Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

Giới Thiệu Sách "CHẶNG ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG"

Ngày 6 tháng 6 năm 2008
www.viet.no

Giới Thiệu Sách : CHẶNG ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG
của Nhà Văn Nguyễn Thế Hoàng


Tuyển tập CHẶNG ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG
Written by : Nguyễn Minh Tuấn
(giới thiệu)



Hai lần đổi máy bay, khởi hành vào sáng sớm và khi đến nơi cũng là lúc buổi sáng của ngày hôm sau. Chưa đi mới chỉ nghĩ đến, nào ngồi chờ boarding
, transit, rồi chờ nhiều giờ đồng hồ kẹp mình giữa hành khách lạ trên máy bay, múi giờ khác biệt..v..v.. đã thấy uể oải. Tôi chuẩn bị hành lý cho một chuyến đi xa, tự tìm cho mình một cuốn sách để mang theo. Bất kỳ một chuyến du hành nào, với tôi, cuốn sách là một bạn đường không thể thiếu vắng. Tôi lại có thói quen đọc truyện vừa suy diễn và gieo mình vào vai trò của từng nhân vật, ngay cả ngồi vào vị trí của tác giả (leser-forfatteren) để suy nghĩ về tình tiết của câu chuyện mà phán đoán sự kết thúc riêng cho mình trước khi đọc xong đoạn truyện. Giữa tôi và sách có một cuộc đối thoại ngầm, như thể chuyến đi của tôi không cảm thấy cô đơn nữa.

Tôi đã chọn cuốn “Chặng Đường Quê Hương” của Nhà Văn Nguyễn Thế Hoàng làm bạn đường, lý do cũng khá đặc biệt là vì cách đây 25 năm, lần đầu tôi đến xứ Phù Tang và nay lại có dịp trở lại. Chuyến đi lần trước, ở thời điểm đó Việt Nam còn khép kín. Ngày trở về chỉ là hoang tưởng đối với người tỵ nạn cộng sản như tôi.Trong chặng đường đến một quốc gia mà vị trí tương đối gần quê hương mình, tôi cho đó là điều may mắn, vã lại nếp sống và con người xứ Phù Tang dù sao cũng hao hao như dân mình, gần gũi hơn đời sống bên Châu Âu mà nhiều năm trời sống vẫn còn xa lạ. Chuyến đi đó gây cho tôi một cảm xúc như đang trở lại cuộc sống của thời gian trước 75, gặp lại bạn bè xưa…Sự háo hức làm tôi rưng rưng nước mắt khi nghe thông báo máy bay đang lượn trên vòm trời xứ Anh Đào và chuẩn bị hạ cánh xuống phi trường Narita.

Tôi nghĩ lúc ấy giả như máy bay đang lượn trên mảnh đất nhọc nhằn Việt Nam, tôi chắc sẽ òa khóc thật to. Tôi cũng đã tưởng tượng cảnh máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, việc đầu tiên là bắt chước các nhân vật lãnh tụ cúi mình xuống hôn đất, rồi giơ tay mở rộng lồng ngực để hít đầy không khí quê nhà. Thậm chí, khi ở nước ngoài, mang thân phận kẻ tỵ nạn, chúng tôi hay mơ tưởng có một vị thần nào đó mang đến cho mình một chai lọ chứa đầy không khí quê hương, để mỗi lần nhớ đến thì chỉ việc mở nắp mà hít thở. Quê Hương là lẽ sống thiêng liêng của chúng tôi đến thế.

Chuyến đi xa lần này tôi nghĩ “CHẶNG ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG” một tuyển tập truyện ngắn của Nhà Văn Nguyễn Thế Hoàng vừa gởi tặng, ít nhất đã gợi đúng tâm trạng của tôi đã từng một lần tưởng mình về lại Quê Hương và nay có thể nhờ những câu truyện này dẫn dắt mình về Đất Nước mà đã trên 30 năm tôi chưa một lần trở lại.

Tôi có thói quen tưởng tượng mỗi khi đọc truyện, cứ ngỡ mình đang ở vai trò của nhân vật, như chỉ ở mỗi việc qua xứ Anh Đào không thôi mà tôi đã rộn ràng như đang đặt chân về lại Quê Hương yêu dấu. Khi viết điều này tôi chợt nhớ lại lúc còn trẻ, mỗi lần đọc truyện hay coi phim, tôi chính là những nhân vật trong truyện, mà tất nhiên phải là những vai anh hùng khí phách hay làm chuyện nghĩa hiệp. Riêng về phái nữ thì tôi trộm nghĩ nếu cũng say mê dòng tưởng tượng như tôi, thì họ sẽ chọn thủ những vai giai nhân tuyệt trần, được anh hùng nghĩa hiệp nào đó liều chết cứu mình…Sau này khi đọc truyện cho con cái tôi lại thích đổi tên nhân vật, thường là tên con mình, nơi chốn và các nhân vật gia đình được đổi theo các tên bố mẹ, anh chị em, và địa danh quanh quẩn nơi chúng tôi ở…để con cái cứ ngỡ truyện viết đó nhắm về mình. Truyện đọc như thế sẽ gieo vào tâm hồn chúng những thông điệp của tác giả gửi gấm một cách trực tiếp. Việc tốt hơn nữa là chúng say mê đọc sách, là kết quả dễ hiểu.

Trở lại tuyển tập “CHẶNG ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG” của Nhà Văn Nguyễn Thế Hoàng, lối viết của tác giả đơn giản, trong sáng, mạch lạc và sâu sắc, như có sao viết vậy, không gò bó gượng ép, do đó đã giúp tôi đọc ít phải suy nghĩ. Chính đó là một ưu điểm mà người cầm viết cần phải có. Đồng thời chính sự phân tích tâm lý độc giả (psykoanalytisk)rất cẩn thận của tác giả Nguyễn Thế Hoàng, gạt bỏ cái vai trò riêng (Jeg-forfatteren) để độc giả cảm thấy như liên hệ đến chính mình. Văn thể, tác giả, và bố cục là nguyên tắc cơ bản để truyền đạt những ý tưởng, xem ra có vẻ tầm thường nhưng chính nó lại là điều thử thách rất lớn đối với người cầm bút. Nếu lấy sự yêu thích của độc giả làm thước đo tác phẩm của mình, được thế thì coi như tác giả đã thành công rồi. Khoảng cách đó coi vậy rất xa, không dễ ai cũng đạt được. Thế nhưng, CHẶNG ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG của Nhà Văn Nguyễn Thế Hoàng đã đạt được điểm son đáng khích lệ.

Cái nhân vật của tôi (biografier) bị quên lãng nhưng không vì thế mà tình tiết câu chuyện giảm sức lôi cuốn, mà còn gây rất nhiều ấn tượng (vekselvirkkning). Truyện ông viết có thể là những đề tài quen thuộc, thường mang “happy ending” ở phần kết, lại nỗi bật tính “văn dĩ tải đạo”, do đó, càng tăng cao giá trị tác phẩm của ông thật vững vàng. Những câu chuyện của Nhà Văn Nguyễn Thế Hoàng , tôi đoán chừng đã kể bằng máu và nước mắt về những điều trải qua như chính tên tuyển tâp của ông đã đặt.

“CHẶNG ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG”của tác giả Nguyễn Thế Hoàng là những sao chép suốt quãng đường niên thiếu lớn trong binh biến, xảy ra biến cố 30 tháng tư năm 1975 ở vào lớp tuổi trung niên, chứng kiến và cũng là nạn nhân trong lao tù bạo tàn Việt Cộng. Những hoài bão dang dỡ đang là những thao thức của một người xa xứ như Ông đã không cho phép Ông khoanh tay ngồi yên hưởng thụ.

Tấm lòng trăn trở đó khiến ông dùng ngòi bút của mình để viết về Chặng Đường Quê Hương của mọi tầng lớp con người, viết thay cho những nạn nhân của chế độ cộng sản bạo tàn, dối trá và ngòi bút của ông gởi gắm một thông điệp nhân bản, vị tha nhằm xây dựng một nước Việt Nam thịnh vượng mang lại đời sống hạnh phúc ấm no cho người dâm. Nhà Văn Nguyễn Thế Hoàng đã thành công trên văn đàn hải ngoại qua tác phẩm CHẶNG ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG.

Xin trang trọng được giới thiệu đến quý độc giả một cuốn sách hay, và giá trị trong kho tàng văn chương Việt Nam hải ngoại.-

NGUYỄN MINH TUẤN
http://www.viet.no/ (Na-Uy)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét