Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

Đọc "CHẶNG ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG của Nhà Văn Nguyễn Thế Hoàng

Hôm nay, ngày 9 tháng mười hai, năm 2010
http://www.hvhnvtd.com/

ĐỌC “CHẶNG ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG” CỦA NGUYỄN THẾ HOÀNG
Đinh Lâm Thanh


ĐỌC 'CHẶNG ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG' CỦA NGUYỄN THẾ HOÀNG
* ĐINH LÂM THANH *



Trước đây tôi có dịp may đọc vài truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thế Hoàng, trong số nầy, chuyện ‘Như Hạt Bụi Đời’ đã để lại nhiều ấn tượng cho tôi khi ông viết về nỗi cay đắng của những người vợ các chiến sĩ QLVNCH phải gánh chịu trong thời gian chồng đi tù dưới chế độ cộng sản. Chuyện nầy ông trình bày trong khoảng 40 trang sách. Vai chính là người vợ của một sĩ quan của QLVNCH đang bị tù cộng sản, bà vợ ở nhà đã kiệt sức vì đời sống kinh tế khó khăn nên đã rơi vào tay một tay tên cộng sản và rồi công khai trở thành vợ một của tên cán bộ nầy. Đọc đến đây, tự nhiên tôi thấy tâm hồn chùng xuống, tinh thần hụt hẫng và lòng quặn đau trước hình ảnh một người vợ sĩ quan VNCH, trong một bước cùng nào đó, đã tự nguyện ngã vào tay của một kẻ thù không đợi trời chung.


Tôi ngưng nữa chừng, không dám xem tiếp câu chuyện của Thoa, người vợ sĩ quan với một tên cộng sản gộc…Tác giả đã diễn tả tâm trạng của Thoa như sau : Tình cảm con người thường bị chi phối và biến chuyển trong tầm mức suy diễn. Thực tế và mơ mộng cuốn hút nhau, quấn quýt rồi quật ngã trong những lúc mềm lòng yếu đuối. Hai mươi ngày vắng Tạo (cán bộ cộng sản), Thoa cảm thấy bồn chồn mong nhớ. Tình cảm manh nha đang như có những lối rẽ. Thời gian như phương tiện huyền diệu đủ phân tích lý lẽ đẻ đắn đo cân nhắc theo đòi hỏi nhu cầu cuộc sống dần dần nghiêng ngả về thực tế. Mà cuộc sống bây giờ là cơm, áo, gạo, tiền..

Đúng ra, nhà văn Nguyễn Thế Hoàng có lý khi bào chữa cho hoàn cảnh của Thoa lúc bấy giờ, nhưng riêng tôi, thì khó chấp nhận một sự đổi chiều tình cảm và phản bội chồng một cách dễ dàng để chấp nhận sống chung với tên cộng sản không đội trời chung…nếu đem trường hợp nầy đối chiếu với phong tục, đạo đức và lễ giáo của người đàn bà Việt Nam. Nhưng tôi đã lầm sau khi đọc xong cốt truyện, tác giả dụng ý đưa ra những lỗi lầm của người đàn bà Việt Nam, vợ một sĩ quan đi tù cộng sản không ngoài mục đích để đề cập đến hai vấn đề khác.

Đó là chủ trương của đảng cộng sản nhằm phá hoại gia phong, tình cảm và gia đình sĩ quan chế độ cũ. Chúng nhắm vào những người vợ cô đơn bất hạnh trong lúc chồng thuộc thành phần quân-cán-chính VNCH đang bị chúng lùa vào vòng tù tội (xin ghi nhận lời thú tội của Tạo, tên cán bộ cộng sản đã chứng minh chủ trương khốn nạn của cộng sản Hà Nội qua câu nói với Thoa : Anh chiếm đoạt được em hôm nay nghĩa là anh hoàn thành nhiệm vụ….).

Hơn nữa, đây cũng là thông điệp mà tác giả muốn gởi đến toàn thể dân chúng miền Bắc, nhất là tập đoàn cai trị để chúng thấy được tính nhân bản, tình người, sự hiểu biết, trình độ văn hóa và tinh thần vị tha của người sĩ quan QLVNCH là thế nào qua thái độ của Định, người chồng ra tù trở về đoàn tụ với gia đình, đã sẵn sàng tha thứ mặc dù vợ đã vi phạm một lỗi lầm lớn. (Lời của Định nói với vợ ngay trong giây phút tái ngộ : Do hoàn cảnh ngoài ý muốn, anh không buộc em điều đó. Điều mong muốn của chúng ta nhờ ơn Trên phù hộ chúng ta vẫn còn sống sót để có ngày gặp nhau hôm nay…)

Có phải đây là thông điệp của tác giả muốn nhấn mạnh đến tinh thần vị tha của những chiến sĩ VNCH trước những cảnh đau lòng mà chính vợ con họ đã vấp phải và biết hối cải ăn năn để làm bài học cho bọn cộng sản vô gia đình ? Theo tôi, đây là một lối dựng truyện có sáng tạo, có đích, có hồn, là hình thức tuyên truyền chống chế độ cộng sản đồng thời nêu cao tinh thần của người lính Miền Nam. Một lối tuyên truyền rất hữu hiệu, không cần kèn không cần trống nhưng sẽ âm thầm ảnh hưởng vào tâm trí đối với những ai còn một chút lương tri hiện đang sống dưới chế độ cộng sản.

Từ sau ngày đọc Như Hạt Bụi Đời, tôi ao ước có dịp để học hỏi thêm ở Nguyễn Thế Hoàng lối dựng chuyện, đồng thời theo chân ông dùng văn chương làm phương tiện truyền thông để góp phần đối đầu với âm mưu văn hóa vận của cộng sản.

Đến hôm nay, tôi có được ấn phẩm đầu tay của Nguyễn Thế Hoàng, do chính ông xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2007. Sách gồm 16 tiết mục, lấy những dữ kiện của chính cá nhân, gia đình hay bạn bè để viết ra dưới nhiều dạng từ truyện ngắn, bút ký, tạp ghi và kịch ngắn. Sách trình bày trong 345 trang với tựa đề ‘Chặng Đường Quê Hương’. Tôi dành thời gian khá dài để đọc hết tác phẩm nầy và hai truyện đầu trong tác phẩm đã gây nhiều ấn tượng trong tôi :

Mở đầu tuyển tập là truyện Chặng Đường Quê Hương, trong đó, vai chính có thể là tác giả, ông kể lại một chuyến trở về thăm làng cũ sau mười ba năm sống nơi đất khách quê người. Trở lại quê hương không đua đòi theo kiểu áo gấm về làng hay đi tìm của lạ và trả thù đời. Ông không thuê xe hơi để bóp còi inh ỏi ngay từ lúc vào làng, cũng không trưởng giả, dán thông cáo ‘Giờ trưa Việt kiều không tiếp khách’ trước cổng để cấm cửa bà con xa gần là không được quấy rầy giấc ngủ trưa ! Bước chân xuống máy bay, ông khép mình giản dị như một người dân quê địa phương và đi tìm gia đình người thân ở Láng Don, một ngôi làng hẻo lánh cách xa thị xã Phan Rang trên năm cây số. Ở đó, ông chia sẻ với gia đình người chị cùng xóm làng trong tình thân ruột thịt của người đồng hương, không màu mè, không khoe khoang, không dỗm đời của kẻ mới có tiền bắt chước học thói làm sang…
Ngoài hai truyện như đã trình bày ở trên, còn lại, ông thường mượn hình ảnh người đàn bà và bối cảnh xã hội Việt Nam sau ngày mất nước cũng như những gia đình may mắn ra đi để làm đề tài cho nội dung tập truyện. Tôi nghĩ rằng đây là chủ ý của ông để vinh danh người đàn bà Việt đồng thời nói lên thân phận con người trước và sau khi cộng sản chiếm xong miền Nam…cũng như những gia đình đã may mắn ra được nước ngoài nhưng lòng vẫn khắc khoải nhớ về quê hương.
Tác giả đưa ra nhiều khuôn mặt của hai thành phần đàn bà Nam và Bắc (Vợ sĩ quan QLVNCH và nữ cán bộ cộng sản vào chiếm miền Nam) để trình bày cùng độc giả qua các truyện, vài ví dụ điển hình :

- Con Đường Phía Trước : Trong 25 trang giấy, tác giả nêu lên trách nhiệm làm vợ làm mẹ thật hoàn hảo của một người vợ Quân-Cán-Chính thuộc chế độ cũ nuôi con trong lúc người chồng là sĩ quan Cảnh sát không có ngày về sau khi bị còng tay vào nhà tù cộng sản. Người vợ của các chiến sĩ VNCH một lòng chung thủy, vượt qua bao nhiêu sóng gíó và chờ đợi… Đây là gương sáng của người đàn bà Miền Nam, có học, có giáo dục gia đình cần phải vinh danh cho các thế hệ con cháu mai sau noi theo.

- Chị Út Quắn : Một thường dân nghèo nàn vô tội, không liên hệ gì với chế độ cũ, nhưng chỉ vì một miếng đất hương hỏa mà đảng cộng sản vẫn không bỏ sót. Chúng ngang nhiên buộc tội nạn nhân để cướp đất rồi tống đi vùng kinh tế. Đây là một trong hàng triệu trường hợp tương tự, cộng sản cướp của từ Nam ra Bắc và bất chấp khiếu nại của nạn nhân.
- Đổi Đời : Chuyện một nữ cán bộ cộng sản, sau 1975 đã tận tình vơ vét tìền của người dân và tài sản của Miền Nam. Trở thành tỷ phú thì kiếm đường chạy ra nước ngoài để theo phồng vinh giả tạo và kiếm những tên đầu trộm đuôi cướp ngày trước nhằm tìm nơi nương tựa cho tấm thân già.
Ngoài ra, một số truyện khác, ở trong đó, tác giả muốn gởi đến độc giả tình cảm của những người bỏ nước ra cũng như những người định cư nước ngoài qua các truyện :

- Vui buồn trong chuyến đi : Tác giả gởi đến độc giả hoạt cảnh nôn nóng của những người từ địa ngục sắp lên thiên đường ở tại khu công viện đối diện sở Ngoại Vụ Sàigòn còn gọi là ‘trung tân trao đổi tin tức’. Nơi đây tập trung những người đến để làm thủ tục xuất ngoại với những cảnh đau lòng cũng như cười ra nước mắt. Cám ơn tác giả đã cho chúng ta hiểu được phần nào tâm trạng và hoàn cảnh của những người sẽ được xuất ngoại công khai, từ đây độc giả có thể cảm thông với những người bạn cùng cảnh ngộ, nhất là đối với anh em HO của chúng ta.

- Bữa Cơm Chiều Cuối Năm : Một vài nét để cho những người nước ngoài cũng như giới trẻ hải ngoại hiểu được thế nào về ba chữ kinh tế mới. Đây là một âm mưu bóc lột, chiếm nhà đất rồi xua đuổi thành phần Quân-Cán-Chánh trước kia đi đến những vùng khỉ ho cò gáy, sống chết bỏ mặc, miễn là chúng chiếm được nhà đất, của cải của những gia đình có liên hệ với chế độ cũ. Các hoạt cảnh cũng chứng minh cho thề giới hay rằng, âm mưu kinh tế mới là một hình thức đem con bỏ chợ, đọa đày nhằm trả thù thành phần thuộc VNCH của bọn cầm quyền cộng sản Việt Nam.
Và cuối cùng tác giả không quên ghi tâm tư của những người đã sống ở Mỹ nhưng vẫn luôn nhớ đến VN qua các truyện Mùa Xuân Trong Trái Tim, Quê Hương Thương Nhớ, Một Thoáng Hương Xưa và v.v…. Đặc biệt, để chấm dứt tuyển tập, ông Nguyễn Thế Hoàng gởi đến độc giả một vở kịch thơ ngắn với tựa đề : Cộng Sản Đổ Rồi Bà Con Ơi !

Tóm lại lời văn Nguyễn Thế Hoàng trong sáng, chân thật và bình dị. Những yếu tố nầy giúp độc giả dễ cảm thông khi đọc văn của ông. Nhưng ông không phải là một người thợ, chỉ có sở trường sắp chữ để trở thành nhà văn, mà tất cả cố gắng của ông đều được cân nhắc, lựa chọn, gột rửa để diễn tả từ sự việc cho đến ý nghĩ, không ngoài mục đích gởi đến bạn đọc những suy tư thầm kín và một lý tưởng sắt đá của một cựu sĩ quan QLVNCH sau mười năm nín thở qua sông trong các trại tù của Việt cộng.

Có thể nói rằng tất cả người Việt đều mang sẵn nguồn văn thơ từ trong máu huyết. Một lúc nào đó hoặc một động lực nào đó sẽ tạo cơ hội cho cảm hứng chín mùi rồi tự nhiên biến thành thơ văn, do đó, chúng ta thường thấy đa số người Việt hải ngoại đều trở thành những văn nghệ sĩ. Nhưng muốn tránh trở thành thợ ghép vần hoặc sắp chữ thì Thơ phải sâu sắc và có hồn. Văn phải có chiều sâu và sáng tạo… Như vậy, theo tôi, trong số những người thành công trên văn đàn hải ngoại, độc giả thấy có tên ông Nguyễn Thế Hoàng.-
Đinh Lâm Thanh
(Paris, Mùa Noël 2010)


·

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét