Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010

GIỌT NƯỚC MẮT KHÓC NGÀY VUI


GIỌT NƯỚC MẮT KHÓC NGÀY VUI
Nguyễn Thế Hoàng


Chuyến bay nội địa từ Seattle đến Orlando đang gặp phải thời tiết xấu, thân tàu nhồi lắc, nên hành khách trên phi cơ cảm thấy mệt, say sóng và tỏ ra lo lắng suốt hành trình. Cho đến khi phi cơ hạ cánh chạm mặt đất mọi người mới yên tâm, thở ra nhẹ nhõm. Riêng Tâm vẫn bình thản những lúc thân tàu lắc lư, nhồi xốc suốt chặng đường. Chàng hướng ánh mắt nhìn ngắm hàng lớp biển mây xám đen trôi bồng bềnh trong không gian qua ô cửa nhỏ, liên tưởng âm vang ký ức gợi nhớ những dòng nhạc vi vút không gian đã một thời tuổi trẻ cưỡi mây lướt gió, gào thét trong những phi vụ oanh kích, săn giặc thật hào hùng khắp vùng trời quê hương ngày cũ.
Hành khách khởi sự rời phi cơ, Tâm nối gót sau cùng. Lần đầu tiên đến thành phố du lịch của nước Mỹ, Tâm nghĩ rằng mình có thể sẽ có được một vài ngày vui cùng bạn bè với thời gian nghỉ phép vacation trong năm. Chuyến đi dự tính từ lâu giờ mới thực hiện và cũng là cơ hội đến thành phố này cùng bạn bè và Văn Thi Đàn Mây Viễn Xứ tổ chức đêm ra mắt mấy quyển sách mà Tâm đã xuất bản mấy năm trước. Chương trình Tâm đã thảo luận với bạn qua phone đã như ổn định trong mấy tháng trước.
Theo dự tính với Đức Dũng, người bạn duy nhất thì cuối tuần này Tâm mới đến, để có Dũng đón tại phi trường, nhưng giờ cuối Tâm lại khởi hành sớm hơn mà không báo Dũng biết. Đức Dũng là bạn cùng quê từ tuổi ấu thơ. Sau này hai người gặp nhau cùng một đơn vị trước năm 1975. Khi miền Nam bị lũ cướp giặc cộng cưỡng chiếm, Tâm và Dũng không còn gặp nhau, Cho đến vài năm gần đây tình cờ Tâm gặp lại Dũng một lần tại Seattle trong chuyến Dũng đi thăm người thân. Từ đó Dũng và Tâm thỉnh thoảng điện thoại cho nhau. Đức Dũng cũng là nhà văn, nhà thơ đã thành danh tại địa phương. Do đó, Tâm nhờ Dũng vận động bạn bè và Văn Thi Đàn Mây Viễn Xứ để tổ chức Đêm Ra Mắt Sách cho Tâm vào cuối tuần này.
Đã 5 giờ chiều. Những tia nắng cuối ngày đỏ hoe rực rỡ tận cuối chân trời. Chiều hoàng hôn, bầu trời trong xanh dịu mát trong cuối Xuân của tiểu bang nắng ấm tình nồng này. Tâm lững thững đi nhận hành lý rồi đảo mắt đón một chiếc taxi, tìm phòng ngủ, tắm rữa, nghỉ ngơi, đi ăn, sau đó thả bộ nhàn du nhìn ngắm vài nơi trong thành phố cho thư giản tinh thần.
Sáng hôm sau, vừa khi điểm tâm xong tại một tiệm ăn gần đó, Tâm trở về phòng, gọi bạn :
- Alô ! Dũng ! Tâm đây nè. Mình vừa mới đến tối hôm qua đang ở khách sạn Orlando Marriott Downtown , trên đường Livingston St, phòng số 324 đây.
- Ồ ! Tâm ! Sao cậu qua sớm vậy ? Hôm nay mới thứ ba mà. Cậu hẹn với mình thứ sáu mới đến để mình đón.
- Biết thế. Nhưng tuần lễ vacation bắt đầu thứ hai, nên đi sớm…vừa du ngoạn, vừa rộng rãi thì giờ bàn bạc, sắp xếp thêm với các bạn cho Đêm Ra Mắt Sách của mình được chu đáo, chứ nằm không ở nhà uổng phí. Đến Orlando, tất cả đều xa lạ, nhưng nghĩ rằng duyên văn nghệ dù chưa quen thân, cũng như đã quen thân rồi…nên mình mới…can đảm mang chuông đi đánh xứ người. Có gì đi nữa, mình vẫn trông cậy vào cậu.
- An tâm đi. Chớ lo. À mà này ! Đi một mình hả ? Đi một mình thì buồn chết. Sống độc thân như cậu…phí cả cuộc đời ! Để tớ giúp cậu sẽ…không còn lẻ loi được chứ ? Nè, mà sao không báo cho mình ra phi trường đón ?
Nghe bạn hỏi, Tâm cười dòn trong máy :
- Dũng biết mình như thế nào rồi, cu ky độc thân, cơm hàng cháo chợ từ ngày ra tù việt cộng cũng đã ba mươi bảy năm rồi còn gì.. Số phận mình như thế, mà suốt đời chỉ một lần cưới vợ mà thôi. Nhắc đến càng thêm mệt.
- Xin lỗi nhé ! Đùa cho vui, tớ biết tính cậu rồi mà. Nè, tớ sẽ đến hotel đón cậu về nhà tớ ngay bây giờ.
Ngập ngừng vài giây Dũng nói nhanh :
- Tâm à ! Lại đang có trở ngại, chưa biết tính sao…! À ! mà thôi..! hẹn cậu 3 tiếng đồng hồ nữa tớ đến đón, giờ đang bận tí việc gấp. Sẽ bàn sau.
- Trở ngại gì thế Dũng ?
- Yên tâm ! sẽ thảo luận với Tâm sau. Thôi nhé ! Ba tiếng đồng hồ nữa, tớ đến hotel. Đừng đi đâu nhé. Bye.
Tâm gát ống nghe lên máy, lẩm nhẩm “đang có trở ngại” điều gì đây khiến Tâm lại có chút lo. Tâm thẫn thờ thả người nằm dài trên giường với những suy nghĩ vẩn vơ. Nỗi lo lắng xen lẫn dư âm đôi câu nói chọc quê của bạn bè thỉnh thoảng cợt đùa cũng như những lời Dũng vừa vui miệng lại là dấu ấn dằn vặt, nghiến nát cõi lòng Tâm xót xa thân phận. Lâm Thị Diệu Ngân ơi ! Em ơi ! Tòa lâu đài hạnh phúc rực rỡ ngày nào ! Người vợ trẻ đẹp, kiều diễm kiêu sa của ba mươi bảy năm về trước ! Em đang ở đâu, hả em ! Thế giới vô hình, hửu hình sao quá bao la, nhiêu khê, rùng rợn ngăn cách dấu chân tìm kiếm, che khuất ánh mắt dõi trông. Hai mươi năm tròn có mặt trên vùng đất tự do, anh dõi tìm vết chân em, hình bóng em qua bao phương cách vẫn là bóng chim tăm cá ! như cơn gió thoảng giữa cánh đồng vắng mênh mông ! Sao mịt mùng xa cách nghìn trùng ! Lâm Thị Diệu Ngân ! Viên ngọc quý của anh !Anh vẫn dõi tìm em suốt trọn cuộc đời này mãi mãi đến tận cùng !

Ngày ấy ! Mùa hè đỏ lửa 1972 trong một phi vu oanh kích yểm trợ quân bạn vùng rừng núi tây nguyên. máy bay của Tâm bị trúng đạn phòng không địch, bốc cháy, Tâm nhảy dù thoát khỏi máy bay. Tâm bị thương nặng, được tải thương về quân y viện. Mặc dầu có bác sĩ, y tá, điều dưỡng, tận tình cứu chữa. Nhưng đặc biệt nhất, người nữ trợ tá xã hội trẻ đẹp đôi mươi Lâm Thị Diệu Ngân, hoa khôi của trường Xã Hội đã hết lòng chăm sóc dành riêng Tâm từng miếng ăn, giấc ngủ, quần áo, tắm rửa, thủ tục giấy tờ, kể cả tiền bạc….Lúc nào Diệu Ngân cũng cận kề bên Tâm vỗ về, an ủi Tâm ngày đêm bên giường bệnh chẳng khác nào người vợ hiền lo lắng nuôi bệnh cho chồng. Trong vai trò người nữ trợ tá xã hội, đôi lần Diệu Ngân đích thân tìm kiếm, liên lạc với gia đình Tâm quê ở Vĩnh Long, báo tin, an ủi, động viên tinh thần cha mẹ già của Tâm. Gia đình Tâm ở quê neo đơn, anh chị em không có. Diệu Ngân tự mình đích thân đưa dẫn cha mẹ Tâm từ quê đến quân y viện thăm con, lo chỗ ăn chỗ ở cho ông bà rồi lại đưa đón ông bà trở về lại quê.
Lâm Thị Diệu Ngân, người nữ trợ tá xã hội trẻ đẹp, kiêu kỳ đã từng làm điên đảo bao chàng trai si tình, nhưng nào ai có diễm phúc được lọt vào đôi mắt xanh thục nữ. Thế mà, như một định mệnh an bài, lương duyên kỳ ngộ, con chim vành khuyên quy hàng, chấp nhận ẩn dưới đôi cánh đại bàng…ngay ngày đầu tiên tại quân y viện vừa gặp chàng trung úy phi công trẻ hào hoa Nguyễn Hoàng Tâm. Diệu Ngân như đã bị tiếng sét ái tình đánh trúng. Còn Tâm thì “ngất ngư con tàu” trước “đóa hoa thanh sắc lạc giữa rừng gươm” không thể xa rời dù trong gang tấc.
Ba tháng điều trị tại quân y viện qua rất nhanh và cũng là thời gian tươi đẹp hưng phấn nhất cuộc đời Tâm – Ngân. Trái tình yêu đã chin mùi giữa chàng phi công Nguyễn Hoàng Tâm tài hoa và nàng nữ trợ tá xã hội Đoàn Nữ Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Lâm Thị Diệu Ngân sắc nước hương trời. Rời quân y viện, Tâm trở lại đơn vị với bạn bè để tiếp tục tung hoành chiến đấu giữa không gian khói lửa. Những cuộc hẹn hò bên nhau, tay trong tay thề non hẹn biển. Những giây phút má tựa vai kề sung mãn tình yêu xây dựng tương lai hạnh phúc đầy ăm ắp mộng lớn mộng con trong những ước mơ để rồi cũng vào cuối năm đó tiệc cưới linh đình đã diễn ra trọn niềm mơ ước.
Năm sau bé Diệu Thủy ra đời, chứng tích tình yêu, lâu đài hạnh phúc đôi uyên ương Tâm Ngân toàn bích. Nhưng cuộc đời không bằng phẳng như ước muốn. Cuối năm 1973, trong một phi vụ oanh kích Bắc Việt, phi cơ của Tâm lại bị trúng đạn từ mạng lưới phòng không địch bắn lên, bốc cháy. Tâm phải nhảy dù ra khỏi phi cơ và đã bị giặc Hồ lưu đày nghiệt ngã trong nhà lao núi rừng việt bắc. Từ đó, Tâm đã mất hẳn liên lạc với Diệu Ngân và tất cả người thân. Năm 1986, Tâm mới thoát được ngục tù giặc cộng, trở về tổ ấm ngày xưa. Nhưng tất cả chỉ là con số không trước mắt. Mọi sự đã hoàn toàn thay đổi. Cha mẹ già của Tâm đã qua đời lúc Tâm bị giặc giam cầm tù đày. Thân nhân, bà con không còn ai. Nhà cửa ruộng đất của gia tộc bị bạo quyền giặc cộng chiếm đoạt trắng trợn. Tứ cố vô thân. Tâm kéo lê cuộc đời tàn tạ khốn đốn giữa nhà tù lớn xã hội chủ nghĩa cùng gia đình người chú họ tại Saigon. Riêng gia đình, thân nhân phía vợ cũng đã tan tác, lưu lạc khắp nơi, kẻ còn người mất. Tâm đã để nhiều thì giờ lần tìm tin tức hai mẹ con Diệu Ngân, nhưng chỉ là công dã tràng. Điều duy nhất mà Tâm biết đích xác được vợ con chàng đã chạy theo làn sóng người ào ạt trốn lánh giặc từ Saigon ra Vũng Tàu tìm ghe thuyền vượt thoát ra khơi vào đúng cái ngày đen tối nhất của dân tộc Việt Nam, ngày quốc hận 30 tháng tư đen 1975 khốn nạn ấy. Để rồi từ đó đến hôm nay, qua bao thăng trầm cuộc đổi đời Tâm chưa xác nhận được Diệu Ngân, Diệu Thủy đã định cư tại quốc gia nào, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Na Uy, Canada, Úc… hoặc cũng có thể đã vùi thây dưới lòng đại dương sâu thẳm..!

Có tiếng gõ cửa phòng ngủ.Tâm vội ngồi dậy cắt ngang dòng suy tư quá khứ mà mỗi khi lòng buồn lại cứ tuôn tràn như dòng thác lũ.
- Mở cửa. Dũng đây Tâm.
Tâm bước vội mở cửa. Hai bạn gặp nhau, ôm chặt tay nhau với xiết bao mừng vui.
- Tớ đưa cậu về nhà tớ, nhà đang chờ cơm. Mang hết hành lý về nhà tớ đi, làm gì ở phòng ngủ phí tiền vô ích thế này.
Tâm không chú ý điều bạn vừa nói, nôn nóng hỏi Dũng :
- Lúc nãy Dũng nói đang có trở ngại, chưa biết tính sao ? Chuyện gì thế ?
- Ấy chết ! quên mất ! Nhà Văn Mặc Nhiên, Trưởng Văn Thi Đàn Mây Viễn Xứ vừa qua đời ngày hôm kia, vì ung thư. Một số thành viên và thân hửu trong Văn Thi Đàn có trách nhiệm tổ chức Đêm Ra Mắt Sách cho cậu vào ngày thứ bảy này vừa gặp nhau tại nhà quàn hôm qua đã thảo luận có nên đình chỉ hay tiếp tục tổ chức Đêm Ra Mắt Sách. Người nói nên đình lại một ngày giờ khác, người nói cứ tiếp tục. Nhưng ý kiến đình chỉ thì vượt đa số với lý do là nội bộ đang có tang tóc đau buồn cho người bạn mình vừa nằm xuống. Anh em bàn qua bàn lại như thế, tớ vội đưa ý kiến là để điện thoại hỏi ý kiến cậu. Mọi người đồng ý. Rồi chưa kịp gọi điện thoại cho cậu thì vừa lúc không ngờ cậu lại qua đây sớm hơn. May quá. Thế thì sẳn đây ý kiến cậu thế nào, cậu nghĩ sao ?
Tâm sững sờ ngơ ngác trước sự kiện xảy ra quá bất ngờ cho dự tính của mình và của các bạn. Tâm cảm thấy lúng túng chưa thể có được câu trả lời trước vấn đề mà thời gian vừa qua Tâm đã ấp ủ, dự trù, chuẩn bị, đặt bao niềm tin, hy vọng.
Tâm thờ thẫn nói như không ra hơi :
- Nếu đình chỉ thì thông báo, giấy mời, địa điểm, ẩm thực…tất cả gì gì đó mọi chuyện đã phát ra, làm sao đình lại kịp, bà con sẽ trách mình.
- Chuyện dễ dàng thôi, cậu khỏi lo. Nếu đình chỉ thì anh em sẽ hoàn tất thu hồi rất êm đẹp. Bọn tới có những phương tiện thông báo, nhất là đám tang anh Mặc Nhiên còn kéo dài đôi ngày nữa tại nhà quàn. Bạn bè, thân hửu, đồng hương đang đến thăm viếng linh cửu rất đông. Theo tớ nghĩ việc đình chỉ cũng hợp lý thôi. Dù là sinh hoạt văn học nghệ thuật của một Văn Thi Đàn, mà người chủ gia đình (Trưởng Văn Thi Đàn) qua đời thì làm sao vui được chứ !
- Nói thế, quyết định đình chỉ là chắc chắn rồi đấy chứ ?
- Ý kiến đa số đấy.
- NHà Văn Mặc Nhiên hưởng thọ bao nhiêu tuổi ? Gia cảnh anh ấy ra sao hả Dũng ?
- Anh ấy khoảng 65, cùng lứa tuổi bọn mình. Vợ hai con đã trưởng thành. Bà xã của Mặc Nhiên cũng là nhà thơ đấy. Sau 30 tháng tư đất nước tang thương anh chị Mặc Nhiên vượt thoát được, định cư ở Pháp và đã sinh hoạt văn học nghệ thuật bên ấy rất rôm rả. Hai vợ chồng vừa dời cư từ Paris về đây được tám năm nay, vì có cô con gái cưng là dược sĩ đang làm việc tại một bệnh viện ở đây để được tiện lợi gần nhau. Về đây, vợ chồng Mặc Nhiên phối hợp cùng bạn hửu đứng ra thành lập Văn Thi Đàn, rất nhiều văn nghệ sĩ hưởng ứng và sinh hoạt có tầm vóc, rãi rác đến một vài tiểu bang. Theo ý Tâm tiền bán được sách sẽ gởi toàn bộ giúp thương phế binh và cô nhi quả phụ Việt Nam Cộng Hòa. Như thế, theo tôi nghĩ Đêm Ra Mắt Sách của cậu sẽ đông và thành công lớn vì đồng hương tại địa phương này sẽ ủng hộ hết mình.
Tâm dò ý kiến Dũng một lần nữa :
- Thế cậu cũng đồng thuận ý kiến đình chỉ theo khối đa số mà cậu vừa nói chứ ?
Dũng nhìn bạn cười cười, không trả lời mà nhắc lại câu hỏi lúc đầu.
Tâm nói :
- Đối tượng chính của Đêm Ra Mắt Sách chính là tôi. Nhưng thành công hay thất bại của Đêm Ra Mắt Sách lại chính là Ban Tổ Chức, mà Văn Thi Đàn Mây Viễn Xứ cùng bạn bè thân hửu đăng cai tổ chức. Tùy hoàn cảnh Ban Tổ Chức có trọn quyền quyết định. Về phương diện tình cảm và tâm linh đối với người Việt Nam không ai vui thú gì khi mà nội bộ đang có nỗi buồn mất mát, sự đau đớn và tang tóc xảy ra. Chúng ta nên đình chỉ là hơn để mặc niệm, tưởng nhớ đến người bạn của mình đã khuất. Chúng ta chờ đến một ngày giờ nào đó thuận lợi sẽ tổ chức. Tôi không có thẩm quyền đòi hỏi, yêu cầu Ban Tổ Chức làm theo ý mình. Tôi xin cám ơn qúy văn thi hửu, bạn bè thân hửu ở đây đã có nhã ý hỏi ý kiến tôi. Tôi nhờ Dũng chuyển ý kiến của tôi đến tất cả qúy bạn. Đến thành phố này, tôi chỉ quen biết Dũng là người duy nhất, ngoài ra, tất cả đều xa lạ. Nói thì nói thế, thật sự tôi cũng đã ngưỡng mộ văn tài của một số văn nghệ sĩ ở đây, nhưng văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình, chỉ có những dịp như thế này có thể để được biết mặt nhau.
- Cám ơn Tâm. Tớ sẽ chuyển lời. Vấn đề đã được giải quyết.
Tâm nói thêm :
- Có thể sang năm mình lại lấy vacation qua đây nhờ bạn bè thực hiện Đêm Ra Mắt Sách. Hôm nay hoặc ngày mai, mình về lại bên ấy vì còn nhiều việc phải làm.
- Gì mà gấp thế. Ở vài hôm rồi về. Nói gì thì nói, hãy về nhà tớ dùng cơm, nghĩ ngơi. Chúng ta còn nhiều chuyện để nói. Chiều này, chúng mình đến nhà quàn viếng xác anh Mặc Nhiên và có thể gặp những người bạn khác giới thiệu với cậu.

Mới năm giờ mà trời đã sẫm tối. Khu vực nhà quàn rất rộng với những trụ đền rải rác không sáng lắm. Những bãi đậu xe đầy ắp xe. Người ra, người vào tiếp nối trong im lặng trong cùng một lối phục sức chỉnh tề hầu hết màu đen tối gần như đồng nhất. Vì là khu vực tang lễ, nên quang cảnh bên ngoài cũng như bên trong thoáng nhìn thật âm u trầm lắng, khác hẳn cảnh sinh hoạt đông đúc, náo nhiệt nơi đô thị ngoài kia. Vào nơi đây, vị trí con người như đang chuyển từ động đến tĩnh để nhận diện ra được ở chính mình, ở chính mỗi người cái thân phận làm người bé mọn đang trầm luân giữa cõi thế gian. Sinh ký tử quy. Đã là con người không ai tránh khỏi bước qua con đường này. Nét mặt trầm ngâm, thái độ giữ kẻ, ý chí tuân thủ tập tục và lịch sự tối thiểu trên mỗi khuôn mặt thật rõ nét. Từ ngoài vào đến cửa chính và ngay trong các phòng bên trong vẫn có những tốp nhỏ tụm nhau trò chuyện nho nhỏ trong sự dè dặt và trang nghiêm.
Tâm len lõi qua từng tốp người đang đứng tràn từ bên trong ra đến cửa, đến sân. Nhìn qua nhìn lại, Tâm lại chẳng thấy Dũng đâu. Người viếng quá đông. Đồng thời chẳng bắt gặp được khuôn mặt nào quen biết. Tất cả đều xa lạ. Vừa vào được đến phòng trong, Tâm chợt thấy Dũng đang đứng ghi tên vào sổ thăm viếng. Tâm lách người chồm tới nhắc nhỏ Dũng nhớ ghi tên mình. Nhưng Tâm không thể nào yên vị một chỗ và đang bị đám đông đùn đẩy một cách nhẹ nhàng lịch sự cho đến lúc Tâm bị giạt vào được phòng chính bên trong. Phòng chính rất rộng đầy lúc nhúc người khó mà chen chân. Tất cả những dãy ghế không còn một chỗ trống. Đã cùng đường không còn lối đi, ai đứng đâu yên vị đó. Tâm chen được vào một chỗ trống trong một góc xa ở cuối phòng để nhìn thông suốt được toàn cảnh và phía xa trước mặt, nơi đặt cổ quan tài của nhà văn Mặc Nhiên. Bên trên quan tài, bức ảnh bán thân cở lớn của Nhà Văn được treo sát vách đối diện với cử tọa. Tâm được dịp nhìn ngắm nhà văn Mặc Nhiên lần đầu tiên, người mà Dũng đã giới thiệu đôi lần qua điện thoại khi thảo luận Đêm Ra Mắt Sách của Tâm. Đẹp trai, hào hoa, cương nghị và thể lực trông tráng kiện. Có thể ảnh chụp lúc còn trẻ. Rất nhiều vòng hoa phúng điếu đủ cỡ mà Tâm ước tính phải trên bốn mươi được xếp bốn hàng dài hai bên. Một bàn Phật nhỏ, gọn đặt bên trái trước linh cửu, trầm hương nghi ngút. Một bàn nhỏ đặt bên phải vọng vong linh cũng có khung ảnh nhà văn Mặc Nhiên và hoa quả nhang đèn. Toàn cảnh tang lễ trang nghiêm, ấm cúng và nhất là đã thể hiện được tình yêu thương, tình đồng loại giữa con người với con người lưu xứ. Nhìn về phía gia quyến thân nhân người đã khuất, vì đứng khá xa, Tâm chỉ thấy lác đác không quá mười vành khăn trắng lớn nhỏ đang ngồi ở hàng ghế đầu. Tâm đã hiểu được gia cảnh của Mặc Nhiên ít người. Tâm cảm thấy xót cho người đã khuất. Nhưng khi nghĩ đến thân phận chính mình cũng đang ở tuổi về chiều, một ngày nào đó nhắm mắt xuôi tay tìm đâu ra được một vành khăn trắng cư tang cho mình. Cha mẹ, vợ con, cháu chắt, thân nhân tìm đâu ra giữa chốn lưu vong xứ người khi trên đường trở về với cát bụi. Mịt mù xa vắng quá ! Cô đơn lạnh lẽo giữa cõi đời ô trọc đến miền miên viễn. Ôi ! chiến tranh ! Thật khốn nạn ! Khốn nạn vô cùng ! Lũ ma đầu bán nước bắc bộ phủ ! Lũ côn đồ đảng cướp việt cộng đã du nhập chủ thuyết cộng sản lạc hậu về tiêu diệt dân tộc, cướp mất hạnh phúc con người. Chính 85 triệu đồng bào hôm nay là 85 triệu nạn nhân khốn cùng vì chúng.
Theo hai lối nhỏ dọc hai bên vách phòng vẫn có người đứng dày đặc, nhưng mọi người vẫn âm thầm len lõi xếp hàng chen vào nối đuôi nhau đi lên hướng linh cửu để viếng xác. Tâm lại đảo mắt dõi tìm Dũng, nhưng anh chàng mất tiêu, cũng có thể Dũng gặp bạn bè mãi mê câu chuyện. Bây giờ mà len lõi tìm Dũng là chuyện khó khăn, còn gây sự khó chịu đối với mọi người cần sự yên lặng. Hầu hết mọi người có thể đang dâng lời cầu nguyện theo tín ngưỡng của mình cho người quá cố trong bối cảnh này. Tâm cũng đang hướng lòng lên Đấng Tối Cao...Thì cũng vừa lúc Tâm chú ý đến một thiếu phụ mặc y phục đen, dáng người thanh nhã, mảnh khăn tang trắng xóa phũ trùm mái tóc đen xuống tận đôi vai gầy, che lấp vầng trán và mấp mô che gần khuất đôi gò má bầu bĩnh. Nàng đang từ hướng cửa len lõi từng bước một đi vào. Tuy đứng cách khá xa, dưới ánh sáng mờ Tâm càng chú ý hơn dáng dấp của người thiếu phụ, nhưng khó nhìn rõ khuôn mặt. Trong lúc tiềm thức hiện lên khá rõ nét thân quen của đối tượng mà Tâm chú ý. Người thiếu phụ rất khó khăn mới thoát lên được ở hàng ghế đầu dành cho gia quyến. Tâm nghĩ có lẽ người thiếu phụ kia là phu nhân của nhà văn Mặc Nhiên.
Trong lúc mọi người lần lượt viếng xác trước linh cửu, chương trình chia xẻ tâm tình của cá nhận và đoàn thể tiếp tục. Cho đến lúc một vị cao niên đại diện một hội đoàn bước lên bục, cầm micro phát biểu lời chia sẻ và khởi đầu bằng câu “Thưa chị Diệu Ngân, phu nhân nhà văn Mặc Nhiên, cùng gia quyến… Vừa nghe câu phát biểu đầu tiên ấy của vị cao niên phát ra đã khiến cho Tâm sững sờ, ngẩn ngơ với cái tên Diệu Ngân quen thuộc. Tâm nhướng người lên, trố mắt nhìn chăm chăm lên phía vị cao niên đang nói, nhìn người thiếu phụ vừa chợt thấy lúc nảy đang ngồi hàng ghế đầu…nhìn quang cảnh…nhìn chăm chăm từng thứ hiện diện hướng trước mặt. Đôi mắt Tâm hoa lên…nhạt nhòa…tai lùng bùng…đầu óc bồng bềnh theo âm vang văng vẳng hai tiếng Diệu Ngân vừa lọt vào đôi tai chàng rõ ràng, chính xác…và loáng thoáng giọng nói của vị cao niên lúc trầm, lúc bổng…Cho đến lúc vị cao niên kết thúc lời chia sẻ bằng câu “Tôi xin thay mặt Hội Cao Niên Thành Phố thành thật chia buồn cùng Nhà Thơ Lâm Thị Diệu Ngân và gia quyến trước sự mất mát to lớn của gia đinh ! Cầu nguyện Đấng Chí Tôn tiếp dẫn hương linh Nhà Văn Mặc Nhiên về cõi Niết Bàn…”
Trời ! Có thật không ?! Thực tại hay đang trong giấc mơ..! Khi nghe rõ ràng cả tên và họ “Lâm Thị Diệu Ngân”…Tâm bối rối, xúc động tột độ. Tâm như chóng mặt, cố giữ thế đứng thật vững. Bây giờ, Tâm quyết giữ lòng mình thật bình tĩnh để thẩm định thực hư. Rất có thể trùng hợp tên và họ người nào đó là thường tình. Rất có thể người vợ yêu quý ngày xưa đã gian truân lưu lạc tại đây. Chuyện có thể xảy ra rất bình thường khi Đất Nước tan tác tang thương sau ba mươi tháng tư đen bảy lăm. Dòng định mệnh cuộc đời mỗi người khó lường trước được. Đúng, sai phải bình tâm tự chế tình cảm được ổn định trong bối cảnh tang chế đau thương này. Đã ba mươi bảy năm rồi, ngày Tâm bị loài cộng phỉ miền Bắc cầm tù ở núi rừng Việt bắc cho đến nay, cái tên thân thương Lâm Thị Diệu Ngân lại vừa được nghe người khác nhắc đến lần đầu tiên giữa bối cảnh dỡ khóc dỡ cười tối hôm nay.
Vài phút trấn an tinh thần, Tâm quyết định kiểm chứng sự thật. Tâm len lõi xếp hàng nối đuôi theo mọi người lên viếng xác người quá cố, mục đích được đến gần hơn nhìn cho rõ khuôn mặt người thiếu phụ mà Tâm chợt thoáng thấy lúc nãy. Bây giờ một phần Tâm có thể quyết đoán rằng người thiếu phụ ấy là Lâm Thị Diệu Ngân, người nữ trợ tá xã hội Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa năm xưa đang hiện diện trong gian phòng này, hoặc cũng có thể là một người đàn bà nào đó trùng cả tên họ.
Lần từng bước một theo dòng người mỗi lúc mỗi gần hơn, đôi mắt Tâm không rời hàng ghế đầu dành cho gia quyến. Trên hàng ghế ấy có bốn đứa nhỏ cùng trạc tuổi, hai thanh niên, hai thiếu nữ và người thiếu phụ. Tâm đoán chắc rằng có thể Nguyễn Lâm Diệu Thủy con của Tâm là một trong hai thiếu nữ kia. Đúng thì đúng theo suy nghĩ, còn nếu trực diện, chắc chắn không ai nhận ra ai, vì khi Tâm bị lao tù ngoài Bắc vừa lúc Diệu Thủy mới tròn một tuổi.
Khi đến sát cạnh người thiếu phụ ngồi đầu dãy ghế, Tâm chỉ nhìn được phía lưng của nàng qua lớp y phục màu đen, qua mảnh khăn tang trùm kín bên trên trong dáng ngồi bất động. Đầu nàng cúi thấp, hai tay vòng trước ngực. Nỗi lòng Tâm bừng bừng sôi sục đang như muốn gào lên hai tiếng Diệu Ngân… sắp bật ra từ lồng ngực. Tâm phải cố gắng mím môi kìm hãm qua tiếng nấc. Chỉ một phút sau lúc đến được trước linh cửu, Tâm đã chẳng còn nhìn thấy gì hơn trước mặt, miệng thì lâm râm cầu nguyện cho người qua đời, mà đầu óc cố giữ vững tinh thần, chuẩn bị nhãn quan để phát hiện sự thật trên khuôn mặt người thiếu phụ.
Tâm quay phắt người lại giữa khoảng cách chừng hai bước, đôi mắt chàng dán chặt vào khuôn mặt người thiếu phụ cố nhận diện cho bằng được những nét quen thuộc. Rồi chỉ một thoáng rất nhanh nàng ngước lên nhìn thẳng vào Tâm với đôi mắt vô hồn lạc lòng, ngây dại thất thần…đến thật lẹ làng và nàng lại cúi xuống rất nhanh. Chỉ trong vài giây thiêng liêng ấy Tâm đã phối kiểm được chính xác qua ký ức và hiện thực cho Tâm biết rằng người thiếu phụ trước mặt mình chính là vợ yêu quý của mình ngày trước. Giờ thì không còn một nhầm lẫn nào để biện minh. Tâm như muốn lảo đảo, muốn gào lên thật to cho hả bao dồn nén…Nhưng lại kịp thời cố kìm hãm, cố giữ im lặng như đã quyết định trước. Xáo trộn tình cảm, sự yên bình trong lúc này giữa hai người là chuyện không nên làm giữa bàng quan thiên hạ đông đảo, giữa tang tóc, sự mất mát và đau buồn mà người đau khổ nhất lại là Diệu Ngân.
Tâm len lõi qua từng người rất nhanh về hường cửa. Trước mắt Tâm lúc này đã không còn gì hấp dẫn để chú ý và quan tâm. Tâm luồn lách rất nhanh như trốn chạy một sự thật vừa xảy đến quá đột ngột và khi đến gần bàn ghi tên thăm viếng, Tâm chớp nhanh tờ cáo phó, bảng tiểu sử… để có thêm yếu tố xác định sự thật, nhét vội vào túi và đi thẳng ra sân ngoài.
Trời đêm bên ngoài thật mát, thoáng đản, nhẹ nhàng. Ngước nhìn bầu trời đêm đen thẩm, nghìn triệu vì sao lấp lánh chen chúc trên không gian, gió mát hiu hiu giữa khung cảnh im vắng trầm mịch khu nhà quàn, Tâm cảm thấy lòng dịu bớt căng thẳng. Người ra, kẻ vào thăm viếng có thưa dần, nhưng bây giờ đối với Tâm đều vô nghĩa chẳng là gì hơn hình ảnh, vóc dáng Diệu Ngân và đứa con gái yêu quý đang đầy ắp trong hồn xác Tâm…Vợ và con đang hiện diện cách nhau chỉ gang tấc sau hằng chục năm xa cách, thế mà không vói tay đến được. Bất hạnh thật ! Niềm đau thân phận bởi đâu ra ? Tâm lửng thửng từng bước vô hồn đi ra bãi đậu xe, loay hoay tìm chiếc xe của Dũng. Tâm nghĩ có thề Dũng cũng đang dõi tìm mình bên trong những căn phòng đầy ắp người. Tâm vội bấm số điện thoại báo Dũng biết là đang ở bãi đậu xe đợi Dũng ra về lấy cớ đang bị mệt.

Trên đường về nhà Dũng, Tâm ngồi cạnh cố gắng nghe bạn kể chuyện đã gặp một số người nói việc đình chỉ Đêm Ra Mắt Sách. Đa số muốn được gặp mặt Tâm cũng như thời gian Tâm lưu lại đây, anh em có ý mời Tâm đến viếng gia đình cố nhà văn Mặc Nhiên nhân dịp cúng ba bữa.
Chuyện gặp Diệu Ngân và con gái ngay bây giờ là nhu cầu thúc hối nôn nao, nhưng chưa thể. Tâm quyết giữ vững ý chí. Đối với Dũng và bao người khác, Tâm vẫn giữ kín.
Tâm nói :
- Mình nhờ Dũng chuyển lời cám ơn các bạn. Xin cho mình hẹn dịp khác. Theo mình nghĩ các bạn tổ chức đêm Ra Mắt Sách có thể sau ba tháng mười ngày, hoặc sau tuần giáp năm. Ngày giờ Ban Tổ Chức quyết định. Lúc đó tôi sẽ bay qua tham dự. Bây giờ đình chỉ thì ngày mai tôi về, vì một số việc rất cần giải quyết. Số sách mình vẫn gởi lại nhà cậu giữ giùm.
- Sao gấp thế, ngày mai về ? Ở lại chơi đã.
- Ừ…ngày mai mình về, nhờ Dũng đưa mình ra phi trường sớm kịp ghi vé.
Dũng kể lể :
- Theo ý kiến anh em dự tính nay mai sẽ có phiên họp để bầu Trưởng Văn Thi Đàn thay thế anh Mặc Nhiên. Đa số muốn bầu nhà thơ Diệu Ngân, bà xã của anh Mặc Nhiên làm Trường Văn Thi Đàn, mặc dầu nội bộ có nhiều nhân tài thừa sức đảm nhiệm. Nhưng chị Diệu Ngân là người xứng đáng vượt trội. Văn Thi Đàn Mây Viễn Xứ thành hình, sinh hoạt có tầm vóc lớn hiện nay phần lớn do công sức của nữ thi sĩ Diệu Ngân đóng góp. Chị luôn năng nỗ tích cực trong mọi công việc không những của Văn Thi Đàn mà ngay cả hầu hết mọi sinh hoạt văn hóa, xã hội của cộng đồng tại địa phương. Chị đã tạo được uy tín cá nhân và sự thương mến nơi hầu hết mọi người. Do đó, tang lễ của anh Mặc Nhiên hôm nay được đông đảo, thân tình và trang nghiêm như thế.
Ngừng lại giây phút, Dũng tiếp :
- Ba quyển sách của cậu sắp ra mắt, thi sĩ Diệu Ngân đã đọc qua. Chị ấy sẽ đảm nhận trình bày một trong ba quyển sách của anh trong Đêm Ra Mắt sách. Chị nói rằng sách của tác giả Phong Trần (bút hiệu của Tâm) rất có giá trị về nội dung, văn phong lưu loát, nhẹ nhàng dễ dàng thẩm thấu vào tâm hồn độc giả. Nhất định sách sẽ được tiếp nhận đông đảo từ mọi giới. Nhà thơ Diệu Ngân ước ao được gặp tác giả trong ngày ra mắt sách để tỏ lòng ngưỡng mộ và trân trọng mời tác giả hợp tác với Văn Thi Đàn Mây Viễn Xứ. Một số anh em cũng nghĩ như thế. Cậu nghĩ sao ?
Những chi tiết Tâm vừa nghe do Dũng kể càng lúc Tâm thầm cảm thấy phấn khởi và hãnh diện. Thừa cơ hội, Tâm tò mò hỏi Dũng :
- Anh chị Mặc Nhiên chỉ có hai con phải không Dũng ? Trai hay gái ? Vừa rồi mình thấy có hai thiếu nữ và hai thanh niên ở hàng ghế gia quyến ? Còn chuyện cộng tác mình chưa nghĩ đến, hẹn trả lời sau.
- Đó là hai cô Diệu Thủy và Diệu Ngọc con của anh chị Mặc Nhiên. Nghe phong phanh không chính xác lắm Diệu Thủy là con riêng của chị Diệu Ngân, chỉ biết thế thôi.
Nghe bạn kể Tâm càng an tâm khi đã nhìn và nghe mọi điều đều chính xác. Tâm không ngờ chuyến đi lại tìm được vợ con xa cách ba mươi bảy năm dài. Trong hoàn cảnh tang gia bối rối, đau buồn, mất mát, Tâm đã đành phải nén lòng chịu đựng mà tâm trí thì không lúc nào phai mờ vóc dáng thanh sắc yêu kiều của Diệu Ngân. Để vơi bớt sự nôn nao thôi thúc gặp vợ mà chưa được đối diện nhau, Tâm tìm cớ liên lạc với Diệu Ngân đề nghe được nghe tiếng nói của vợ. Do đó, vừa về đến nhà là ba hôm sau Tâm email cho nàng.:
Kính chị Diệu Ngân và gia quyến,
Tôi là Phong Trần, tác giả ba quyển sách mà Văn Thi Đàn của chị sắp tổ chức Đêm Ra Mắt Sách. Thật vô cùng đau đớn khi được tin phu quân của chị, nhà văn Mặc Nhiên, Trưởng Văn Thi Đàn Mây Viễn Xứ vừa vĩnh viễn ra đi. Tôi xin có lời chia buồn cùng chị và các cháu trước sự mất mát vô cùng to lớn đối với gia đình, Văn Thi Đàn, bạn bè, thân hửu. Nguyện cầu vong linh người quá cố an nghỉ thanh thản nơi cõi vĩnh hằng. Phong Trần.
Email chuyển đi, Tâm hồi hộp chờ và hy vọng thế nào cũng sẽ có hồi âm. Vậy mà hơn mười ngày thấp thỏm đợi, Tâm mới nhận điện thư :
Kính nhà văn Phong Trần,
Diệu Ngân hân hạnh hết lòng cám ơn anh gởi lời phân ưu. Trước tấm lòng yêu thương của mọi người, anh Mặc Nhiên đã vĩnh viễn an nghỉ tốt lành. Sau tang lễ, Diệu Ngân có nghe anh Đức Dũng bạn anh nói anh cũng có mặt tại nhà quàn, thế mà Diệu Ngân không được hân hạnh gặp anh. Thật đáng tiếc. Xin cám ơn anh. Người chết như đã xong, người sống tiếp tục phải lo toan cuộc sống trước mặt. Tiện đây, Diệu Ngân tin anh biết, vừa rồi Văn Thi Đàn đã họp bỏ phiếu bầu người lãnh đạo. Kết quả các thành viên đã tín nhiệm Diệu Ngân trong nhiệm vụ Trưởng Văn Thi Đàn cho dù Diệu Ngân có từ chối cũng không được. Chúng tôi quyết định sẽ tổ chức Đêm Ra Mắt sách của anh vào ngày….sau thất tuần (49 ngày) của Mặc Nhiên. Anh chị em trong Văn Thi Đàn đang khởi sự tiến hành công việc. May quá, email này xem như thư chính thức thông báo đến anh. Nếu có gì trao đổi, anh email cho Diệu Ngân hoặc nhà văn Đức Dũng. Anh cũng có thể gọi cell phone cho Diệu Ngân số 321-479-8285.
Kính anh Phong Trần,
Theo ý kiến anh chị em trong Văn Thi Đàn và riêng cá nhân Diệu Ngân hân hạnh kính mời anh tham gia sinh hoạt trong Văn Thi Đàn Mây Viễn Xứ. Mong anh nhận lời. Các tác phẩm của anh, Ngân đã đọc qua rất tâm đắc, thích lắm.
Kính anh - Diệu Ngân.

Tâm đọc email nhiều lần trong niềm vui tràn đầy. Nhìn lên tấm lịch, tính ra chỉ còn đúng một tháng là đến ngày ra mắt sách. Trong hoàn cảnh này Tâm nghĩ rắng phải có cách ứng xử thế nào cho hợp lý hợp tình giữa Tâm và Diệu Ngân trong đêm ra mắt sách trước mặt bàng quan thiên hạ. Miệng lưỡi, dư luận người đời thường có những kết luận ác ý, thiếu suy xét, chệch hướng nhìn, cũng chỉ vì chưa một ai biết được cái quá khứ riêng tư của hai người. Tâm cũng đã có suy nghĩ tự lượng định rằng khi đã nhìn, hiểu qua được phần nào tình cảm, gia cảnh, đời sống, địa vị, sự ảnh hưởng cá nhân trong xã hội của vợ chồng Diệu Ngân - Mặc Nhiên trong mấy mươi năm chung sống cũng rất là mặn nồng, hạnh phúc thăng hoa và vô cùng tốt đẹp của một gia đình êm ấm đấy chứ ! Thế thì đối với tình nghĩa vợ chồng giữa Tâm và Diệu Ngân ngày xưa rất ư ngắn ngủn chưa tròn hai năm, đã phải vắng mờ chia ly theo thời gian ba mươi bảy năm dài thăm thẳm như thế, bây giờ gặp lại tình cảm giữa hai người, hạnh phúc gia đình có còn nguyên vẹn như xưa không ? Nghĩ rằng tình có thể nhạt, nghĩa có thể nhòa. Nào ai hiểu được ! Nào ai lấy thước mà đo lòng người. Bề dày hạnh phúc nồng nàn rực rỡ kia tuy vừa chấm dứt giữa dòng, nhưng khi cần thay thế đâu thể dễ dàng được chứ !
Tâm nôn nao quyết định qua Orlando sớm hơn để có đưọc cuộc hội ngộ trực diện với người xưa. Bàn bạc công việc và nhất là thẩm định, đo lường lại tình cảm, tình nghĩa, cách đối xử của Diệu Ngân khi gặp lại Tâm. Chuyến đi bất ngờ không có phép công ty. Tốt nhất đi trưa thứ sáu, chiều chúa nhật về để không vắng mặt nhiệm sở.
Đến Orlando đã 7 giờ tối, Tâm lấy phòng ngủ, ăn uống, nghỉ ngơi. Sáng hôm sau thứ bảy sau khi điểm tâm, Tâm xem lại địa chỉ, đường đi trên bản đồ và gọi taxi. Cho đến khi đứng trước ngôi nhà của Diệu Ngân, Tâm cảm thấy hồi hộp, tim đập mạnh, lâng lâng một cảm giác nôn nao lo lắng. Nhìn lướt qua ngôi nhà có tầng lầu bề thế, có vòng thành thấp xung quanh. Những thảm cỏ xanh mượt từ trước ra sau được cắt xén tươm tất. Trước sân nhà trồng nhiều hoa rất đẹp mắt. Tâm thầm nghĩ chính là ngôi nhà hạnh phúc của người vợ cũ của chàng với người chồng đã khuất. Tâm cảm thấy xót cho hai người. Nhìn vào sân rộng trước nhà, Tâm thấy một cô gái trẻ, xinh đẹp, y phục hợp thời trang, vóc dáng thanh nhã, duyên dáng đang đứng mở cửa xe. Tâm lửng thửng đi vào. Nghe tiếng động, cô gái trẻ nhìn ra, ngập ngừng và khi Tâm đến gần, cô gái trẻ cúi đầu chào Tâm :
- Kính chào bác. Bác cần tìm ai ạ ?
Tâm mỉm cười, và suy đoán cô gái trẻ này chắc chắn là Diệu Thủy, con của mình đây. Một thoáng Tâm chú ý nhận ra rằng khuôn mặt cô gái giống hệt Diệu Ngân như đúc khuôn. Chính đây con gái cưng của mình. Tâm muốn thốt lên trong nỗi vui mừng như bắt được vàng “Con gái của Ba, Diệu Thủy ! con ơi ! Ba đây ! Tuy nhiên, Tâm cố đánh bạo :
- Bác cần gặp chị Diệu Ngân. Má cháu có nhà không cháu Diệu Thủy ?
Đột nhiên nghe người khách lạ gọi đúng tên mình, cô gái trẻ thoáng ngạc nhiên, cất tiếng hỏi :
- Thưa bác, má cháu có nhà. Xin lỗi bác là ai, để cháu vào thưa với mẹ cháu.
- Cháu thưa với mẹ là có nhà văn Phong Trần từ tiểu bang Washington đến để xin gặp mẹ cháu.
Diệu Thủy mỉm cười, nét mặt sáng rỡ niềm vui :
- Nhà văn Phong Trần. Ờ !.. Cháu nhớ rồi. Cháu có nghe mẹ cháu đôi lúc nhắc đến tên bác, cũng như cháu cũng đã đọc mấy quyển sách của bác sắp ra mắt vào tháng tới. Không ngờ hôm nay cháu hân hạnh được gặp bác. Sách của bác viết rất hay, cháu rất ngưỡng mộ. Cháu sẽ hết mình ủng hộ đêm ra mắt sách của bác. Cháu và em Diệu Ngọc của cháu đang có ý định sẽ vận động bạn bè giới trẻ của cháu đến tham dự cho thật đông. Bác thích không ?
Tâm cười rạng rỡ đến ứa nước mắt. Tâm thoáng nhìn nơi khác tránh nỗi xúc động như muốn bật thành tiếng khóc :
- Cám ơn cháu. Thêm sự ủng hộ của cháu thật vô cùng quý hóa. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.
Trong niềm phấn khích Diệu Thủy tâm sự hết sức thân tình :
- Cháu vẫn đang miệt mài học viết và học nói tiếng Việt thật thành thạo đó bác vì cháu thích viết văn tiếng Việt, đọc sách tiếng Việt để tìm hiểu thật thấu đáo quê hương, nguồn gốc của mình. Cháu nghe mẹ cháu nói lúc mẹ cháu sanh cháu vừa tròn một tuổi thì mẹ và cháu đã rời bỏ quê hương cho đến nay vì không thể sống dưới cái chế độ tàn bạo, dã man của việt cộng sau ngày miền Nam bị giặc cộng cưỡng chiếm. Mẹ cháu nói thế. Đọc các sách của bác, cháu đã học được những lối hành văn của bác, nhất là những từ ngữ văn chương. Ba cháu đã chịu khó hướng dẫn cháu nhiều lắm, giờ ba cháu đã qua đời, mẹ cháu sẽ tiếp tục giúp cháu nhất là quy luật về thơ.
- Ồ ! cháu Thủy giỏi lắm. Thành thật bác mừng cho cháu. Chúc cháu thành công tiếp nối sự nghiệp của ba mẹ.
- Ấy chết, kính mời bác vào nhà. Để cháu vào báo cho mẹ cháu biết có bác đến.
Dứt lời, Diệu Thủy thoăn thoắt đi rất nhanh. Tâm lửng thửng nối bước theo sau. Vừa bước vào phòng khách, Tâm đã thấy Diệu Thủy từ phòng trong ra, nét mặt hồn nhiên :
- Kính mời bác ngồi. Mẹ cháu vừa thức dậy và đang trong bathroom. Mẹ cháu bận chút và sẽ ra tiếp bác ngay bây giờ. Giờ cháu phải đi làm, đã trễ giờ. Kính chào bác. Hy vọng cháu sẽ gặp bác trong đêm ra mắt sách cùa bác.
Dứt lời, Diệu Thủy đi vội ra xe. Còn lại một mình trong phòng khách rất rộng, được bài trí những tiện nghi sang trọng, thời trang, đắt tiền đã cho Tâm hiểu được rằng đời sống của gia đình này cũng thuộc hàng trung lưu khá giả. Tâm quan sát từng đồ vật, tranh ảnh…được trang trí thật vừa ý, bắt mắt. Đặc biệt nhất có bức ảnh cỡ rất lớn, thật hoành tráng treo trên vách đối diện sofa chụp cảnh Diệu Ngân đang ngã nghiêng người trong vòng tay Mặc Nhiên, ánh mắt hai người nhìn nhau tình tứ, say đắm. Tâm ngồi bất động nhìn chăm chăm bức ảnh trong một tâm trạng quay cuồng tê liệt. Tuy rằng Tâm nhận đó là một thường tình riêng tư của đời sống hạnh phúc cá nhân, đâu có gì phải quan tâm. Nhưng, Tâm vẫn cảm nhận giữa mình và Diệu Ngân đang như bị chắn ngang bởi một khoảng cách xa vô cùng tận. Những ấp ủ, mơ mộng của một lâu đài hạnh phúc vun bồi theo thời gian mong ước trở thành hiện thực trước mắt đang vừa bị một cơn gió mạnh cuốn đi. Và kìa, trong một góc bên trong phòng khách, chiếc tủ thờ đặt di ảnh nhà văn Mặc Nhiên, hương đèn sáng choang, nghi ngút lại phản hồi hiện thực như số mệnh an bài cho từng con người nơi trần thế. Hãy chấp nhận như thế, cho tinh thần vô tư, thoải mái.
Năm phút trôi qua Tâm vẫn ngồi tại sofa chờ. Cho đến lúc Diệu Ngân từ trong bước ra trong bộ quần áo ngủ màu thiên thanh, bên ngoài khoác chiếc áo choàng màu hồng nhạt trang nhả, tóc búi cao gọn, khỏe khoắn, khuôn mặt đôn hậu hồn nhiên, không trang điểm. Từng bước uyển chuyển nhẹ nhàng, thật đài các, Diệu Ngân bước vào phòng khách, nét mặt tươi cười nhìn khách, cất tiếng chào :
- Chào anh ! Nhà văn Phong Trần.
Tâm đứng dậy, nhìn Diệu Ngân không chớp mắt. Giây phút đầu tỉên qua bao năm xa cách được nhìn lại người vợ yêu quý ngày xưa đang đứng trước mặt, Tâm xúc động tột độ. Trong lúc ấy Tâm vừa chợt thấy Diệu Ngân khựng lại…trố mắt trân trối nhìn Tâm sững sờ trong nỗi hoảng hốt…ngơ ngác…khuôn mặt nàng tái dần, miệng lắp bắp run rẩy từng tiếng đứt quãng :
- Ủa !..sao lại..! Phong Trần…! Anh Phong Trần..! Anh…là anh Phong Trần…sao anh lại là Tâm ! Sao lại là Tâm …! Anh Tâm..! Anh…Tâm của em…kìa..!!!
Tiếng rên rỉ Diệu Ngân lịm dần :
- Anh..! Anh Tâm ! chính là Tâm của em thật đấy sao ? Người hay ma…! Em…sợ..! Anh đã chết từ lâu rồi kia mà ! Anh có biết không ? Anh đã chết rồi ! Em sợ…đừng hiện về nhát em..! Tội nghiệp em !
Diệu Ngân ngây người, lảo đảo. Sự việc diễn ra quá đột ngột…Tâm vội bước nhanh đến đở Diệu Ngân trong vòng tay mình và dìu nàng đến ngồi trên sofa.
- Bình tĩnh. Anh là Phong Trần. Phong Trần là Nguyễn Hoàng Tâm ngày xưa của em ! Tâm thực sự, là người thật của em đây. Diệu Ngân ! Hãy bình tĩnh.
Khuôn mặt Diệu Ngân tái nhợt, phảng phất nét lo sợ đến hãi hùng. Nàng ngã người vào sofa, đầu tựa trên thành ghế, đôi mắt lim dim, lạc lõng, vô hồn. Thật tội cho nàng. Nàng đang bị cơn sốc mãnh liệt. Miệng nàng lảm nhảm những gì không rõ xen kẻ tiếng nấc uất nghẹn và rồi Diệu Ngân khóc tức tưởi, khóc ngon lành say sưa như đứa trẻ đang đánh mất đồ chơi. Nhìn người vợ cũ đang trong trạng thái xúc động tận cùng, lòng Tâm quặn thắt. Tâm vẫn ngồi yên đối diện nhìn Diệu Ngân đang thoải mái trong cơn giải tỏa những đè nén cõi lòng. Diệu Ngân vẫn duyên dáng, xinh đẹp như thuở nào tuy tuổi nàng đã tròn sáu mươi. Nét đẹp quý phái, kiêu sa, chững chạc toàn diện của một người đã được sống trong hạnh phúc trọn vẹn, trong đời sống tiện nghi vật chất đầy đủ. Trong bất ngờ va chạm vào da thịt săn chắc quen thuộc của vợ khi Tâm đưa tay đở nàng vừa rồi đã gợi nhớ lại giây phút nồng nàn hai kẻ đã một thời quấn quít bên nhau ngày trước. Những phút im lặng trôi qua…Tâm lên tiếng :
- Hôm nay chúng ta gặp lại nhau sau bao nhiêu năm xa cách, chính là ngày vui của chúng ta, sao em không mừng vui lại khóc ?
Diệu Ngân chậm nước mắt, sửa lại dáng ngồi, nhìn Tâm trong ánh mắt đờ đẩn :
- Đúng vậy. Em khóc cho ngày vui hội ngộ. Khóc giải tỏa những uất nghẹn đã bị dồn nén mà bao nhiêu năm em chẳng giải bày được với ai. Khóc cho hạnh phúc. Khóc được nhìn thấy anh. Bao lâu em cứ ngỡ rằng chúng ta đã vĩnh viễn không còn thấy mặt nhau, vì anh đã chết rồi, anh có biết không hả Tâm của em ?. Những người bạn của anh cùng trại tù ngoài Bắc sau khi bị bắt, họ vượt ngục trốn thoát về bảo rằng anh bị lũ côn đồ cộng phỉ tra tấn hết sức dã man cho đến chết.
- Đúng thế. Nhưng anh chưa đến số chết, được anh em cùng trại cứu sống.
- Nhận được tin anh đã chết, em quay cuồng điên đảo một thời gian đã không còn muốn sống. Tiếp đến đúng cái ngày 30 tháng tư bảy lăm tang thương đen tối nhất của đất nước, trong cơn hoảng loạn tột cùng em như điên cuồng bồng con bôn ba trôi dạt theo làn sóng người ào ạt từ Saigon ra Vũng Tàu, cố lấn chen, giành giựt tranh nhau được lên ghe, lên tàu vượt ra khơi trốn chạy quỷ dữ. Em phải đi, chết sống em cũng đi đâu thể sống được với lũ cướp việt cộng. Tin anh đã chết rồi, em đâu thể chờ anh. Thân nhân dòng họ tản lạc chẳng mấy người giúp được gì. Bản thân em là nữ quân nhân QL/VNCH có ở lại cũng sẽ bị chúng đày ải, hãm hại. Thà đem mạng sống đổi lấy hai chữ tự do còn hơn cúi đầu để chúng hành hạ làm nhục, nếu thất bại cũng không ân hận.
Tâm im lặng ngồi lắng nghe câu chuyện trong niềm cảm phục và hãnh diện. Diệu Ngân tiếp tục :
- Chuyến vượt biển ngày đó thật gian truân khủng khiếp chưa từng có mà mỗi lần nhớ lại em vẫn khiếp đảm kinh hoàng. Lúc ấy em đã chen lấn lên được một tàu đánh cá cỡ lớn đầy đặc người. Lính, dân, già trẻ, lớn bé trên tàu ước chừng hai trăm người, quá tải, tàu chông chênh muốn lật úp. Nhất là súng đạn thi nhau nổ, bắn nhau, giành nhau…giết nhau, cướp giựt nhau hoảng loạn khiếp quá. Có kẻ điên loạn chỉa súng bắn xối xả vào những tàu, ghe đầy ắp người vì không ai chịu nhường cho họ chỗ để lọt được chân lên tàu. Mạng người như cỏ rác. Cố chen lên được tàu, em ôm con co ro chui vào một góc ngồi im không dám hó hé. Mặc, tàu đi đâu cũng được, ai sao mình vậy, phó thác rủi may. Gần xế chiều tàu khởi hành ra khơi, cứ nhắm hướng đông nam đi tới. Tiếng máy tàu nổ lạch tạch, ì ạch, mệt mõi nhưng họ vẫn xả hết tốc lực lướt tới. Qua một đêm, một ngày rồi một đêm kế tiếp biển lặn, sóng êm. Nhưng đa số đều bị say sóng nằm xếp lớp. Em và con cũng không thoát khỏi. Sang ngày thứ hai vào giữa trưa, đột nhiên mưa đổ xuống như trút nước. Giông tố, cuồng phong ầm ầm long trời lỡ đất. Gió bão gào thét muốn vỡ tung quả địa cầu. Từng đợt sóng lớn cao ngất chụm đầu nhau tạo những cây nước khổng lồ tung con tàu mong manh lên cao, và trong tích tắc nhận chiếc tàu đang lật úp chìm lĩm xuống lòng đại dương đen thẳm. Người, vật, mọi thứ trên tàu rơi vãi tung toé khắp nơi trong màn nước trắng xóa của từng đợt sóng nhồi. Em lanh trí một tay chụp được một can nhựa lớn gần đó bấu chặt nó, một tay ghì chặt con…và rồi em không còn biết gì nữa giữa những đợt sóng hung hãn ngữa nghiêng nhồi xốc. Chừng như lâu lắm, biển lại lặn, sóng lại êm, trời quang đản xế chiều. Văng vẳng bên tai bao tiếng gào thét, kêu cứu. Em dần dần tỉnh, dần dần hiểu mờ mờ được thực trạng và thật không ngờ lúc ấy em đang nằm trong vòng tay của một người đàn ông. Người ấy là anh Mặc Nhiên…!
Tiếng nói Diệu Ngân nhỏ dần trong uất nghẹn, thút thít đau đớn :”Anh Mặc Nhiên của em. Anh đã cứu sống mẹ con em thoát chết trong gang tấc giữa cuồng phong bão tố đại dương ngày đó…giờ sao anh lại nỡ bỏ mẹ con em mà vĩnh viễn ra đi..!” Ánh mắt Diệu Ngân chăm chăm nhìn bức ảnh lớn của hai người treo trên tường. Tâm vẫn ngồi im lặng trước cơn xúc động của Diệu Ngân và nghĩ rằng chính đó là nguồn cảm xúc rất chân thật của nàng đới với người đã khuất mà Tâm cảm thấy cần phải tôn quý.
Diệu Ngân quay nhìn Tâm trong ánh mắt buồn buồn :
- Anh Tâm ! Hãy tha thứ cho em nhen anh. Em đã không dằn được nỗi tiếc nhớ anh Mặc Nhiên đang đột phát trong lòng, mới có giây phút mủi lòng như thế trước mặt anh. Tha thứ cho em đi Tâm ! Người chết rồi chỉ còn lại sự tiếc nhớ trong tưởng niệm đối với người sống mà thôi. Nếu không có Mặc Nhiên, Diệu Ngân đã không còn nữa trên đời này để được gặp lại Tâm hôm nay. Vì đúng vào lúc em và con bị văng ra khỏi tàu, bị những cơn sóng lớn nhồi dập tới tấp giữa biển sâu, em đã đánh mất can nhựa, cơ thể không còn sức sống, toàn thân buông xuôi, tử thần đang chờ tiếp nhận và trong tích tắc chắc chắn mẹ con em sẽ vĩnh viễn vùi xác dưới biển sâu. Trong lúc ấy anh Mặc Nhiên đang lặn hụp giữa sóng bão cuồng loạn tìm vợ con và khi lướt ngang qua em, nhìn thấy em đang bị sóng đánh chìm, anh vội lặn theo kéo mẹ con em lên mặt nước. Mặc Nhiên là lính hải quân, bơi giỏi, lại có chiếc phao, nên khi kéo em lên được, một tay anh giữ chặt em, một tay bám vào phao và tiếp tục lướt trên sóng kiếm vợ con giữa biển. Rồi phải qua thêm một đêm nữa nằm lênh đênh lạnh cóng trên nước biển, Mặc Nhiên vẫn bám chặt giữ mẹ con em, vừa lạnh, vừa đói, vừa khát, em đã hôn mê không còn biết gì nữa. Còn Diệu Thủy thì đã lạnh cứng, mắt nhắm nghiền, mà miệng vẫn còn ngậm vú mẹ.
Đến lúc tỉnh lại và hiểu được, em thấy mình nằm trên một chiếc tàu lớn bên cạnh có anh Mặc Nhiên. Anh cho biết vào sáng hôm sau có chiếc tàu buôn ngang qua và vớt được ba mươi lăm người, còn số đông kia đã chìm sâu dưới đáy biển. Vợ và đứa con trai năm tuổi của anh Mặc Nhiên đồng chung số phận oan khiên đó. Cuộc hành trình trốn chạy lũ giặc vô thần của Hồ tặc vào cái ngày ba mươi tháng tư bảy lăm đen tối đó cũng khá gian truân sau đó, trong nỗi phấn đấu không ngừng để có được ngày hôm nay anh Tâm ạ !
Anh Tâm à, em nghĩ rằng mỗi người đã có một số phận mà Tạo Hóa đã dành sẳn. Lúc tuổi dậy thì đôi mươi, nhiều người bám theo em van xin để được yêu, em đã chẳng mảy may xao động. Nhưng khi vừa gặp anh ngay ngày đầu tiên lúc anh bị thương nhập quân y viện, em đã yêu anh, yêu đến si mê cuồng nhiệt, quyết một lòng không để mất anh. Vậy mà em đã mất anh cũng bởi lũ cộng nô vong bản, cuồng tín ngu xuẩn gây nên tội ác chiến tranh. Đến anh Mặc Nhiên lại xuất hiện bất ngờ cứu em trên biển đúng lúc thần chết đang chực chờ đón nhận em để rồi ơn trả nghĩa đền người cứu mạng sống mẹ con em. Anh Tâm ! anh có ân hận và buồn em điều gì không ?
- Sao lại buồn và ân hận ? Anh mừng cho em. Anh hãnh diện, cảm phục em. Anh nghĩ ba mươi lăm năm chung sống, em hạnh phúc bên chồng đấy chứ ?
- Toàn vẹn anh ạ. Mặc Nhiên chăm sóc và yêu quý em vô cùng. Còn anh ?
- Anh ấy à !? Sau 13 năm tù đày trở về sống lang thang đầy tủi nhục bằng các công việc tay chân. Nhà cửa, ruộng vườn của cha mẹ đã bị lũ cướp việt cộng trắng trợn cướp sạch. Đi theo chương trình HO qua đây năm 1990, sống chung với vợ chồng một người bạn, đi làm kiếm sống, rảnh rỗi thì viết để giải sầu. Luôn để tâm dõi tìm em mà nào có kết quả.
Diệu Ngân mĩm cười :
- Bao nhiêu năm vắng nhau, sao anh cứ sống một mình như thế ?
- Đời anh duy nhất một lần cưới vợ mà thôi. Vì hình ảnh người vợ thương yêu đó luôn mãi khắc sâu trong lòng không gỉ có thể chuyển đổi được. Anh quyết tâm giữ mình như thế để mong có ngày gặp em.
Nghe Tâm thổ lộ nỗi niềm, Diệu Ngân bối rối :
- Em chẳng biết phải nói thế nào bây giờ. Hoàn cảnh, thời thế như anh biết đó xoay đổi buộc con người không muốn cũng phải chấp nhận. Anh Tâm, anh quá khắt khe cuôc sống cá nhân anh đấy, anh biết không ?
Dứt lời, Diệu Ngân nhìn đồng hồ, nói :
- Anh dùng cơm với em nhen anh. Mình ăn cơm với nhau, lâu rồi chúng mình chưa được cơ hội ăn chung. Anh hãy vui cùng em. Em gọi nhà hàng gần bên nhà mang bữa ăn sang. Em ít có thì giờ rảnh nấu nướng. Vừa đi làm, vừa tham gia chương trình thi nhạc hằng tuần trên đài phát thanh, vừa phụ công việc Văn Thi Đàn Mây Viễn Xứ với anh Mặc Nhiên, lại phải đảm trách một số công việc của cộng đồng địa phương, phụ lo hai đứa cháu học, đọc sách, viết bài… bận rộn suốt ngày… Anh chờ em chút xíu. Em pha cà phê anh và em uống nhé !
Rồi chẳng chờ Tâm trả lời, Diệu Ngân đứng lên bước nhanh vào trong, sau đó mang ra bình trà nóng, bánh ngọt và hai ly cà phê.
Tâm lên tiếng :
- Lúc sáng khi vào đây anh đã gặp Diệu Thủy. Bởi nó rất giống em, anh nhận ra liền. Hai cha con có nói chuyện với nhau. Anh rất ưng ý khi nghe con nói cố gắng học, nói tiếng Việt thật thành thạo và muốn trở thành nhà văn, nhà thơ.
- Anh biết không, em nó là Diệu Ngọc cũng thế, hai chị em đang có cùng một đam mê. Anh Mặc Nhiên nhiệt tình hướng dẫn con và chúng nó đã có những bài viết góp mặt trên báo và diễn đàn. Hai chị em đều là dược sĩ. Thủy làm tại bệnh viện ở đây, Ngọc theo chồng là bác sĩ y khoa làm tại bệnh viện Miami. Chồng của Thủy là phi công American Airline nên thường vắng nhà. Thủy và Ngọc thông minh, lanh lợi chịu khó. Dù bận rộn nhiều việc mà còn tham gia các sinh hoạt của giới trẻ.
Tâm hỏi :
- Có khi nào em nói về anh cho Diệu Thủy nghe chưa ?
- Chưa anh ạ. Nhưng sau này em nghĩ cũng phải cho Diệu Thủy biết sự thật vì sự có mặt của anh.
- Đã ba mươi lăm năm em sống an bình trong một gia đình hạnh phúc toàn vẹn bên chồng con, nhưng giờ Mặc Nhiên không còn nữa, anh lại có mặt bất ngờ hôm nay trước mặt em. Em nghĩ thế nào về anh cũng như tình nghĩa chúng mình đã có được ngày xưa, dù chúng mình chỉ bên nhau chưa tròn hai năm ?
Trước câu hỏi dò ý của người chồng cũ nét mặt Diệu Ngân buồn buồn đăm chiêu :
- Anh là mối tình đầu của em mà em đã trao trọn đời con gái trinh nguyên đã không bao giờ nhạt mờ trong tim em. Đôi lúc im ắng tâm hồn, em vẫn quay quắt nhớ về anh với những cảm giác ban đầu ấy. Nhớ đề hoài niệm bao kỷ niệm đẹp mà chúng ta đã có, tuy biết rằng những kỷ niệm đẹp ấy sẽ không bao giờ nắm bắt lại được trong tầm tay vì tin anh đã chết rồi. Khi em chấp nhận làm vợ anh Mặc Nhiên là đáp lại ơn cứu tử hai mẹ con em, em cần một chỗ dựa trong cuộc sống lưu vong, con còn nhỏ dại và nhất là chúng em đã có được một tình yêu chân thật, tự nguyện và sự giúp đở tận tình cho nhau những ngày đầu lưu xứ. Bao nhiêu năm ấy chúng em sống rất hạnh phúc, cho dù bây giờ anh Mặc Nhiên không còn nữa, lòng em chưa có thể xóa mờ tình nghĩa đã thấm sâu của nhau trong một thời gian dài đâu thể dễ dàng nhạt mờ ngay được, phải không anh ?.
Diệu Ngân ngừng nói, nhìn Tâm như dò xét, giọng trầm buồn :
- Anh Tâm của em ! Em nghĩ rằng anh cũng có thể đồng suy nghĩ với em. Đó là trong ba năm cư tang chồng - hoặc có thể trọn cuộc đời - em phải quyết tâm chung thủy, gìn giữ tiết hạnh của mình với người đã khuất để trọn nghĩa tình. Vì thế, mong anh hiểu cho em, trong hoàn cảnh này, chúng mình hãy như là bạn của nhau. Bạn thân. Bạn tri kỷ. Có đến với nhau hãy giữ lòng cho nhau. Qua câu chuyện, em biết anh còn yêu em. vì anh đã tiết chế tình cảm anh suốt chặng đường dài để chỉ biết sống với tình yêu của em dù không có em. Anh cũng nhớ rằng, em vẫn là của anh, nhưng vấn đề sẽ xoay đổi thế nào thì sau ba năm cư tang anh Mặc Nhiên, chúng ta sẽ giải đáp cho nhau. Được chứ anh ?
Đã sống với Diệu Ngân, đã hiểu được tâm tính vợ, do đó những lời Diệu Ngân nói Tâm cũng đã có sẳn trong suy nghĩ của mình từ nhà ra đi. Tâm đã không cảm thấy hụt hẫng, thất vọng, trách cứ mà còn nễ nang kính phục.
- Em Diệu Ngân, anh hoàn toàn đồng ý và rất trân quý ý kiến của em. Trong lúc này chúng mình hãy là bạn của nhau. Anh mừng vui vì anh đã không còn cô đơn. Thỉnh thoảng có dịp, anh bay qua thăm em, điện thoại, email thường xuyên cho em.
Nhà hàng đã mang bữa ăn đến nhà theo yêu cầu. Trong lúc dùng bữa, Tâm đề nghị :
- Anh muốn sau bữa ăn, em có thể đưa anh ra viếng mộ anh Mặc Nhiên. Anh muốn tỏ lòng tôn kính biết ơn anh ấy. Mặc Nhiên là người chồng, người cha tốt, sống có trách nhiệm mà em rất may mắn gặp được. Nếu không, cuộc đời em và con sẽ khồn đốn trong lúc anh và em bị ngăn cách bởi cuộc chiến khốn nạn quái ác gây nên.
Diệu Ngân nhìn Tâm trong ánh mắt biết ơn biểu đồng tình :
- Vâng, cơm nước xong chúng ta đi ngay nhen anh vì chiều nay thứ bảy em có cuộc họp của Văn Thi Đàn Mây Viễn Xứ thảo luận việc phối hợp cùng cộng đồng, các hội đoàn tham gia biểu tình tuần hành kể tội và lên án bè lũ bán nước cộng việt đã phá nát quê hương nhân ngày quốc hận ba mươi tháng tư vào tuần tới. Anh đến tham dự, em muốn giới thiệu anh với anh chị em trong Văn Thi Đàn, nhân dịp thảo luận thêm vài vấn đề trong đêm ra mắt sách của anh.
Lòng Tâm nôn nao đầy phấn khích. Ba mươi bảy năm rồi kể từ ngày Tâm bị giặc bắt Tâm mới có được một ngày bình an và thoải mái tâm hồn. Để hiểu ra rằng lẽ sống công chính chớ bao giờ quên ơn những người cho ta cuộc sống hôm nay với tất cả những gì ta cần. Cuộc sống chẳng là một cuộc chạy đua, mà chính là một hành trình mà ta có được từng bước khám phá ra nó..!
Nguyễn Thế Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét