Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2010

MERRY CHRISTMAS & HAPPY NEW YEAR 2011


HAPPY NEW YEAR 2011

Những Cánh Hoa Hồng Trong Đêm Giáng Sinh

Tuyết đang rơi. Hồng Thủy đang ngồi ở khoảng sân sau nhà, em thấy lạnh hơn. Hồng Thủy không mang giày ống cao. Em không thích, mà em cũng chẳng có đôi nào. Chiếc áo khoác mỏng tanh không đủ giữ ấm cho Hồng Thủy. Em lạnh lắm.
Tuyết vẫn không ngừng rơi. Hơn một giờ trôi qua, em nghĩ mãi chưa ra món quà Giáng sinh tặng mẹ. “Ôi, thật là chán. Giờ đây nếu có nghĩ ra mua gì thì mình cũng đâu có tiền mà mua.” Em lắc đầu, mặt buồn rười rượi.
Đã ba năm kể từ khi bố qua đời. Ba năm qua, cả nhà năm miệng ăn đánh vật từng ngày với cuộc sống. Không phải vì mẹ không quan tâm, mà chỉ vì không biết bao nhiêu mới đủ. Mẹ làm cả ca đêm ở bệnh viện, nhưng đồng lương nhỏ bé cũng chỉ đủ chống chọi qua ngày.
Càng thiếu tiền và những thứ khác, cả nhà càng thương yêu và bảo bọc nhau hơn. Cùng với anh chị và một đứa em, Hồng Thùy đảm trách mọi việc nhà khi mẹ vắng. Ba chị em gái của em đã chuẩn bị những món quà Giáng sinh rất dễ thương cho mẹ rồi. Còn Hồng Thủy thì vẫn tay trắng, dù bây giờ đã là đêm Giáng sinh.
Lau vội dòng nước mắt, em đá chân vào tuyết và đi xuống phố, nơi các cửa hiệu đang lấp lánh ánh đèn màu và nhộn nhịp tiếng nhạc Giáng sinh. Một cô bé mười sáu tuổi mồ côi cha, sao giờ đây em thấy rất cần một người để chuyện trò. Nhưng sao khó quá !
Hồng Thủy đi dọc theo các cửa hiệu, nhìn đăm đắm vào những tủ kính được trang trí thật lộng lẫy. Mọi thứ sao mà đẹp đến thế, mà cũng xa tầm tay đến thế! Trời tối dần. Hồng Thủy đành phải quay về nhà. Bỗng mắt nàng bắt gặp một tia sáng nhỏ từ phía chân tường. Hồng Thủy cúi xuống và phát hiện ra đó là một đồng tiền sáng chói.
Giây phút đó, Hồng Thủy như thấy mình là kẻ giàu có hạnh phúc nhất thế gian. Một làn hơi ấm chạy dọc cơ thể. Hồng Thủy chạy nhanh về phía cửa hiệu đầu tiên vừa nhìn thấy lúc nảy. Nhưng rồi lòng phấn khích bỗng tan thành mây khói khi người chủ hiệu bảo rằng sẽ chẳng mua được thứ gì với đồng tiền này.
Hồng Thủy trông thấy một hàng hoa và quyết định bước vào trong chờ tới lượt mình.
“Gì vậy cháu?”, người bán hoa hỏi.
Hồng Thủy chìa đồng xu ra và nói rằng liệu tôi có thể mua một bông hoa làm quà Giáng sinh cho mẹ không ?
Người bán hoa nhìn vào đồng 10 xu. Đặt tay lên vai cô bé, ông trả lời: “Hãy đợi ở đây. Để chú xem chú có thể giúp cháu được gì nhé!”.
Đứng đợi, Hồng Thủy nhìn những bông hoa đầy màu sắc xung quanh. Dù là một cô bé vừa lớn nhưng Hồng Thủy có thể tưởng tượng được rằng mẹ và các chị em gái mình yêu những bông hoa như thế nào.
Tiếng cánh cửa đóng lại của người khách cuối cùng đưa Hồng Thủy trở về với hiện tại. Chỉ còn một mình trong cửa hiệu, em cảm thấy cô đơn và hơi chút lo sợ.
Bỗng người bán hoa xuất hiện, đi tới quầy. Ông lấy lên mười hai bông hồng đỏ thắm, với những cành lá xanh điểm xuyết những chấm hoa trắng li ti, được bó lại với một chiếc nơ bạc thật xinh. Tim Hồng Thủy như lặng đi khi người chủ hiệu đặt bó hoa vào một chiếc hộp màu trắng trong.
“Đây, của cháu đây. Tất cả là 10 xu.” Ông nói rồi chìa tay ra. Hồng Thủy đưa đồng xu một cách rụt rè. Ôi, không biết mình có nằm mơ không đây? Ai lại bán cả một bó hoa tuyệt đẹp thế kia với chỉ 10 xu cơ chứ! Dường như cảm nhận được vẻ lưỡng lự của cô bé, người chủ hàng hoa nói: “Chú đang bán giảm giá mười hai bông 10 xu, cháu có thích chúng không nào?”.
Nghe vậy, Hồng Thủy không còn ngần ngại nữa. Khi chạm tay vào chiếc hộp dài xinh xắn, cô bè mới tin rằng đó là sự thật. Bước ra khỏi hàng hoa, cô bé còn nghe giọng người bán hoa gọi với theo, “Giáng sinh vui vẻ nhé, con gái !”.
Người bán hoa quay vào, cùng lúc vợ ông đi ra. “Chuyện gì vậy anh?”
Nhìn ra ngoài cửa sổ, cố ngăn dòng nước mắt, ông nói: “Một điều kỳ lạ vừa mới xảy ra sáng nay. Em biết không, trong lúc anh sửa soạn mở hàng, anh nghe một giọng nói bảo rằng hãy dành ra một tá hoa hồng để làm một món quà đặc biệt. Rồi mải mê với công việc anh cũng không nhớ tới điều ấy cho lắm; nhưng vừa rồi không biết sao anh lại để mười hai bông hoa sang một bên. Chỉ một vài phút sau, một cô bé gái xinh xắn bước vào và hỏi mua một bông hoa tặng mẹ chỉ với một đồng mười xu. Anh bỗng nhớ lại…..
Đã lâu lắm, khi ấy anh là một thằng bé rất nghèo, không có lấy một đồng mua quà Giáng sinh cho mẹ. Đêm Giáng sinh năm ấy, khi đang lang thang một mình trên đường, anh gặp một người đàn ông xa lạ. Ông ấy ngỏ lời cho anh mười đôla. Đêm nay, khi gặp cô bé này, anh đã biết giọng nói ban sáng là của ai. Và anh đã để lại mười hai bông hoa đẹp nhất.”
Hai người ôm nhau thật lâu. Rồi họ bước ra khỏi nhà trong cái giá rét đêm Giáng sinh. Trời lạnh lắm, nhưng trong lòng họ ấm áp hơn bao giờ.
Nguyễn Thế Hoàng
*****************************************
Chúa ơi, Một mùa Giáng Sinh lại về với vạn vật đất trời, một mùa để “cho” và “nhận”. Xin cho con nghe được tiếng Chúa nói trong tâm hồn như người đàn ông bán hoa trong câu chuyện trên để con biết Chúa Hài Đồng Giêsu đang thực sự cần những món quà gì. Xin cho con biết trao tặng những món quà ý nghĩa trong mùa Giáng Sinh này mà không tính toán thiệt hơn, và cho những nơi mà con không mong được nhận lãnh lại. Amen!







Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

Đọc "CHẶNG ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG của Nhà Văn Nguyễn Thế Hoàng

Hôm nay, ngày 9 tháng mười hai, năm 2010
http://www.hvhnvtd.com/

ĐỌC “CHẶNG ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG” CỦA NGUYỄN THẾ HOÀNG
Đinh Lâm Thanh


ĐỌC 'CHẶNG ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG' CỦA NGUYỄN THẾ HOÀNG
* ĐINH LÂM THANH *



Trước đây tôi có dịp may đọc vài truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thế Hoàng, trong số nầy, chuyện ‘Như Hạt Bụi Đời’ đã để lại nhiều ấn tượng cho tôi khi ông viết về nỗi cay đắng của những người vợ các chiến sĩ QLVNCH phải gánh chịu trong thời gian chồng đi tù dưới chế độ cộng sản. Chuyện nầy ông trình bày trong khoảng 40 trang sách. Vai chính là người vợ của một sĩ quan của QLVNCH đang bị tù cộng sản, bà vợ ở nhà đã kiệt sức vì đời sống kinh tế khó khăn nên đã rơi vào tay một tay tên cộng sản và rồi công khai trở thành vợ một của tên cán bộ nầy. Đọc đến đây, tự nhiên tôi thấy tâm hồn chùng xuống, tinh thần hụt hẫng và lòng quặn đau trước hình ảnh một người vợ sĩ quan VNCH, trong một bước cùng nào đó, đã tự nguyện ngã vào tay của một kẻ thù không đợi trời chung.


Tôi ngưng nữa chừng, không dám xem tiếp câu chuyện của Thoa, người vợ sĩ quan với một tên cộng sản gộc…Tác giả đã diễn tả tâm trạng của Thoa như sau : Tình cảm con người thường bị chi phối và biến chuyển trong tầm mức suy diễn. Thực tế và mơ mộng cuốn hút nhau, quấn quýt rồi quật ngã trong những lúc mềm lòng yếu đuối. Hai mươi ngày vắng Tạo (cán bộ cộng sản), Thoa cảm thấy bồn chồn mong nhớ. Tình cảm manh nha đang như có những lối rẽ. Thời gian như phương tiện huyền diệu đủ phân tích lý lẽ đẻ đắn đo cân nhắc theo đòi hỏi nhu cầu cuộc sống dần dần nghiêng ngả về thực tế. Mà cuộc sống bây giờ là cơm, áo, gạo, tiền..

Đúng ra, nhà văn Nguyễn Thế Hoàng có lý khi bào chữa cho hoàn cảnh của Thoa lúc bấy giờ, nhưng riêng tôi, thì khó chấp nhận một sự đổi chiều tình cảm và phản bội chồng một cách dễ dàng để chấp nhận sống chung với tên cộng sản không đội trời chung…nếu đem trường hợp nầy đối chiếu với phong tục, đạo đức và lễ giáo của người đàn bà Việt Nam. Nhưng tôi đã lầm sau khi đọc xong cốt truyện, tác giả dụng ý đưa ra những lỗi lầm của người đàn bà Việt Nam, vợ một sĩ quan đi tù cộng sản không ngoài mục đích để đề cập đến hai vấn đề khác.

Đó là chủ trương của đảng cộng sản nhằm phá hoại gia phong, tình cảm và gia đình sĩ quan chế độ cũ. Chúng nhắm vào những người vợ cô đơn bất hạnh trong lúc chồng thuộc thành phần quân-cán-chính VNCH đang bị chúng lùa vào vòng tù tội (xin ghi nhận lời thú tội của Tạo, tên cán bộ cộng sản đã chứng minh chủ trương khốn nạn của cộng sản Hà Nội qua câu nói với Thoa : Anh chiếm đoạt được em hôm nay nghĩa là anh hoàn thành nhiệm vụ….).

Hơn nữa, đây cũng là thông điệp mà tác giả muốn gởi đến toàn thể dân chúng miền Bắc, nhất là tập đoàn cai trị để chúng thấy được tính nhân bản, tình người, sự hiểu biết, trình độ văn hóa và tinh thần vị tha của người sĩ quan QLVNCH là thế nào qua thái độ của Định, người chồng ra tù trở về đoàn tụ với gia đình, đã sẵn sàng tha thứ mặc dù vợ đã vi phạm một lỗi lầm lớn. (Lời của Định nói với vợ ngay trong giây phút tái ngộ : Do hoàn cảnh ngoài ý muốn, anh không buộc em điều đó. Điều mong muốn của chúng ta nhờ ơn Trên phù hộ chúng ta vẫn còn sống sót để có ngày gặp nhau hôm nay…)

Có phải đây là thông điệp của tác giả muốn nhấn mạnh đến tinh thần vị tha của những chiến sĩ VNCH trước những cảnh đau lòng mà chính vợ con họ đã vấp phải và biết hối cải ăn năn để làm bài học cho bọn cộng sản vô gia đình ? Theo tôi, đây là một lối dựng truyện có sáng tạo, có đích, có hồn, là hình thức tuyên truyền chống chế độ cộng sản đồng thời nêu cao tinh thần của người lính Miền Nam. Một lối tuyên truyền rất hữu hiệu, không cần kèn không cần trống nhưng sẽ âm thầm ảnh hưởng vào tâm trí đối với những ai còn một chút lương tri hiện đang sống dưới chế độ cộng sản.

Từ sau ngày đọc Như Hạt Bụi Đời, tôi ao ước có dịp để học hỏi thêm ở Nguyễn Thế Hoàng lối dựng chuyện, đồng thời theo chân ông dùng văn chương làm phương tiện truyền thông để góp phần đối đầu với âm mưu văn hóa vận của cộng sản.

Đến hôm nay, tôi có được ấn phẩm đầu tay của Nguyễn Thế Hoàng, do chính ông xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2007. Sách gồm 16 tiết mục, lấy những dữ kiện của chính cá nhân, gia đình hay bạn bè để viết ra dưới nhiều dạng từ truyện ngắn, bút ký, tạp ghi và kịch ngắn. Sách trình bày trong 345 trang với tựa đề ‘Chặng Đường Quê Hương’. Tôi dành thời gian khá dài để đọc hết tác phẩm nầy và hai truyện đầu trong tác phẩm đã gây nhiều ấn tượng trong tôi :

Mở đầu tuyển tập là truyện Chặng Đường Quê Hương, trong đó, vai chính có thể là tác giả, ông kể lại một chuyến trở về thăm làng cũ sau mười ba năm sống nơi đất khách quê người. Trở lại quê hương không đua đòi theo kiểu áo gấm về làng hay đi tìm của lạ và trả thù đời. Ông không thuê xe hơi để bóp còi inh ỏi ngay từ lúc vào làng, cũng không trưởng giả, dán thông cáo ‘Giờ trưa Việt kiều không tiếp khách’ trước cổng để cấm cửa bà con xa gần là không được quấy rầy giấc ngủ trưa ! Bước chân xuống máy bay, ông khép mình giản dị như một người dân quê địa phương và đi tìm gia đình người thân ở Láng Don, một ngôi làng hẻo lánh cách xa thị xã Phan Rang trên năm cây số. Ở đó, ông chia sẻ với gia đình người chị cùng xóm làng trong tình thân ruột thịt của người đồng hương, không màu mè, không khoe khoang, không dỗm đời của kẻ mới có tiền bắt chước học thói làm sang…
Ngoài hai truyện như đã trình bày ở trên, còn lại, ông thường mượn hình ảnh người đàn bà và bối cảnh xã hội Việt Nam sau ngày mất nước cũng như những gia đình may mắn ra đi để làm đề tài cho nội dung tập truyện. Tôi nghĩ rằng đây là chủ ý của ông để vinh danh người đàn bà Việt đồng thời nói lên thân phận con người trước và sau khi cộng sản chiếm xong miền Nam…cũng như những gia đình đã may mắn ra được nước ngoài nhưng lòng vẫn khắc khoải nhớ về quê hương.
Tác giả đưa ra nhiều khuôn mặt của hai thành phần đàn bà Nam và Bắc (Vợ sĩ quan QLVNCH và nữ cán bộ cộng sản vào chiếm miền Nam) để trình bày cùng độc giả qua các truyện, vài ví dụ điển hình :

- Con Đường Phía Trước : Trong 25 trang giấy, tác giả nêu lên trách nhiệm làm vợ làm mẹ thật hoàn hảo của một người vợ Quân-Cán-Chính thuộc chế độ cũ nuôi con trong lúc người chồng là sĩ quan Cảnh sát không có ngày về sau khi bị còng tay vào nhà tù cộng sản. Người vợ của các chiến sĩ VNCH một lòng chung thủy, vượt qua bao nhiêu sóng gíó và chờ đợi… Đây là gương sáng của người đàn bà Miền Nam, có học, có giáo dục gia đình cần phải vinh danh cho các thế hệ con cháu mai sau noi theo.

- Chị Út Quắn : Một thường dân nghèo nàn vô tội, không liên hệ gì với chế độ cũ, nhưng chỉ vì một miếng đất hương hỏa mà đảng cộng sản vẫn không bỏ sót. Chúng ngang nhiên buộc tội nạn nhân để cướp đất rồi tống đi vùng kinh tế. Đây là một trong hàng triệu trường hợp tương tự, cộng sản cướp của từ Nam ra Bắc và bất chấp khiếu nại của nạn nhân.
- Đổi Đời : Chuyện một nữ cán bộ cộng sản, sau 1975 đã tận tình vơ vét tìền của người dân và tài sản của Miền Nam. Trở thành tỷ phú thì kiếm đường chạy ra nước ngoài để theo phồng vinh giả tạo và kiếm những tên đầu trộm đuôi cướp ngày trước nhằm tìm nơi nương tựa cho tấm thân già.
Ngoài ra, một số truyện khác, ở trong đó, tác giả muốn gởi đến độc giả tình cảm của những người bỏ nước ra cũng như những người định cư nước ngoài qua các truyện :

- Vui buồn trong chuyến đi : Tác giả gởi đến độc giả hoạt cảnh nôn nóng của những người từ địa ngục sắp lên thiên đường ở tại khu công viện đối diện sở Ngoại Vụ Sàigòn còn gọi là ‘trung tân trao đổi tin tức’. Nơi đây tập trung những người đến để làm thủ tục xuất ngoại với những cảnh đau lòng cũng như cười ra nước mắt. Cám ơn tác giả đã cho chúng ta hiểu được phần nào tâm trạng và hoàn cảnh của những người sẽ được xuất ngoại công khai, từ đây độc giả có thể cảm thông với những người bạn cùng cảnh ngộ, nhất là đối với anh em HO của chúng ta.

- Bữa Cơm Chiều Cuối Năm : Một vài nét để cho những người nước ngoài cũng như giới trẻ hải ngoại hiểu được thế nào về ba chữ kinh tế mới. Đây là một âm mưu bóc lột, chiếm nhà đất rồi xua đuổi thành phần Quân-Cán-Chánh trước kia đi đến những vùng khỉ ho cò gáy, sống chết bỏ mặc, miễn là chúng chiếm được nhà đất, của cải của những gia đình có liên hệ với chế độ cũ. Các hoạt cảnh cũng chứng minh cho thề giới hay rằng, âm mưu kinh tế mới là một hình thức đem con bỏ chợ, đọa đày nhằm trả thù thành phần thuộc VNCH của bọn cầm quyền cộng sản Việt Nam.
Và cuối cùng tác giả không quên ghi tâm tư của những người đã sống ở Mỹ nhưng vẫn luôn nhớ đến VN qua các truyện Mùa Xuân Trong Trái Tim, Quê Hương Thương Nhớ, Một Thoáng Hương Xưa và v.v…. Đặc biệt, để chấm dứt tuyển tập, ông Nguyễn Thế Hoàng gởi đến độc giả một vở kịch thơ ngắn với tựa đề : Cộng Sản Đổ Rồi Bà Con Ơi !

Tóm lại lời văn Nguyễn Thế Hoàng trong sáng, chân thật và bình dị. Những yếu tố nầy giúp độc giả dễ cảm thông khi đọc văn của ông. Nhưng ông không phải là một người thợ, chỉ có sở trường sắp chữ để trở thành nhà văn, mà tất cả cố gắng của ông đều được cân nhắc, lựa chọn, gột rửa để diễn tả từ sự việc cho đến ý nghĩ, không ngoài mục đích gởi đến bạn đọc những suy tư thầm kín và một lý tưởng sắt đá của một cựu sĩ quan QLVNCH sau mười năm nín thở qua sông trong các trại tù của Việt cộng.

Có thể nói rằng tất cả người Việt đều mang sẵn nguồn văn thơ từ trong máu huyết. Một lúc nào đó hoặc một động lực nào đó sẽ tạo cơ hội cho cảm hứng chín mùi rồi tự nhiên biến thành thơ văn, do đó, chúng ta thường thấy đa số người Việt hải ngoại đều trở thành những văn nghệ sĩ. Nhưng muốn tránh trở thành thợ ghép vần hoặc sắp chữ thì Thơ phải sâu sắc và có hồn. Văn phải có chiều sâu và sáng tạo… Như vậy, theo tôi, trong số những người thành công trên văn đàn hải ngoại, độc giả thấy có tên ông Nguyễn Thế Hoàng.-
Đinh Lâm Thanh
(Paris, Mùa Noël 2010)


·

Giới Thiệu Sách "CHẶNG ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG"

Ngày 6 tháng 6 năm 2008
www.viet.no

Giới Thiệu Sách : CHẶNG ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG
của Nhà Văn Nguyễn Thế Hoàng


Tuyển tập CHẶNG ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG
Written by : Nguyễn Minh Tuấn
(giới thiệu)



Hai lần đổi máy bay, khởi hành vào sáng sớm và khi đến nơi cũng là lúc buổi sáng của ngày hôm sau. Chưa đi mới chỉ nghĩ đến, nào ngồi chờ boarding
, transit, rồi chờ nhiều giờ đồng hồ kẹp mình giữa hành khách lạ trên máy bay, múi giờ khác biệt..v..v.. đã thấy uể oải. Tôi chuẩn bị hành lý cho một chuyến đi xa, tự tìm cho mình một cuốn sách để mang theo. Bất kỳ một chuyến du hành nào, với tôi, cuốn sách là một bạn đường không thể thiếu vắng. Tôi lại có thói quen đọc truyện vừa suy diễn và gieo mình vào vai trò của từng nhân vật, ngay cả ngồi vào vị trí của tác giả (leser-forfatteren) để suy nghĩ về tình tiết của câu chuyện mà phán đoán sự kết thúc riêng cho mình trước khi đọc xong đoạn truyện. Giữa tôi và sách có một cuộc đối thoại ngầm, như thể chuyến đi của tôi không cảm thấy cô đơn nữa.

Tôi đã chọn cuốn “Chặng Đường Quê Hương” của Nhà Văn Nguyễn Thế Hoàng làm bạn đường, lý do cũng khá đặc biệt là vì cách đây 25 năm, lần đầu tôi đến xứ Phù Tang và nay lại có dịp trở lại. Chuyến đi lần trước, ở thời điểm đó Việt Nam còn khép kín. Ngày trở về chỉ là hoang tưởng đối với người tỵ nạn cộng sản như tôi.Trong chặng đường đến một quốc gia mà vị trí tương đối gần quê hương mình, tôi cho đó là điều may mắn, vã lại nếp sống và con người xứ Phù Tang dù sao cũng hao hao như dân mình, gần gũi hơn đời sống bên Châu Âu mà nhiều năm trời sống vẫn còn xa lạ. Chuyến đi đó gây cho tôi một cảm xúc như đang trở lại cuộc sống của thời gian trước 75, gặp lại bạn bè xưa…Sự háo hức làm tôi rưng rưng nước mắt khi nghe thông báo máy bay đang lượn trên vòm trời xứ Anh Đào và chuẩn bị hạ cánh xuống phi trường Narita.

Tôi nghĩ lúc ấy giả như máy bay đang lượn trên mảnh đất nhọc nhằn Việt Nam, tôi chắc sẽ òa khóc thật to. Tôi cũng đã tưởng tượng cảnh máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, việc đầu tiên là bắt chước các nhân vật lãnh tụ cúi mình xuống hôn đất, rồi giơ tay mở rộng lồng ngực để hít đầy không khí quê nhà. Thậm chí, khi ở nước ngoài, mang thân phận kẻ tỵ nạn, chúng tôi hay mơ tưởng có một vị thần nào đó mang đến cho mình một chai lọ chứa đầy không khí quê hương, để mỗi lần nhớ đến thì chỉ việc mở nắp mà hít thở. Quê Hương là lẽ sống thiêng liêng của chúng tôi đến thế.

Chuyến đi xa lần này tôi nghĩ “CHẶNG ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG” một tuyển tập truyện ngắn của Nhà Văn Nguyễn Thế Hoàng vừa gởi tặng, ít nhất đã gợi đúng tâm trạng của tôi đã từng một lần tưởng mình về lại Quê Hương và nay có thể nhờ những câu truyện này dẫn dắt mình về Đất Nước mà đã trên 30 năm tôi chưa một lần trở lại.

Tôi có thói quen tưởng tượng mỗi khi đọc truyện, cứ ngỡ mình đang ở vai trò của nhân vật, như chỉ ở mỗi việc qua xứ Anh Đào không thôi mà tôi đã rộn ràng như đang đặt chân về lại Quê Hương yêu dấu. Khi viết điều này tôi chợt nhớ lại lúc còn trẻ, mỗi lần đọc truyện hay coi phim, tôi chính là những nhân vật trong truyện, mà tất nhiên phải là những vai anh hùng khí phách hay làm chuyện nghĩa hiệp. Riêng về phái nữ thì tôi trộm nghĩ nếu cũng say mê dòng tưởng tượng như tôi, thì họ sẽ chọn thủ những vai giai nhân tuyệt trần, được anh hùng nghĩa hiệp nào đó liều chết cứu mình…Sau này khi đọc truyện cho con cái tôi lại thích đổi tên nhân vật, thường là tên con mình, nơi chốn và các nhân vật gia đình được đổi theo các tên bố mẹ, anh chị em, và địa danh quanh quẩn nơi chúng tôi ở…để con cái cứ ngỡ truyện viết đó nhắm về mình. Truyện đọc như thế sẽ gieo vào tâm hồn chúng những thông điệp của tác giả gửi gấm một cách trực tiếp. Việc tốt hơn nữa là chúng say mê đọc sách, là kết quả dễ hiểu.

Trở lại tuyển tập “CHẶNG ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG” của Nhà Văn Nguyễn Thế Hoàng, lối viết của tác giả đơn giản, trong sáng, mạch lạc và sâu sắc, như có sao viết vậy, không gò bó gượng ép, do đó đã giúp tôi đọc ít phải suy nghĩ. Chính đó là một ưu điểm mà người cầm viết cần phải có. Đồng thời chính sự phân tích tâm lý độc giả (psykoanalytisk)rất cẩn thận của tác giả Nguyễn Thế Hoàng, gạt bỏ cái vai trò riêng (Jeg-forfatteren) để độc giả cảm thấy như liên hệ đến chính mình. Văn thể, tác giả, và bố cục là nguyên tắc cơ bản để truyền đạt những ý tưởng, xem ra có vẻ tầm thường nhưng chính nó lại là điều thử thách rất lớn đối với người cầm bút. Nếu lấy sự yêu thích của độc giả làm thước đo tác phẩm của mình, được thế thì coi như tác giả đã thành công rồi. Khoảng cách đó coi vậy rất xa, không dễ ai cũng đạt được. Thế nhưng, CHẶNG ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG của Nhà Văn Nguyễn Thế Hoàng đã đạt được điểm son đáng khích lệ.

Cái nhân vật của tôi (biografier) bị quên lãng nhưng không vì thế mà tình tiết câu chuyện giảm sức lôi cuốn, mà còn gây rất nhiều ấn tượng (vekselvirkkning). Truyện ông viết có thể là những đề tài quen thuộc, thường mang “happy ending” ở phần kết, lại nỗi bật tính “văn dĩ tải đạo”, do đó, càng tăng cao giá trị tác phẩm của ông thật vững vàng. Những câu chuyện của Nhà Văn Nguyễn Thế Hoàng , tôi đoán chừng đã kể bằng máu và nước mắt về những điều trải qua như chính tên tuyển tâp của ông đã đặt.

“CHẶNG ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG”của tác giả Nguyễn Thế Hoàng là những sao chép suốt quãng đường niên thiếu lớn trong binh biến, xảy ra biến cố 30 tháng tư năm 1975 ở vào lớp tuổi trung niên, chứng kiến và cũng là nạn nhân trong lao tù bạo tàn Việt Cộng. Những hoài bão dang dỡ đang là những thao thức của một người xa xứ như Ông đã không cho phép Ông khoanh tay ngồi yên hưởng thụ.

Tấm lòng trăn trở đó khiến ông dùng ngòi bút của mình để viết về Chặng Đường Quê Hương của mọi tầng lớp con người, viết thay cho những nạn nhân của chế độ cộng sản bạo tàn, dối trá và ngòi bút của ông gởi gắm một thông điệp nhân bản, vị tha nhằm xây dựng một nước Việt Nam thịnh vượng mang lại đời sống hạnh phúc ấm no cho người dâm. Nhà Văn Nguyễn Thế Hoàng đã thành công trên văn đàn hải ngoại qua tác phẩm CHẶNG ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG.

Xin trang trọng được giới thiệu đến quý độc giả một cuốn sách hay, và giá trị trong kho tàng văn chương Việt Nam hải ngoại.-

NGUYỄN MINH TUẤN
http://www.viet.no/ (Na-Uy)