài kinh nghiệm thổi còi đúng lúc nhắc hai cầu thủ “fair play”! Tôi chuyển tần số lời nói :

- Chú Đạo bỏ qua cho cháu mấy lời láo lếu vừa rồi. Ở nhà cháu vẫn bị mẹ mắng suốt vì tội cãi bướng mà.

“Chú Đạo” kia mặt vẫn đỏ nhưng lẽ nào không “miễn cưỡng bắt tay đối thủ”. Ông ta lầm lỳ chẳng ra gật, ra lắc ngồi xuống cầm tờ báo đọc tiếp. Tôi lại gần người đàn ông mang kính để ký vào sổ, khẽ nói nhỏ :

- Cháu cám ơn chú nhiều.

Ông ta mỉm cười với tôi :

Molodec! (Cừ lắm!)

Bữa cơm chiều, tôi “tường thuật” lại chuyện “chú Đạo”. Chị dâu tôi khoái bất ngờ tới mức trước mặt mẹ chồng dám vỗ đùi đôm đốp. Tôi ngờ rằng bà này cũng từng bị cái Bộ kia “đì” rồi nên giờ được “trả thù quá khứ”. Mẹ và anh tôi nhăn nhó. Mãi sau mẹ mới chép miệng :

- Mày thật chả khác bố mày ngày xưa.

Bố tôi ra đi sớm khi tôi mới 10 tuổi. Tôi chẳng còn nhớ nhiều về bố. Nhưng tôi tin, nếu ông còn, ông sẽ xoa đầu con gái rượu chứ chẳng mắng đâu.

Đầu tuần, theo lời ông giám đốc tôi đến cơ quan làm việc. Không biết nếu tôi đi làm dâu mẹ tôi có lo như tối hôm trước ngày tôi đi làm. Bà đi ra nhắc, đi vào dặn.

Anh trai tôi răn đe :

- Mày làm thế nào cho tao còn gặp lại được bạn bè. Bớt mồm đi. Người ta hỏi, trả lời cho ngoan ngoãn. Lớn rồi, nghe hỏi phải biết ý họ mà trả lời.

Con bạn thân đọc “lesson” cho tôi lĩnh hội. Nào bánh kẹo, thuốc lá, trà ra sao, chào ai cô chú, ai anh chị… Đặc biệt khoản “ngoại hình”:

- Mặc đầm cho nữ tính. Đầm dài bớt ganh ghét của đồng nghiệp nữ nhưng mất cổ động viên nam. Độ ngắn của đầm tỉ lệ thuận với trình độ văn hóa.

Tôi lục tung valy tìm ra chiếc đầm xanh. Màu hơi ngớ ngẩn nhưng có vẻ nữ tính. Độ dài của nó vừa khéo để không sexy cái đầu gối củ lạc, lại chứng tỏ tính kín đáo của bằng Đại học.

Tôi đi sớm, lởn vởn chờ phòng số 4 có người. Theo lời giám đốc, tôi xông tới “làm quen”. Ở nhà mẹ vẫn khen tôi có đức “trơ tráo”. Tôi còn nhiễm tính “tự tin mù quáng” của người Nga nên chả bối rối chút nào khi bước vào.

- Chào các chị, các anh – Tôi hơi nghiêng người và nở nụ cười bài bản – Em là Thu, anh Bình giám đốc nhận em vào làm công ty mình từ hôm nay.

Năm người, định vị năm bàn quay nhìn tôi. Một giây, hai giây… năm giây. Tôi chợt thấy nụ cười trên môi mình vô duyên trước 10 chiếc mắt dọi vào. Từ hôm về nước, tôi xem nhiều phim Việt nam và không chịu được vẻ vô cảm của các “sao” điện ảnh. Giá họ học được vẻ mặt của năm người đang chiếu tướng tôi đây chắc nền điện ảnh Việt nam sẽ phất kém gì Holywood.

Sang giây thứ sáu, muốn hay không nụ cười của tôi cũng không le lói hơn được nữa. Tôi đứng đực ra chờ phản hồi nhưng hình như họ cố làm vẻ nghễnh ngãng. Tôi thầm rủa số mình đi đâu cũng không xuôi xẻ.

- Sao tôi chả biết gì nhỉ?

Một giọng nam chất kim vang lên phá tan bầu không khí “mặc niệm”.- Ông Bình làm những chuyện lạ đời. Đùng đùng cái gì cũng theo ý mình, hay dở thế nào cho người khác đổ vỏ.

Giọng nữ ồ ồ cằn nhằn :

- Em có nghe loáng thoáng – giọng cô gái khá trẻ ngồi bàn gần cửa – Anh Bình nói nhận người về. Sắp tới công ty mình ký hợp đồng với công ty thiết bị y học của Nga.

- Ôi dào, viện này thiếu gì kỹ sư học Nga về. Toàn thằng chẳng làm được việc gì lại còn nhận thêm.

Giọng kim vừa nẫy nhưng tôi đã phát hiện ra của người đàn ông ngồi góc phải. Dù cửa sổ mang ánh sáng ban mai vào nhưng khuôn mặt ông vẫn không vì thế bớt già nua và nhăn nhó như quả táo Tàu. Kinh nhất là cặp mắt kẻ chỉ, khó đăm đăm đang tranh thủ “miệt thị” tôi.

Tôi vẫn đứng vì chả có ai định mời mình ngồi xuống chịu trận. May hôm nay tôi mặc chiếc đầm xanh. Tuy ngớ ngẩn nhưng theo các nhà “tâm lý học”, màu sắc có tác dụng giải tỏa. Màu xanh lờ lợ đó như lá chuối đặt trên thùng nước đang sánh qua sánh lại. Khổ nỗi “chiếc lá chuối” này không mảy may tác dụng “tâm lý” ông giọng kim. Ông chán bâng quơ, chuyển sang chĩa mũi dùi vào tôi :

- Ai bảo cô tới đây ?

Kinh nghiệm ở Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dạy tôi chẳng nên ngạc nhiên trước câu hỏi thừa. Ngoan ngoãn như lời ông anh dặn, tôi thỏ thẻ :

- Dạ thưa, anh Bình dặn sáng nay em tới làm quen với các anh chị.

Tình hình nghe ra chẳng sáng sủa hơn sau câu trả lời nhún nhường của tôi. May cô gái gần cửa bước tới kéo ghế mời tôi. Tôi đầy cảm kích. Tôi liếc tìm bộ ấm pha trà, lấy mấy gói bánh kẹo, thuốc lá ra đặt trên bàn, mạnh dạn hỏi cô gái còn đang đứng gần tôi:

- Cho mình mượn mấy chiếc đĩa được không?

“Đồng minh trong hy vọng” của tôi nhanh nhẹn mở tủ lấy đồ và giúp tôi. Tôi thầm cám ơn Trời. Dù thái độ của tôi giờ không còn tự tin như trước nhưng tôi vẫn đủ “khả năng” bê ra từng bàn mời các vị đang chiễm chệ đọc báo và bình luận chuyện không đâu. Tất nhiên họ uống trà. Tất nhiên họ gặm nhấm bánh kẹo và coi sự phục vụ của tôi là “tất nhiên” khỏi cần cảm ơn. Còn tôi “tất nhiên” phải quên thói lịch sự của Tây mà coi đó là văn hóa Việt nam!

Người đàn ông ngồi gần cửa sổ chợt cắt ngang câu chuyện về giá xe máy Thái lan đang xuống :

- Em học ngành gì bên Nga ?

Dạ em học Kinh tế.

- Lại Kinh tế – giọng kim lần này hơi méo có lẽ do chiếc kẹo Hải châu còn mắc trong răng – Đâu cũng nhan nhản kỹ sư kinh tế. Mang tiếng học hành mà chả biết “đếch” gì. Làm hợp đồng viết ngu bỏ mẹ. Cháu ông Viện phó học Kinh tế vừa vào Viện, con bà Hoài phòng “Công nghệ nguyên tử” cũng đang làm hợp đồng bên đó.

Tôi khẽ nhăn mặt. “Lại gặp bạn “chú Đạo” rồi. Giờ mà ông hỏi giá bằng Đại học, mình phải hô bao nhiêu đây ?”.

- Cô ở đâu đến đây ?

Chiếc kẹo đã chui tọt vào họng nên câu hỏi vang lên lanh lảnh. Một câu hỏi đơn giản như bài học đầu tiên của chương trình học ngoại ngữ, ông có hỏi bằng tiếng Anh tôi vẫn trả lời vô tư.

- Em ở Hà nội ạ.

Những khuôn mặt “đầy ấn tượng” hiện ra. Cáu kỉnh là của ông giọng kim :

- Ai chả biết Hà nội. Quen ai mà tới đây ?

Á… – hơi ngượng vì sự “chậm hiểu” nhưng tôi chữa ngay- Dạ, em chỉ quen anh Bình giám đốc thôi ạ.

- Quen mỗi ông Bình mà xin được vào Viện lớn thế này.

Giọng ồ ồ thắc mắc kèm theo cái nhìn nghi vấn rất “nữ tính”.Tôi còn quen thêm được ai từ ngày về nước ngoài mấy bà buôn ngoài chợ.

- Thế cô con ai ? Cái hất hàm đầy tính “khảo sát” của ông giọng kim chĩa vào tôi. Tất nhiên lần này tôi đã “thấu” câu hỏi. Ông anh tôi chả dặn phải xem ý người ta mà trả lời là gì. Tôi dõng dạc :

- Dạ em không con ai cả ạ.

Có bịt tai tôi cũng nghe tiếng cô gái “đồng minh” cười vang lên. Tiếng ho khục khục giấu tiếng cười “thiên nhiên” là của ông ngồi kế cửa sổ, anh chàng trung niên từ đầu chưa nói gì chợt rút kính lau lấy, lau để. Chỉ còn lại hai khuôn mặt của hai chất giọng “ngược đời” là thộn ra. Giọng kim rít lên :

- Cô học đâu kiểu nói trêu ngươi thế hả? Cô biết tôi là ai không?

Tôi nghệt mặt chả hiểu mình có tội gì. Tôi quay sang “đồng minh” cầu cứu nhưng cô ta còn mải cười đến mức chạy bắn ra hành lang, vội vàng lao ngay vào ông Bình đang bước tới. Cô khẽ “Ối”, ngượng nghịu. Bốn người còn lại kéo ghế đứng lên chào đồng loạt. Chỉ có tôi đang ngẩn ngơ vì “quả mắng” nên ngồi tại chỗ khẽ lúng búng.

- Chào mọi người! – Giọng sang sảng đúng chất Sếp – Làm quen vui quá. Nhân viên mới có quà cho anh em hả. Được đấy.

Quay sang bên, ông giám đốc nói :

- Anh Trung tổ chức và chị kế toán lên phòng tôi có việc cần bàn nhé !

Hai người đứng dậy theo ông lên phòng. Tôi toát mồ hôi. Thôi xong. Ông anh nhắc “khéo lời với ông trưởng phòng tổ chức mới hòng được vào biên chế”. Loạng quạng thế nào tôi “trêu ngươi” ông ta rồi. Vụ này khéo đứt !

Ngày sau, tôi đến, chẳng có chỗ riêng của mình trong phòng, chẳng có việc cụ thể. Giám đốc bảo làm quen công việc nhưng có ai nói năng gì với tôi đâu. Cô “đồng minh” trở nên giữ kẽ. Mặt ai cũng như bức tường. Cảm tưởng tôi bị tẩy chay. Tôi ra hành lang nghe chim sẻ chíu chít trên nhánh xà cừ, buồn bã như giữa đảo hoang.

Vài ngày sau, giám đốc chỉ tôi phòng nhỏ, kêu dọn dẹp, kê bàn vào lấy chỗ làm việc. Sáng 8 giờ đi, trưa cơm nhà, chiều lại công ty. Việc duy nhất là ngồi và ngó qua cửa sổ. “8 giờ vàng ngọc” thoải mái tiêu.

Chán, tôi lò dò xuống phố thăm tình hình Model của Hà nội.Từ ngày tôi đi làm, dù tập sự không lương, mẹ yên lòng hẳn. Tôi thành “thất nghiệp” toàn phần. Hiếm hoi gặp bọn bạn chẳng biết kể chuyện gì. Chẳng lẽ kể chuyện “năm anh em trên chiếc xe tăng” hở ra là nã đạn vào tôi. Hay kể chuyện Sếp sáng đảo qua công ty vài phút là biến.

Thỉnh thoảng, ông định vị trong phòng thì toàn thấy “họp… kín”. Có lần không nén được tò mò, tôi ghé tai nghe trộm. Hoá ra các bố chơi “tá lả”. Tôi chán ngấy đóng vai người thừa. Ho hoe tính chuyện xin thử chỗ khác đã bị ông anh dạy thế nào là đức kiên tâm “trường kỳ kháng chiến”. Tiền tiêu do mẹ tài trợ đủ ăn sáng, bơm xe, tình rỗng tuyếch, công việc đuổi ruồi. Tôi tù túng trong mọi ràng buộc từ nhà đến công ty. Mẹ tôi nhắc khéo chuyện “gia đình”.

Tôi tỉnh queo :

- Mẹ chi tiền. Con ra chợ coi thằng nào “sạch nước cản” mua về làm chồng.

Bà chán. Tôi buồn, tôi nhớ nước Nga. Khi ở đó tôi chỉ nhìn thấy những điều đen tối mà chê nhưng khi về rồi, tôi biết, tôi thiếu nó. Cho dù ngày đó có bơ vơ, có khó khăn, khắc nghiệt nhưng tất cả thật rõ rằng để mình phải vượt qua. Còn sống nơi quê hương sao tôi lạc lõng. Ai giúp tôi mài bớt những sù sì, góc cạnh để có thể lăn tròn trong xã hội này ?

Tối thứ bảy, tôi ngồi nhà xem vở tuồng “tân cổ giao duyên”, ngoan như bà góa thủ tiết với chồng. Chuông điện thoại kêu, tôi uể oải nhấc :

- Thu hả ?

- Thu đây, ai đó?

- Còn nhớ Thắng “mập” không ? Tao đây.

- Ôi Thắng, mày đang ở đâu vậy ?

Tôi reo lên khi nhận ra thằng bạn thân từ ngày học phổ thông đến suốt năm tháng ở Nga.

- Matxcơva chứ ở đâu. Mày thế nào, nghe tụi nó bảo đi làm rồi hả ?

- Làm khỉ gì, chán muốn bỏ. Tao đã thấy lời mày khuyên ở lại là “chân lý”.

- Thế mày còn thích đến với “chân lý” không ?

- Thích cũng phải qua ối “cửa” mới tới được “chân lý”. Còn mày thế nào ?

- Tao gọi về hỏi mày chịu qua giúp tao phụ trách phần kế toán cho công ty của tao ở Matxcơva không ? Đồng ý tao gửi giấy tờ về làm hộ chiếu. Tao điểm ra chỉ mày đủ khả năng, đúng nghề và tính “bà la sát” của mày mới trị được bọn trong công ty. Nghĩ sao ?

Tôi bất ngờ chẳng nói được lời nào. Hơn một năm qua, tôi đã biết, ở Việt Nam “nghề” sáng giá nhất là “Nghề Đi Tây”, “Nghề Xuất Ngoại” dù ngắn hạn, dài hạn. Những ai chê “nghề” này chắc chắn là Sếp. Mà Sếp chỉ chê “dài hạn” vì đi lâu dễ “vênh cạ” chứ “ngắn hạn” Sếp OK đầu tiên.

- Ê, chán nước Nga chưa mà im như thóc vậy ?- Không… tao đang tính – tôi lúng túng không biết nên nói kiểu gì để hợp “phong cách người Hà nội”- mẹ tao lo đi nữa sẽ “ê sắc ế”…

- À… mày định lấy chồng kiểu gì tao không biết nhưng nếu định lấy thằng yêu mày thì lấy tao đi. Tao yêu mày lâu rồi.

Lần này tôi “cấm khẩu” hoàn toàn. Thắng chợt chuyển giọng :

- Nói thật đấy.

Trời ạ, mẹ tôi nói cấm có sai “Ngưu tầm ngưa, báng bổ như mày, chỉ gặp thằng ngang ngửa”. Nhưng dù “củ chuối” cỡ nào tôi cũng không thể tưởng tượng ra được màn tỏ tình “mày” “tao” qua điện thoại quốc tế !

- Thu ơi, suy nghĩ đến trưa mai nhé ! Thời Edison chỉ cho suy nghĩ 5 phút thôi mà -Thắng cười hì hì- không đùa đâu, 100% nghiêm túc.

Hẹn mai !


****


Máy bay cất cánh, mảnh đất quê hương chao nghiêng. Dòng sông Hồng kia rồi, quanh năm đỏ đậm phù sa. Hà nội li ti, nhấp nhô mái ngói. Tôi lại ra đi lần nữa. Chút nhơ nhớ, bâng khuâng về Hà nội, về mẹ. Giọng cô chiêu đãi viên Nga nhắc người ngồi cạnh đeo dây an toàn nghe quen như mới hôm qua. Nhưng hình như vẫn có gì là lạ. Có lẽ, lạ vì không ngơ ngác như khi xưa sang học. Con đường phía trước sẽ không trải thảm, sẽ không ít khó khăn, nhưng tôi biết, ở đó tôi có thể sống và làm việc mình mong muốn. Cảm giác tự do ngọt ngào. Hà nội mờ dần qua làn mây mỏng. Quê hương ơi, ta sẽ về như tìm bóng cây giữa con đường chang nắng. Sẽ về để thêm động lực ra đi. Về để hiểu ta Người Việt Nam và Quê hương ngàn đời vẫn một..!









LỜI TRẦN TÌNH



















LỜI TRẦN TÌNH

Từng đêm trăn trở làm sao ?
Lời cay lời đắng nghẹn ngào bờ môi !
Giọt buồn cảm nghiệm đầy vơi
Mà sao thân phận bồi hồi xót xa !
Tình buồn riêng lấy mình ta
Mượn hồn thơ ngỏ giao thoa nỗi niềm
Trăng khuya thổn thức bóng đêm
Gió lay nhè nhẹ cành mềm cánh hoa
Tình yêu sao cứ mù lòa
Yêu người say đắm thiết tha cuối đời
Bởi đời bạc trắng ai ơi !
Cũng đừng trách cứ những lời đúng sai
Yêu người có một không hai
Tình người chăm chút thương hoài nghìn năm
Lương duyên dẫu có thăng trầm
Lòng ta vẫn cứ âm thầm tin yêu
Dù người hờ hững bao nhiêu
Thì ta luôn vẫn nuông chiều người thôi
Mặc cho bão táp mưa rơi
Núi nghiêng non lở, đất trời ủ ê
Lòng ta trinh trắng đam mê
Yêu người phũ kín lời thề năm xưa
Yêu người biết mấy cho vừa
Vắng người như bổng cơn mưa buốt lòng !
Bởi người ấp lạnh tình nồng
Vuốt ve giấc điệp lòng không muốn rời
Thư người nhắn gởi hôm rồi
Lời thư như muốn bỏ rơi cuộc tình
Tim ta điên đảo bất bình
Cạn dòng nước mắt riêng mình đắng cay
Vàng bay chiếc lá chiều nay
Tiếng chim ai oán biển mây lưng trời
Ta đi nhặt lá vàng rơi
Chép vào kỷ niệm một thời yêu nhau
Cuối đời vàn võ tình đầu
Tình đầu cũng sẽ tình sau cuối đời
Người xa xôi, chúc đẹp lời
Con tim thoi thóp cuối trời bơ vơ !

HÌNH BÓNG
Người chẳng là chiếc bóng
Tựa vạt nắng lưng trời
Ngẩn ngơ hồn hoang dại
Mòn mõi đợi xa xôi !

Tình không là ảo mộng
Không âm u mù sương
Xinh cánh hoa hàm tiếu


Ngào ngạt tỏa sắc hương

Thuở khung trời áo trắng
Ăm ắp bóng hình ai
Bao mùa thu lá đổ
Hình và bóng nào phai

Thời gian thèm khát vọng
Nâng giấc mộng miên du
Cho một lần gặp gỡ
Tình phũ trọn thiên thu !

Ngày đó ngây thơ quá
Chỉ e ấp làm duyên
Nào biết gì đính ước
Lạc mất nhau triền miên


Bao tháng năm ngái ngủ
Giữa biển trời mênh mông
Được trở về nguồn cội
Làm con sáo sang sông


Mặt trời gom ánh sáng
Chăn giữ bóng của hình
Trong khung trời hội ngộ
Khải hoàn ánh bình minh...


HỒN THU

Trời thu gió nhẹ đìu hiu hắt
Cuốn lá vàng rơi tận nẽo đời…
Có ai nhặt lá vàng rơi nhỉ ?
Dành lại cho tôi một chiếc thôi...

Cho tôi chiếc lá vàng rơi ấy
Để viết bài thơ gởi đến người

Rằng mãi phương xa người có biết...
Tim tôi côi cút lệ nhòa rơi..!

Niềm thương nỗi nhớ giăng giăng lối
Chĩu nặng tình riêng tím dạ nàng
Tâm sự ngút cao sao viết hết...!
Con tim yêu nhớ gởi cho chàng...

Vàng bay chiếc lá lên cao vút
Bảng lảng trời mây bạt núi đồi...
Chiếc lá đề thơ người thấu nỗi
Đong đầy thương nhớ...ngập hồn tôi...!!









Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

TỰA GIỌT SƯƠNG ĐÊM




















Anh yêu quí của em !
Em viết cho anh trong nỗi chần chờ, do dự. Cầm viết đắn đo trước trang giấy trắng, tâm tư em chơi vơi trong những ý nghĩ vụt thoáng vụt hiện, trong tầm suy tưởng mênh mông không nắm bắt được chủ đích.
Viết gì cho anh hả anh ? Câu hỏi vẫn triền miên thăm dò, săn đón, tìm kiếm, phát hiện bao dữ kiện mà con tim đã cưu mang, ấp ủ, nuôi dưỡng kể từ lúc em biết được anh đang có mặt trên vùng đất tạm dung này. Anh vẫn còn sống. Không biết em có tin thật hay không ? Em có tin thật sự hay chỉ là ảo tưởng. Em nghĩ rằng em đang tỉnh chứ không phải em đang mơ giữa một giấc mơ. Hơn ba mươi năm rồi, mộng và thực xen kẻ, cút bắt trong tinh thần hoang lạnh, tạo cho em một nếp sống bềnh bồng như chiếc thuyền nan trôi dạt giữa biển khơi dậy sóng. Hơn ba mươi năm mỏi mòn, chai đá, tình cảm đã thui chột những ước mơ quá khứ, mang tâm trạng của một loài cỏ dại tắm hạt sương đêm.
Anh ạ ! Anh vẫn còn sống, có nghĩa là anh vẫn còn có mặt trên quả đất này. Không biết em vui hay em buồn, vì dòng nước mắt của em đã khô cạn cho những tháng năm dài nhớ thương quay quắt, cô đơn trong tiếng gọi, trống vắng trong tiếng nấc rã rời, nhạt nhòa khi hoàng hôn chiếc bóng và băng giá giữa màn sương đêm tăm tối.
Anh ạ ! Anh có cảm nhận những suy tư của em trải dài trên trang giấy trắng như những điều anh đã nghĩ về em ? Anh thường bảo em là người phụ nữ đức hạnh, thông minh, khôn ngoan, đảm đang tháo vát truớc mọi tình huống. Anh vinh danh, xưng tụng em là một nữ lưu trí thức có tầm hiểu biết, thông thạo cầm kỳ thi họa, hiểu biết khá vững vàng bộ môn văn học nghệ thuật. Anh đã yêu em và chỉ yêu em chừng đó thôi. Anh lại bảo em không cần trao dồi sắc đẹp, em vẫn đẹp, nét đẹp tự nhiên, dễ thương, dễ mến. Sắc đẹp rồi sẽ tàn, sẽ phai em ạ. Anh không muốn nó mang nét đặc thù giả tạo. Những gì tinh hoa nguyên thủy mới đáng quý, cần nâng niu, trân qúy phải không em ?
Rồi anh vẫn thường nói, em là người đàn bà có tâm hồn lãng mạn đa tình. Anh thì nói vậy và anh cho là anh yêu em cũng vì thế, vì thích hợp với anh, có nghĩa là cùng một tầng số, cùng một sở thích, một ước vọng, một đam mê.
Thú thật em có nhiều đam mê lắm anh. Từng đam mê cho từng lứa tuổi. Tuổi thơ em thích chơi những trò chơi buôn bán hàng lặt vặt. Một lần em lội xuống hồ sen hái những đóa sen đang nở thật xinh xắn, rủi ro em trượt chân chìm dưới nước sâu và anh đã ra tay cứu vớt em trong đường tơ kẻ tóc. Anh xuất hiện như một thiên thần, không ngần ngại hiểm nguy, phóng người ra giữa nước sâu trong lúc em đang ngụp lặn uống nước, miệng la ơi ới... Anh ôm vội em vào nách và lướt nhanh vào bờ. Em mệt nhừ. Em lo sợ đến bất tỉnh. Anh đặt em nằm trên thảm cỏ xanh mượt. Anh làm hô hấp nhân tạo. Có lẽ anh say sưa nhìn ngắm em lúc em hôn mê. Tuổi mười bốn cơ thể bắt đầu nẩy nở, tượng hình. Em dần dần tỉnh, mở mắt, nhìn anh trong e ấp ngượng ngùng. Em mấp máy môi mở lời cám ơn anh. Và chợt nhớ thân thể mình đang phơi bày dưới lớp áo quần mỏng ướt nhẹp. Em vội chồm dậy hai tay ôm lấy ngực, co ro, cố gắng che dấu những gì cần che dấu. Em thẹn thùng và có lẽ lúc đó mặt mủi em đỏ lừ thay vì tái xanh vì suý chết đuối. Em lẩm nhẩm hai tiếng "xin lỗi". Tuổi mười bốn ngây thơ trong trắng, em đã bắt đầu có những cảm giác ngượng ngùng e thẹn đó anh. Ông bà ta ngày xưa bảo " Nữ thập tam, nam thập lục", nhưng em còn rất khờ dại đã một lần nằm trong vòng tay anh từ dưới hồ nước sâu lên bờ. Nam nữ thọ thọ bất thân đãy anh có biết không ? Lúc ấy, anh nhìn em say đắm. Anh hỏi em thật âu yếm ngọt ngào, lời của người anh hỏi cô em gái thân thương của mình :
- Em lội xuống hồ sâu làm gì thế hả em ? Nếu không có anh đi ngang qua thì...em đã chìm dưới hồ nước sâu rồi...tội cho em..!
Em lí nhí như lời thú tội :
- Em hái hoa sen để bán đồ hàng anh ạ.
Thực vậy anh à, tuổi thơ em vẫn có những cái đam mê kỳ ngộ lắm, bắt chước người lớn bán buôn. Năm bảy đứa cùng trang lứa rủ nhau "họp chợ". Đứa bán bánh, đứa bán rau, đứa bán hàng xén, bán hoa quả...vui lắm...vui không thể tưởng. Anh biết không, thỉnh thoảng trong buổi "họp chợ" rủi có vài cậu trai cùng lứa đi ngang qua, tụi em cũng rao hàng chào mời khách ghé vào mua hàng. Các cậu ấy, ôi thôi ! cũng nghịch ngợm dễ sợ, đòi mua hết số hàng và mua luôn cả tụi em mang về nhà để ngắm. Sợ quá, tất cả ù té chạy, hàng họ lỉnh kỉnh ngổn ngang, miệng la ơi ới ! để lại sau lưng những trận cười nắc nẻ...vui đáo để...niềm vui tuổi thơ...mà có phải vui không anh ?
Anh là người nơi khác về đây trọ học. Lần đầu tiên được gặp anh, quen với anh, người thanh niên miền Trung đất cày lên sỏi đá, quanh năm gió cát mù trời. Lần gặp gở thật bất ngờ và rạng rỡ niềm vui ấy tạo trong em một dấu ấn khó quên.
Người con gái tuổi chưa tròn trăng ngây thơ giữa cuộc sống đất Thần kinh thơ mộng, đam mê miệt mài đèn sách mà tâm hồn thì đang nhen nhúm bao mộng mơ. Em mộng mơ sau lần gặp anh đó, anh biết không ? Không hiểu tại sao lại là như thế? Nói ra anh đừng cười em nhé. Cười em, em bắt đền anh, anh phải đền cho em. Em đã không nghĩ đến anh, vậy mà hình bóng, tiếng nói, nụ cười và nhất là đôi mắt anh nhìn ngắm em thật dịu dàng âu yếm cứ hiện diện trong trí nhớ. Không phải em yêu anh đâu nhé. Anh đừng nghĩ thế. Tuổi mười bốn làm gì biết yêu anh nhỉ ? Không biết yêu lại cứ nhớ, cứ nghĩ đến người ta thì gọi là gì em chẳng còn hiểu nữa. Thì thôi, cứ nói là nhớ đi, nhớ anh thật đó. Được không anh ? Nhớ ơn anh đã cứu em, nếu không thì em đã bị chết đuối dưới hồ nước sâu dạo nọ. Nếu không có anh thì em đâu còn nữa trên đời này để hôm nay ngồi đây viết cho anh những dòng tâm sự thân thương anh nhỉ !
Nhớ ơn cứu em thật cao dày ! Anh đã cứu em sống để em có được mùa xuân tuổi ngọc, để em có những gì mà mình đang có trong tầm tay và để cho đời em có được một tình yêu chung thủy, một mái ấm gia đình bé nhỏ, một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn mà con người sinh ra đều phải có.
Nhớ ơn cứu em thấm sâu vào tim óc, từng huyết quản, em đã cảm nhận một nghĩa tình tươi mát nõn nà, một tình cảm mượt mà nơi anh, người trai nghĩa khí của vùng đất miền thùy dương cát trắng xa xôi !
Những năm sau đó ở cấp Trung học chúng mình vẫn thỉnh thoảng gặp nhau trong những cuộc hẹn cuối tuần. Tuổi mười bảy, mười tám bẻ gảy sừng trâu sung mãn nét xuân thì, trạng thái trong người có những biến đổi khác thường. Em cảm thấy hình như mình thích làm dáng, làm điệu để cho anh ngắm, thích tâm tình riêng tư, thích làm nũng, dỗi hờn, để được anh vuốt ve, dỗ dành, chìu chuộng... Như vậy, có phải em hư lắm phải không anh ? Lớn rồi, mà hư như thế là không được đâu, hễ cứ đụng một chút là hờn mát, là dỗi hờn, là khóc nhè...ai mà chịu nỗi hả anh ? Vậy mà anh đã chịu đựng được với em những lần như thế. Anh giỏi lắm ! Em cảm thấy thương anh. Điều ấy anh nào có biết ? Có lần anh hẹn em đi dạo thuyền trên sông Hương nhưng em không thích muốn vào rạp ciné, anh tỏ ý không được vui, em ghét bỏ ra về, lánh mặt anh cả mấy tuần lễ, đã
khiến anh mất ăn, mất ngủ, chạy đôn chạy đáo tìm em. Cứ thế, mỗi buổi chiều là đứng trước cổng trường chờ giờ tan học để được gặp em mà van xin, mà xin lỗi. Được thể, em càng làm cao, kênh kiệu...và có ý nghĩ là...đếch cần anh nữa. Anh ạ, anh có ghét em không ? Thật sự là không cần đến anh, không cần đến sự van lơn, xin lỗi của anh. Ai bảo anh không chiều ý em một tí...có được không nào ? Giây phút ấy, em cảm thấy "cái tôi" trong người em bự lắm, bự hơn cả mặt trăng, mặt trời anh ạ ! Ghê như thế đó. Em muốn mình phải là kẻ thắng cuộc và khi thắng cuộc mới biết thương hại đối phương, nên em đã thông cảm làm lành với anh và lòng em tràn ngập yêu thương anh...! Cũng vì em được sống trong một gia đình mà mọi người đều nuông chiều em, nên em sinh "tệ" như thế đó anh ạ. Đừng buồn, giận em, trách em nhen anh !
Những năm sau này và ngay bây giờ em đã giảm bớt "tật xấu"ấy của em. Giảm bớt đối với người khác, và cũng tại vì không có anh bên cạnh em. Đó là vũ khí lợi hại để em "hành hạ" anh mà anh không biết sao ? Ai bảo anh yêu em để em "hành hạ"anh hả anh ? Mà rồi anh cũng đã thú nhận với em là được yêu em, anh sẽ lo toan tất cả công việc, em không phải làm gì cả. Nấu cơm. Rửa chén. Giặt giũ. Quét nhà. Thay tả. Cho con bú...vân vân và vân vân...tất cả. Anh còn bảo không phải "chồng tôi, vợ chúa - vợ bảo, chồng vâng" đâu nhé, mà chỉ tại vì anh không muốn em làm nhiều công việc. Em phải là một đóa hoa xinh đẹp, tươi mát, dịu dàng được đặt vào chiếc lọ thủy tinh trong suốt đầy nước luôn tươi sắc thắm để cho anh nhìn, anh ngắm say sưa...em chịu hôn ?
Nói là nói vậy, chứ chưa bao giờ em "hành hạ" anh điều gì, vì chúng ta chưa sống chung bên nhau phải không anh ? Anh biết không, bởi trách nhiệm cao quý của người phụ nữ Á Đông trong mỗi gia đình Việt Nam không cho phép em hành xử như vậy. Thảng, nếu có thì cũng chỉ là cợt đùa với anh giây phút cho vui, hơn nữa cũng để nhìn ngắm người mà em đã hết dạ yêu thương nhất đời của em trong trạng thái vật vã mọi tình huống cuộc sống. Nói thế, anh có ghét em không ? Có lẽ là không, phải không anh ? Vì chắc chắn là anh lo em lại phải làm nũng, dỗi hờn hay khóc nhè với anh. Đã vậy anh còn khẳng định với em rằng anh có tài dỗ dành, âu yếm, vuốt ve...nếu lỡ...rủi...bị em trở chứng. Anh có nhiều cách, em đừng lo. Mai này sống chung với nhau em sẽ nhận ra điều đó, có nghĩa là lúc nào cũng phải nuông chiều cho vừa ý em, em có thích không ?
Anh vẫn nhớ đãy chứ ? Mình đã yêu nhau hơn bảy năm trong say đắm của lứa tuổi học trò đầy mộng mơ, không gì lay chuyển nổi tình yêu của chúng mình anh nhỉ ! và cùng hẹn hò qua hết mấy năm đại học là hai đứa sẽ làm lễ cưới. Lễ cưới của chúng mình phải bề thế, trang trọng. Mình sẽ mời hết bạn bè đến dự cho thật đông, để tụi nó nể mặt. Em bảo sau đó là mình đi hưởng tuần trăng mật nhen anh. Anh thích không ? Anh cãi lại không phải là tuần mà là năm, một năm, rồi hai năm trăng mật để hưởng trọn tình yêu của chúng mình thật sung mãn. Nghe anh nói, em bật cười và mắng yêu anh, là anh quá tham lam. Anh tham lam vô kể. Hai năm trăng mật mặn nồng là con mình đã giáp ba tơi (thôi nôi) anh ạ ! Em lại trở thành gái một con đầy đặn, sởn sơ, trông mòn con mắt, anh có thích không và càng yêu em nhiều không ?
Vậy mà năm ấy là mùa Hè đỏ lửa, chiến trường sôi động, Đất Nước cần thêm nhân lực, anh giã từ mái trường thân yêu, vội làm lễ hỏi kết hợp tình yêu tiến đến hôn nhân, tạo dấu ấn cho hai tâm hồn cùng chung điểm tựa, anh lên đường nhập ngũ, hẹn ra trường, về đơn vị sẽ làm lễ cưới em.
Tình yêu anh, tình yêu Đất Nước thời ly loạn trong cân bằng, em chấp nhận đợi chờ trong thời buổi " Thuở trời đất nỗi cơn gió bụi, Khách má hồng nhiều nổi truân chuyên..." (CPN). Em can đảm chấp nhận sự xa cách anh trong thương nhớ vời vợi từng năm tháng. Em cố gắng tập nhẫn nại, chịu đựng mọi tình huống vắng anh trong cuộc sống. Em như đang chơi vơi giữa tâm trạng người chinh phụ ngóng đợi chồng trở về từ biên cương khói lửa từng đêm"Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây.."
Em lo sợ mình sẽ hóa đá vì nổi ám ảnh " Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi" quay quắt trong em. Từng thời gian mỏi mòn trông ngóng " Bao nhiêu năm bồng con đứng đợi chồng về" để mà " Người biến thành tượng đá ôm con - Người trông chồng còn đứng cô đơn", mặc dù em vẫn chưa có con với anh, anh ạ ! Em sợ lắm anh ơi ! Em sợ những rủi ro, cay đắng, bất hạnh cho đời..! Anh nào có biết.
Tuy mới làm lễ hỏi, nhưng em cảm nghiệm bản khế ước tình yêu đã được ký kết từ muôn đời, cuộc sống hôn nhân, gia đình tràn trề hạnh phúc trong một mái ấm gia đình bên cạnh các con thơ ngoan ngoản dễ thương được sự bảo bọc chăm sóc của anh, người chồng, người cha tôn quý và kính yêu. Chúng mình sống bên nhau yêu thương nhau trọn đời. Hạnh phúc không anh ? Anh có thích không ? Chúng ta đã có những ước vọng mà anh thường kể lể với em. Một hạnh phúc tuyệt vời và vô vàn trân quý anh ạ !
Những mơ ước và sự cảm nghiệm em chưa bao giờ nắm bắt được trong tầm tay mình. Có phải em là kẻ bất hạnh nhất không anh ? Chỉ là ước mơ nhỏ bé nhất của con người mà vẫn không thực hiện được. Em đâu ngờ ngày tạm chia tay, anh từ giả mái trường và gia đình để vào quân ngũ lại là lần chia tay duy nhất và cuối cùng trong đời. Ngày anh ra trường không kịp về thăm em, thăm nhà, phải ra ngay đơn vị và dự trận đánh ngay trong đêm hôm đó. Đơn vị anh đã bị địch vây hãm và tràn ngập. Những ngày sau đó, anh được ghi nhận mất tích. Em không tin đó là sự thật. Một sự thật hết sức phũ phàng, nghiệt ngã. Em mơ ước và cầu xin ơn Trên hộ trì cho anh có thể đang bị lạc lối trong lúc địch truy kích, và anh đang trên đường tìm về. Cho dù một tháng, hai tháng hay lâu hơn nữa anh cũng sẽ trở về, về với em, về với gia đình, cha mẹ, anh chị em, chú bác cô dì. Về để chúng ta tổ chức đám cưới và chung xây mái ấm gia đình. ‘’Anh không chết đâu anh’’ em tin như vậy. Em đi xin xâm, xem quẻ và tất cả đã ứng nghiệm trong sự bình an cho anh. Anh không chết, và nhất định anh vẫn còn sống. Cho dầu anh có bị thương cũng có ngày anh sẽ trở về với em trong mái ấm gia đình . Em tin. Em vững vàng tin. Niềm tin trong đợi chờ theo từng năm tháng. Điều mơ ước như ước mơ của chúng mình rực rỡ trong tình yêu mong sao trở thành hiện thực. Vậy mà em cảm nhận một sự hụt hẩng từng năm tháng dài vật vã trên mái tóc nhạt nhòa, trên đôi vai gầy chĩu nặng, luống thời gian xác xơ tuổi ngọc đọa đầy khắc nghiệt.
Đời có những nghịch lý xảy ra thiêu đốt, tiêu diệt nguồn mơ ước và mầm sống con người. Những ước mơ, thèm khát, những dự tính, hoài bão không theo ý muốn tồn tại, trong lúc bất hạnh, trái ngang không ngừng đối tác cuộc sống an bình của chúng ta anh ạ !
Tháng năm đường dài tiếp nối trên từng bước tìm kiếm, hỏi han, hình ảnh anh vẫn chim trời cá nước. Em đã bị choáng ngộp triền miên trong đau thương rã rời, trong nỗi nhớ thương dằn vặt tím cả tâm cang, trong từng giấc ngủ chập chờn đầy ác mộng. Anh có hiểu cho em không ? Có phải em được me sinh ra để phải khổ ? Khổ vì anh ? Vì tình yêu của chúng mình ? Vì hôn nhân ? Vì gia đình ? Vì phải sinh con đẻ cái truyền tử lưu tôn có ích cho gia đình và Đất Nước ? Anh nghĩ sao ?! Có đúng vậy không anh, hay vì...điều gì khác ? Nếu cho là không đúng thì có lẽ em khổ vì Đất Nước, vì chiến tranh gây ra bởi tự ái và tham vọng con người ? Đấy ! Em bị dằn vặt, bị thao thức, trăn trở... khiến cho lòng em luôn bị nhức nhối, tâm thần bị đầy đọa, hụt hẩng trong những năm tháng vắng anh.
Ngày trước, anh vẫn nói với em, anh không bao giờ để cho em cực nhọc, đau khổ. Cực nhọc thể xác, đau khổ tinh thần. Anh mãi mãi gieo trồng mùa Xuân trong em suốt cuộc đời. Em là nguồn suối trong mát, con chúng ta là đàn chim non líu lo tiếng hót trên cành cây xanh lá, để mãi mãi mái ấm gia đình là một thiên đàng trần thế. Thích lắm anh à ! Hạnh phúc tuyệt vời ! Em cám ơn anh ! Em trân quý anh ! Anh là tất cả của em ! Anh là người đàn ông hoàn thoàn thuộc về em. Không ai có quyền chiếm giữ tư hửu. Vậy mà...tất cả không được đâu anh ạ ! Trong hoàn cảnh này có phải em ích kỷ, và thiển cận không anh ? Nếu có vậy, thì em cũng đành chịu. Và em không thể làm gì khác anh ạ ! Bởi số phận em. Bởi cơ trời, ách nước. Bởi em yêu anh, yêu điên cuồng nghiệt ngã...và bởi...bởi...điều gì mà em không còn hơi sức để nghĩ đến được nữa anh ạ !
Em hư lắm anh ạ.Tuổi thơ em mắc tật hờn mát, làm nũng, giận hờn vu vơ. Ai làm gì không vừa ý là em khóc nhè...khóc để cho có người dỗ dành, vuốt ve, xin lỗi...Tuổi trưởng thành em đã mất đà trong cuộc sống, nảy sinh ích kỷ, thiển cận... để không muốn cái tư hửu của mình vuột khỏi tầm tay. Anh tha thứ cho em nhé. Em hư lắm đó. Anh có hiểu cho em không ?
Ngày tháng trôi qua là chứng nhân cho tuổi thanh xuân tàn úa trong mỏi mòn trông đợi. Em đã già người trước tuổi. Em sợ hãi né tránh như chạy trốn trước những tình cảm mời gọi của người đời. Đời người con gái chỉ một lần yêu và duy nhất một lần xuất giá. Em sợ lắm anh ạ ! Cho đến lúc giặc giã tràn vào. Đất Nước nghiêng ngửa tang thương. Gia cang tan nát. Ba mươi tháng tư bảy lăm phũ chụp vùng trời uất hận lên dãi đất sinh tồn của miền Nam Đất Nước. Nhà cửa em tan nát, ba me em không còn nữa vì những trái phá, đạn bom của lũ người bên kia gởi đến. Em cô đơn lạc loài giữa rừng người tháo chạy hàng hàng, lớp lớp tiếp nối không ngừng từ cao nguyên, đến miền Trung vào tận Saigon...Em bơ vơ lạc lõng, tay không chân rời choáng ngợp. Con người vứt bỏ tài sản, nhà cửa thoát thân cứu lấy mạng sống. Từng đoàn, từng đoàn ngày đêm không ngớt. Súng đạn hoành hành tự do vung vít. Sự dã man, tàn ác, bắn giết được ngự trị ào ạt khắp nơi. Xác người gục ngã trên bờ, dưới nước thoả mãn tham vọng thấp hèn. Nhà cửa điêu tàn trong khói lửa reo vui theo âm thanh khóc lóc vang tận trời xanh của bao sinh linh vô tội.
Thế là hết anh ạ ! Chấm dứt tất cả rồi ! Em hôn mê khờ khạo đến điếng người trong cảnh lửa bỏng dầu sôi, trong những màn chém giết tràn lan trên mọi nẻo đường chạy loạn. Tuy vậy, ngay lúc đó, vẫn có những giây phút em nghĩ đến anh và tự khẳng định rằng không còn gì nữa ! Hết rồi ! Chấm dứt tất cả !! Anh đã không còn nữa. Trên thế gian này anh đã vĩnh biệt ra đi về cõi vĩnh hằng. Em chấp tay cầu nguyện Đất Trời thương xót đến hai đứa mình trong cùng ý nghĩ chung anh ạ !! Và trong hơi gió thoảng, em nhắn gởi về anh tấm lòng son sắt " Chờ nhau nhé, mãi nghìn sau !!" anh ơi !! Ghi nhớ lấy nhen anh...!!
Thời gian qua mau chất chồng tuổi tác, lẻ loi, đơn độc, phấn son không buồn trang điểm, gác lại, đợi chờ kể từ lúc vắng anh. Giặc đến, nhà tan cửa nát, gia đình mất mát. Em bị cuốn hút theo dòng đời chuyển đổi để đến được bến bờ tự do như một trốn chạy, bỏ lại sau lưng bao kỷ niệm đã thấm sâu vào tim óc. Miền đất tạm dung, một thân, một mình thật xa lạ, thật khó khăn, gian truân cùng cực. Em cố phấn đãu trong cuộc đổi đời. Đã hơn ba mươi năm rồi phải không anh ? Vậy mà em vẫn tưởng như cuộc đời son trẻ, tình yêu hương hoa của chúng mình vừa mới hiện thực ngày hôm qua. Không còn gì hơn nữa, em chấp nhận cho số phận mình đã được an bài trong nghiệt ngã, trong thân phận của một quả phụ chưa hề chít lên đầu vành khăn tang trắng ! Nhưng lòng em, trong tim em vẫn đã hằn sâu hình ảnh thân thương của anh mãi mãi và bất diệt...
Anh ạ ! dường như một phép lạ đột nhiên giúp em nhìn thấy được anh qua màn ảnh truyền hình trong một khoảng khắc, rồi sau đó không lâu em đã được đọc tên anh trên một trang báo. Em thấp thỏm vui mừng trong ngờ vực. Em cảm nhận trong suy đoán lý lẽ để tạo cho mình một xác tín. Nhưng dù sự việc có là hư hư thực thực em vẫn cố bám víu như kẻ đang sắp chết đuối giữa dòng nước sâu vớ được chiếc phao.
Anh ơi ! Anh có hiểu cho em không ? Kể từ đó, trong ngôi nhà thanh vắng, lẻ loi, từng đêm, từng đêm khuya thao thức, em lầm lũi một mình tại bàn viết trước trang giấy trắng... Em đã khóc ! đã khóc thật nhiều cho dòng đời ngang trái, cho những dòng chữ viết miệt mài nhắn gởi, cho những mơ ước dồn dập, ẩn hiện, cút bắt, chập chờn như bọt nước trong mùa nước lũ.
Bên ngoài trời đêm khuya qua khung cửa kính mờ sương, trời đất thẩm đen, thấm lạnh hơi sương. Những giọt sương đêm rơi đọng lấp lánh trên cành cây ngọn cỏ, tan biến nhạt nhòa ướt sũng như dòng lệ đang rơi nhòe nhẹt trên trang giấy trắng trước mặt em, anh ạ !...(http://maylangdu-vnfl.blogspot.com)